• Thi đua - Khen thưởng

Tác phẩm đạt giải ba Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Sóc Trăng năm 2018

"Hạnh phúc là được cống hiến"

04/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 04/07/2018 | 06:00

STO - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, có dịp về thăm lại Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, thấy được sự đổi thay của thị trấn thể hiện rõ trên từng ngôi nhà, trên từng nét mặt rạng ngời của những người dân đôn hậu, làm cho chuyến đi của tôi thêm phần thú vị. Và tôi còn biết thêm về những người mà với họ “hạnh phúc là được cống hiến”. Một trong những người mà tôi muốn nói đến trong bài viết này là chú Nguyễn Văn Nới - Trưởng Ban trị sự Hưng Nghĩa tự Tịnh độ cư sĩ Đại Ngãi, Chủ tịch Hội Đông y thị trấn Đại Ngãi nhiệm kỳ 2015 - 2020. 

Ngày ấy…

Năm 1942, sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp An Đức, thị trấn Đại Ngãi, ngay từ nhỏ, chú Nới đã được gia đình dạy cho tính tự lập, ý chí và nghị lực vươn lên cùng cái tâm trong sáng để cống hiến cho xã hội, phục vụ cho cộng đồng. Từ năm 1962, khi hai mươi tuổi, chú Nới bắt đầu học nghề thuốc. Sau 4 năm miệt mài học tập, chú nhận bằng y sĩ cấp 2. Năm 1967, chú lại tiếp tục tham gia lớp học chuyên tu về Đông y của hệ phái Tịnh độ cư sĩ đào tạo tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Sau Mậu Thân 1968, chú về gác phòng thuốc phục vụ ở tỉnh Long An. Ba năm gắn bó với mảnh đất giàu tình người và dũng khí cách mạng, năm 1973, chú được tỉnh rút về và tham gia khóa sư phạm huấn viên y khoa để đào tạo y sĩ cấp 2 về Đông y của hệ phái Tịnh độ. Và cũng từ đó, chú đã gắn bó và có nhiều đóng góp cho vùng đất Đại Ngãi, cho hệ phái Tịnh độ cư sĩ Đại Ngãi.

Hành trình thiện nguyện

Khi các con đã có gia đình và công việc ổn định, vợ chồng chú được hai con động viên tham gia các hoạt động thiện nguyện ở địa phương, đặc biệt là tại Hưng Nghĩa tự Tịnh độ cư sĩ Đại Ngãi. Hiện nay, với nhiệm vụ Trưởng ban trị sự và Chủ tịch Hội Đông y, chú đã cùng với những tín đồ Tịnh độ và các nhà hảo tâm có nhiều hoạt động có ý nghĩa cho địa phương đặc biệt là cho phòng khám đông y của Hưng Nghĩa tự.

Chú Nguyễn Văn Nới với các loại thuốc đang phơi ở sân trong nhà.

Được sự cho phép của chính quyền địa phương, chú đã đứng ra vừa đóng góp, vừa vận động các tín đồ Tịnh độ cư sĩ và các nhà hảo tâm đóng góp tiền mua các trang thiết bị cho phòng khám và bỏ ngày công để chặt thuốc nam. Phòng khám có tổ chặt thuốc nam với trên 50 thành viên được tổ chức chặt chẽ để phân công chặt thuốc, phơi, sấy, nhập vào kho để bảo quản, sử dụng,… Ngoài tổ chặt thuốc tại tự, chú còn thành lập hai tổ chặt thuốc tại nhà riêng ở thị trấn Đại Ngãi và ở ấp Bờ Kinh, xã Hậu Thạnh. Các loại thuốc nam được đưa về hai sân phơi trong nhà và ngoài trời tại Hưng Nghĩa tự để phơi, sấy và bảo quản cẩn thận. Hiện nay, phòng khám có hơn 200 loại thuốc, trong đó có những loại thuốc rất quý hiếm để điều trị bệnh cho người dân. 

Chú Nới chia sẻ, phòng khám của Hưng Nghĩa tự có 10 người thường trực khám và bốc thuốc cho người dân, trong đó có 2 lương y có bằng do Bộ Y tế cấp, 6 lương y có bằng do Sở Y tế cấp và 2 y sĩ, với 5 trên 10 người có thể thực hiện cả việc châm cứu trong điều trị bệnh, đảm bảo phục vụ các bệnh nhân đến thăm khám, bốc thuốc miễn phí mỗi ngày. Điều đặc biệt là tất cả mọi người làm việc tại phòng khám đều không nhận lương, mọi người chỉ được hỗ trợ trang phục để bắt mạch, bốc thuốc, hay được ăn chay tại tự, hay được phát một số vật dụng cá nhân nhưng tất cả mọi người đều hăng hái, nhiệt tình và đầy trách nhiệm trong công việc.

Năm 2016, phòng khám đã khám cho 59.591 lượt người, phát 279.959 thang thuốc và châm cứu cho 9.337 lượt người. Năm 2017 khám cho 49.719 lượt người, phát 248.595 thang thuốc và châm cứu 10.906 lượt người. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2018 đã có 9.310 người đến khám, bốc thuốc điều trị bệnh và 1.941 người đến châm cứu. Nếu chỉ tính mỗi thang thuốc trị giá 10.000 đồng và mỗi lượt châm cứu là 20.000 đồng, thì từ năm 2016 đến nay, các hoạt động thiện nguyện của phòng khám là gần 6 tỉ đồng. Mỗi năm, chú Nới cùng Tổ chặt thuốc của Hưng Nghĩa tự chia sẻ, hỗ trợ các phòng khám trong và ngoài tỉnh trên 400 bao thuốc để điều trị bệnh cho người dân.

Không dừng lại ở việc khám bệnh và phát thuốc miễn phí, chú Nới còn vận động mạnh thường quân đóng góp tiền và gạo để cấp phát cho người dân nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn vào dịp ngày rằm, đặc biệt là rằm tháng bảy hàng năm. Năm 2016, chú và các tín đồ cư sĩ, các nhà hảo tâm đã đóng góp 3.750kg, năm 2017 là 4.050kg gạo và 3 tháng đầu năm 2018 là 720kg gạo để cấp phát miễn phí cho người nghèo, với tổng giá trị trên 85 triệu đồng.

Là Trưởng Ban trị sự Hưng Nghĩa tự Tịnh độ cư sĩ Đại Ngãi, mỗi tháng vào ngày cúng Sóc Vọng, sau khi bàn chuyện Phật sự, như: lễ hội, cử người tham gia các hoạt động của địa phương, báo cáo về các loại thuốc thu được, các khoản đóng góp của các nhà hảo tâm và tình hình chi tiêu,… chú Nới lại dành thời gian bàn chuyện đạo đức cho hơn 100 tín đồ của hệ phái Tịnh độ cư sĩ Đại Ngãi, nhất là nói về tấm gương đạo đức của Bác. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp cho những tín đồ Tịnh độ cư sĩ ở Đại Ngãi luôn sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện các hoạt động thiện nguyện cùng chung sức với địa phương xây dựng Đại Ngãi phát triển.

Những dự định

Khi trao đổi với chúng tôi về dự định cho năm 2018 và sắp tới, chú không nói gì cho riêng mình và gia đình, mà tất cả là dành cho Hưng Nghĩa tự. Dự định của chú là cùng các tín đồ, các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thiện nguyện là khám bệnh, phát thuốc, phát gạo miễn phí cho người dân. Hiện, chú cũng đã xin phép địa phương để mở rộng diện tích phòng khám bệnh, để người dân đến khám bệnh, lấy thuốc được thoải mái hơn, không chen lấn vào những ngày đông người. 

Trăn trở lớn của chú, đó là việc sao thuốc trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do thực hiện thủ công nên người sao thuốc thường bị lửa, khói áp vào, thuốc sao đôi khi không đều. Chú muốn việc này phải thực hiện bằng máy để người sao thuốc đỡ vất vả, quan trọng hơn là sẽ cho những thang thuốc có chất lượng hơn. Vừa rồi, chú sang thăm một phòng khám ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh thì có trang bị loại lò sao thuốc này, vì thế, chú cũng đang cùng với các tín đồ và vận động nhà hảo tâm đóng góp để trang bị máy sao thuốc cho phòng khám Hưng Nghĩa tự để có những thang thuốc thật tốt phục vụ cho người dân.

Chia tay chú Nới, chúng tôi chúc chú và những người đang hoạt động thiện nguyện tại Hưng Nghĩa tự luôn nhiều mạnh khỏe và thực hiện thật tốt phương châm “Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân” vì cuộc sống tốt đẹp và vì sự thịnh vượng sẽ về trên mảnh đất này trong một tương lai không xa.

Tô Nài Não

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: