• Công nghiệp

Tăng mức chi hỗ trợ đối với nhiều hoạt động khuyến công

21/04/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 21/04/2020 | 06:00

STO - Những năm qua, kinh phí khuyến công của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn có thêm nguồn lực để đầu tư vào phát triển sản xuất. Để hiểu rõ hơn về nội dung chi và mức chi kinh phí khuyến công trong năm 2020, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn ông Phạm Xuân Nhiệm – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Thưa ông, trong năm 2020, đơn vị đã có kế hoạch triển khai việc hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương ra sao?

Ông Phạm Xuân Nhiệm: Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp dự kiến thực hiện 19 đề án với tổng kinh phí thực hiện hơn 6,7 tỉ đồng, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,1 tỉ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 2,1 tỉ đồng, kinh phí đơn vị thụ hưởng đóng góp trên 3,5 tỉ đồng. Theo đó trung tâm tự thực hiện 4 đề án, 14 đề án khuyến công địa phương hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, 1 đề án nhóm từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 4 cơ sở ngành sản xuất bánh pía.

Ông Phạm Xuân Nhiệm - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công. Ảnh: Quốc Kha

Phóng viên: Xin ông cho biết những ngành nghề nào được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công?

Ông Phạm Xuân Nhiệm: Các ngành nghề được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công gồm: sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ; sản xuất sản phẩm có thị trường xuất khẩu; cơ sở sử dụng nhiều lao động (từ 50 lao động trở lên); cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ và cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tuy nhiên, lồng ghép ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Thời gian qua, việc hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị, máy móc và các hoạt động khác đã đem lại hiệu quả. Như vậy, mức chi hỗ trợ năm nay có gì thay đổi so với trước đây thưa ông?

Ông Phạm Xuân Nhiệm: Thực hiện Quyết định số 03/2020/QĐ-UBND, ngày 16-1-2020 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công và quy định mức chi cho các hoạt động khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, theo quy định mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến công có thay đổi ở một số nội dung hỗ trợ, cụ thể như: chi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, tăng mức hỗ trợ từ không quá 7 triệu đồng/doanh nghiệp lên không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp (trường hợp chi phí thực hiện dưới 10 triệu đồng thì mức hỗ trợ bằng với chi phí thực hiện).

Đối với chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới tăng mức hỗ trợ từ tối đa 30% nhưng không quá 350 triệu đồng/mô hình lên bằng 30% chi phí nhưng không quá 1 tỉ đồng/mô hình. Mô hình của các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập có mức hỗ trợ tăng từ không quá 70 triệu đồng/mô hình lên không quá 100 triệu đồng/mô hình (trường hợp chi phí thực hiện dưới 100 triệu đồng thì mức hỗ trợ bằng với chi phí thực hiện).

Chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, mức hỗ trợ bằng 30% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình. Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, mức hỗ trợ tăng từ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 140 triệu đồng lên bằng 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng. Trường hợp chi hỗ trợ dây chuyền công nghệ thì mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 lần mức hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn, mức hỗ trợ tăng từ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 25 triệu đồng/thương hiệu lên bằng 50% chi phí nhưng tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu. Chi hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực: Lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới. Mức hỗ trợ tăng từ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 25 triệu đồng/cơ sở lên bằng 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/cơ sở.

Chi hỗ trợ để hình thành cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp, mức hỗ trợ tăng từ tối đa 50% chi phí thành lập, nhưng không quá 100 triệu đồng/cụm liên kết lên bằng 50% chi phí, nhưng không quá 150 triệu đồng/cụm liên kết.

Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn, mức hỗ trợ tăng từ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở lên bằng 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, mức hỗ trợ bằng tăng từ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1 tỉ đồng/cụm công nghiệp lên bằng 30% chi phí, nhưng không quá 1,5 tỉ đồng/cụm công nghiệp.

Chi hỗ trợ quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tăng từ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 350 triệu đồng/cụm công nghiệp bằng 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp. Chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tăng từ không quá 2,1 tỉ đồng/cụm công nghiệp lên không quá 6 tỉ đồng/cụm công nghiệp.

Phóng viên: Còn các nội dung khác có thay đổi mức hỗ trợ không thưa ông?

Ông Phạm Xuân Nhiệm: Những nội dung khác không thay đổi mức hỗ trợ như: chi hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm khác trong nước có mức hỗ trợ 80% giá thuê gian hàng. Chi hỗ trợ để thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp huyện và cấp tỉnh có mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập, nhưng không quá 35 triệu đồng/hội, hiệp hội cấp huyện; 50 triệu đồng/hội, hiệp hội cấp tỉnh.

Chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo: nâng cao tay nghề cho người lao động; chi đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp để duy trì, phát triển nghề và hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề ở nông thôn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Quốc Kha (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: