• Thi đua - Khen thưởng

Tác phẩm đạt giải nhất Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Sóc Trăng năm 2018

"Hạnh phúc là được cống hiến cho quê hương"

18/06/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 18/06/2018 | 06:00

STO - Những năm qua, Trường Tiểu học An Thạnh 2A (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung) luôn là một trong những trường có chất lượng giáo dục toàn diện của ngành giáo dục huyện Cù Lao Dung nói riêng, của ngành giáo dục Sóc Trăng nói chung. Liên tục nhiều năm liền, nhà trường vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của tỉnh… Có được vinh dự đó là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường, những người đang hàng ngày miệt mài chèo lái con thuyền tri thức, gieo chữ, ươm mầm cho các thế hệ học sinh của nhà trường, trong đó phải kể đến đóng góp không nhỏ của thầy giáo Nguyễn Quốc Khởi (sinh năm 1976), Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường - người đã có gần 25 năm giảng dạy và làm công tác quản lý tại trường.

Trò chuyện với tôi, thầy giáo Nguyễn Quốc Khởi bồi hồi nhớ về “tuổi thơ dữ dội” của mình. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo đông con ở xã An Thạnh 2 (lúc đó, An Thạnh 2 là 1 trong 4 xã của Cù Lao Dung thuộc huyện Long Phú, năm 2002 mới thành lập huyện Cù Lao Dung), thầy Nguyễn Quốc Khởi sớm nuôi ước mơ trở thành nhà giáo để trở về phục vụ quê hương. Để nuôi “ước mơ xanh”, hàng ngày, ngoài giờ học, thầy đi bán vé số dạo, bán các loại bánh. Tuy vất vả nhưng thầy vẫn luôn học giỏi, được thầy cô, bạn bè nể phục, yêu quý.

Năm 1992, sau khi học xong lớp 9, hoàn cảnh gia đình càng khó khăn, thầy giã từ gia đình, giã từ vùng đất cù lao ra TX. Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng) nương nhờ cửa chùa Phật Học để theo học. Đến TX. Sóc Trăng, thầy thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Hoàng Diệu. Những năm đó, một học sinh ở xứ cù lao như thầy thi đỗ vào Trường Hoàng Diệu là một kỳ tích khiến nhiều người nể phục.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Khởi - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thạnh 2A​.

Vào học hết học kỳ 1, nhiều đêm nằm mà không ngủ, gác tay lên trán, trong lòng luôn nghĩ đến cảnh cha mẹ, các chị và các em phải vất vả kiếm sống ở quê nhà, nước mắt cứ trào ra. Thế rồi, thầy quyết định tạm gác ước mơ cho riêng mình, giã từ cửa chùa, giã từ mái trường Hoàng Diệu để trở về cù lao với gia đình.

Vào thời điểm đó, do điều kiện khó khăn nên nhiều giáo viên bỏ nghề khiến cho đội ngũ giáo viên ở vùng đất cù lao vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn. Trước thực trạng đó, ngành giáo dục địa phương chiêu sinh những người đã học xong lớp 9 đi học lớp bồi dưỡng cấp tốc về nghiệp vụ sư phạm và về dạy học. Thế là thầy Nguyễn Quốc Khởi nộp đơn đầu quân, trở thành thầy giáo dạy tiểu học tại Trường Tiểu học An Thạnh 2A. Đó là năm 1993.

Trở thành thầy giáo, “ước mơ xanh” ngày nào “ôm ấp trong tim” đã thành hiện thực. Vốn là người có khát vọng học tập, khám phá nên thầy vừa dạy vừa đăng ký học hệ trung cấp tại Trường Trung học sư phạm Sóc Trăng và tốt nghiệp năm 1997. Sau đó thầy vừa dạy vừa học, rồi tốt nghiệp lớp 12 (năm 1998) và tốt nghiệp đại học sư phạm (năm 2009).

Nói về những năm tháng gắn bó với nghề, thầy Nguyễn Quốc Khởi cho biết: “Năm 1993 vào ngành, tôi được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học An Thạnh 2A. Năm 1998 - 1999, được đề bạt giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ nhà trường. Tháng 1-2002, thành lập huyện Cù Lao Dung thì một phần xã An Thạnh 2 thuộc thị trấn Cù Lao Dung và Trường Tiểu học An Thạnh 2A được đổi thành Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung cho đến tháng 8-2007 thì được điều động về Trường Tiểu học An Thạnh 2A (xã An Thạnh 2) giữ chức vụ hiệu trưởng cho đến nay. Với tôi, được dạy học là niềm vui, được cống hiến cho quê hương là niềm hạnh phúc lớn không gì có thể so sánh được”.

Nói về những năm tháng gắn bó với nghề dạy học, thầy Khởi vui hẳn lên. Theo thầy, những năm mới vào nghề, Cù Lao Dung rất khó khăn bởi cả 4 xã nằm chơ vơ giữa bốn bề sông nước, đường sá chủ yếu là đường đất nên đi lại rất vất vả, đời sống nhà giáo vô cùng khó khăn. Nhiều đồng nghiệp của thầy đã phải bỏ nghề ra ngoài kiếm sống. Lúc đó, thầy cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng rồi cái duyên, cái nợ với nghề đã níu thầy lại cho đến tận bây giờ. Để nuôi nghề “tay phải”, thầy Khởi phải làm nhiều nghề “tay trái” như may quần áo, chạy xe ôm…

Thầy kể: “Lương của tôi được 143.000 đồng/tháng, trong khi đó, may một bộ quần áo tôi được trả tiền công 60.000 đồng, một tháng tôi may ít nhất 60 bộ, cao hơn nhiều lần lương của nghề giáo. Ngoài ra, tôi còn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Lúc đi học sư phạm ở Sóc Trăng, tôi cũng tranh thủ ngoài giờ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập phục vụ cho chi phí trong thời gian học, có thêm ít tiền phụ gia đình. Khi về trường mới An Thạnh 2A của xã An Thạnh 2, tôi và nhiều đồng nghiệp rất bỡ ngỡ bởi cơ ngơi trường lúc đó không có gì ngoài mấy phòng học tre lá tạm bợ, bàn ghế thầy trò chủ yếu là ván được xẻ ra từ những cây dừa, cây bạch đàn ghép lại một cách thủ công, thiết bị dạy học gần như không có gì. Nhưng chỉ sau một thời gian, với nỗ lực của hội đồng sư phạm, trường đã thay đổi rất nhiều và trở thành đơn vị dẫn đầu của ngành giáo dục huyện nhà”.

Với thời gian gần 25 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Nguyễn Quốc Khởi đã đem hết khả năng, tâm huyết của mình cho sự phát triển của nhà trường, xứng đáng với niềm tin của cán bộ và nhân dân địa phương.

Với vai trò là người giảng dạy, thầy luôn nhiệt tình, tìm tòi những phương pháp dạy sinh động, linh hoạt trong từng bài giảng, tập trung khơi gợi sự sáng tạo - tìm tòi - tự học của các em học sinh. Đối với những em học sinh giỏi, thầy giúp các em phát huy tố chất học tập, khiến các em say mê, tự tìm tòi được cái hay trong môn học; đối với các em học sinh có học lực yếu, thầy tìm nhiều hình thức để giúp các em lấy lại căn bản như phân công bạn giỏi kèm bạn yếu, tổ chức hình thức đôi bạn cùng tiến và các hình thức khi thầy đưa ra đều có đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm... Từ đó kết quả học tập của học sinh lớp thầy phụ trách luôn được nâng cao.

Với vai trò của người cán bộ quản lý, thầy luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, nhất trí là nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cả về phẩm chất đạo đức cũng như trình độ chuyên môn. Thực hiện chủ chương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thầy cùng với Ban giám hiệu nhà trường tập trung chỉ đạo cán bộ, giáo viên đẩy mạnh việc vận dụng dạy học, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh. Cùng với đó, thầy còn luôn quan tâm trao đổi và bồi dưỡng cho những giáo viên trẻ mới vào nghề, quan tâm đến hoàn cảnh của từng giáo viên trong trường, chia sẻ và động viên những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, đã phát huy tài năng của từng cán bộ, giáo viên và xây dựng được một tập thể đoàn kết, thân ái, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, cùng chung sức đưa chất lượng học tập và các phong trào của trường đi lên vững mạnh.

Bên cạnh hoạt động giáo dục trí dục, thầy Nguyễn Quốc Khởi cũng rất chú trọng đến hoạt động giáo dục ngoại khóa và các hoạt động phát triển đức - trí - thể - mỹ trong nhà trường, góp phần giáo dục học sinh toàn diện về mọi mặt.

Với sự quan tâm của thầy Nguyễn Quốc Khởi cùng với sự nỗ lực, tận tâm của tập thể sư phạm nhà trường, chất lượng giáo dục toàn diện của Trường Tiểu học An Thạnh 2A nhiều năm qua luôn có sự bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, được ngành giáo dục huyện Cù Lao Dung đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn huyện. Thành tích học tập của học sinh luôn đạt trên 80% khá giỏi, không có học sinh yếu kém, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đạt 100%, chất lượng giáo dục mũi nhọn học sinh giỏi đứng tốp đầu của huyện. Năm 2012, trường được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Ngày 5-9-2017, được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Về cá nhân, với những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục, thầy Nguyễn Quốc Khởi liên tục nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng, của Thủ tướng Chính phủ.

Thầy Lâm Văn Nam - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cù Lao Dung nhận xét: “Thầy Nguyễn Quốc Khởi là một giáo viên trẻ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Thầy là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của ngành giáo dục chúng tôi. Với cương vị một cán bộ quản lý, thầy là người năng nổ, có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ giáo viên đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao. Trường Tiểu học An Thạnh 2A vốn là trường vùng xa, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chất lượng dạy học chưa cao. Từ khi thầy Khởi được bổ nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng thì trường thay đổi về nhiều mặt, đạt nhiều thành tích cao, trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục huyện và tỉnh”.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng Nguyễn Thị Tuyết Hà cho biết thêm: “Thầy Nguyễn Quốc Khởi là một cán bộ quản lý tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Với những thành tích đó, thầy Nguyễn Quốc Khởi được chọn là cán bộ quản lý duy nhất của tỉnh dự lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm học 2016 - 2017 tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 18-10-2017 vừa qua”.

Cao Xuân Lương

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: