• Công nghiệp

Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội ở Sóc Trăng

13/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 13/10/2020 | 06:00

STO - Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) được xác định giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong nhiệm kỳ qua, để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển, nhờ đó mà có mức tăng trưởng ổn định, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thủy lợi, mạng lưới điện, nước, thông tin và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN-TTCN. Theo đó, quan tâm bố trí quỹ đất, lựa chọn địa điểm phù hợp và phân bố đồng đều trên địa bàn toàn tỉnh để quy hoạch xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến các hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại sản phẩm của Sóc Trăng đến người tiêu dùng cả nước. Ảnh: Q.BÌNH

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp, trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, như: chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, năng lượng...; khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối với khu vực kinh tế biển, tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh. Đến nay, Khu Công nghiệp An Nghiệp có 49 doanh nghiệp thuê đất, với 66 dự án, tỷ lệ lấp đầy 96,5%; giải quyết trên 14.000 lao động (tăng trên 8.000 lao động so năm 2015), đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Gần đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề, quy mô sử dụng đất của dự án 160ha, có tổng vốn đầu tư trên 1.230 tỉ đồng. Đối với quy hoạch cụm công nghiệp, đến nay thì Cụm Công nghiệp Ngã Năm đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 46,7%; đã khởi công Cụm Công nghiệp Xây Đá B, cấp quyết định chủ trương đầu tư Cụm Công nghiệp An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2. Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát triển hạ tầng thương mại và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã kêu gọi đầu tư và nâng cấp 39 chợ, với tổng kinh phí trên 103 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 137 chợ (tăng 5 chợ so năm 2015). Song song đó, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi tại các trung tâm huyện, thị xã, thành phố; nhiều dự án được đầu tư, đưa vào hoạt động, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 13 siêu thị và 62 cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi.

Hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Ảnh: THIỆN HẢI

Để tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Công thương đã tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, đề án khuyến công. Thông qua hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song song đó, ngành Công thương đã thông tin, vận động trên 2.000 lượt doanh nghiệp tham gia 113 hội chợ, với 8.102 gian hàng; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện 10 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, 9 hội chợ trong khuôn khổ các hoạt động “Tết Quân - Dân” tại địa bàn huyện; phối hợp Siêu thị Co.opmart, Siêu thị Ánh Quang tổ chức hơn 50 chuyến bán hàng lưu động về các huyện, thị xã trong tỉnh; tổ chức cho trên 80 lượt doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, kết quả có hơn 50 lượt doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng ký kết bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, làm đại lý ủy nhiệm với các doanh nghiệp tại các tỉnh vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Qua các hoạt động quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại, sản phẩm của Sóc Trăng ngày càng được người tiêu dùng cả nước nhận diện và tiêu dùng, nhất là các sản phẩm truyền thống, chủ lực của tỉnh, như: bánh pía, lạp xưởng, khô các loại… và các sản phẩm đặc sản, như: gạo ST, hành tím, củ cải muối, trà mãng cầu.

Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển CN-TTCN theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường, ưu tiên phát triển công nghiệp có lợi thế. Theo đó, sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng, trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp lợi thế của tỉnh như: công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất điện…; thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến các ngành hàng có sử dụng nguồn nguyên liệu nông, thủy sản địa phương; phát triển tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn, nhằm giải quyết lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề, Sông Hậu, Đại Ngãi, Mỹ Thanh; các cụm công nghiệp: Ngã Năm, Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2, Vĩnh Châu...

Đối với việc phát triển thương mại, dịch vụ, tỉnh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, trung tâm thương mại... tại các đô thị, khu vực nông thôn theo quy hoạch; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển chợ; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh với các hình thức thanh toán linh hoạt; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; kết nối cung cầu, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: