• Thi đua - Khen thưởng

Tác phẩm đạt giải nhì Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Sóc Trăng năm 2018

Người đắm mình trong văn hóa dân tộc

27/06/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 27/06/2018 | 06:00

STO - Nhiệt tình, năng động, say mê, sáng tạo, đó là những từ tôi dành để nói về thầy Trần Minh Thương, người gắn cả tuổi thanh xuân của minh với công việc tìm về cội nguồn của vốn văn hóa dân gian Nam bộ, đặc biệt là văn hóa dân gian miền Tây. Thầy là đồng nghiệp của tôi, học sau tôi 3 khóa, nhưng với thầy, tôi vẫn có một sự ngưỡng mộ riêng. Thầy và tôi có cùng sở thích về văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc!

Tôi đến Trường THPT Ngã Năm (TX. Ngã Năm) vào một ngày nắng đẹp. Phải hỏi thăm đường nhiều lần, nhiều người lắm mới tới nơi. Nhưng khi hỏi đến tên thầy Trần Minh Thương, giáo viên dạy môn ngữ văn của trường thì hầu như mọi người đều biết. Nhiều người biết thầy Thương không phải chỉ vì thầy là giáo viên dạy lâu năm ở vùng đất chợ nổi này mà còn biết thầy là người say mê nghiên cứu và có nhiều hiểu biết về vốn văn hóa dân gian ở miền Tây Nam Bộ.

Thầy Trần Minh Thương sinh năm 1971 trong một gia đình nông dân ở thị trấn Ngã Năm (nay là TX. Ngã Năm), tỉnh Sóc Trăng, nơi có chợ nổi Ngã Năm rất nổi tiếng, là giao điểm của năm con sông đi qua năm ngả: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Đó là vùng đất mà người dân thường bảo: “Một con gà gáy ba tỉnh (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang) đều nghe!”.

Sinh ra ở một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và cũng là nơi giàu truyền thống văn hóa, ngay từ nhỏ Trần Minh Thương đã được nghe những câu chuyện dân gian, những câu hò, điệu lí mang đậm chất văn hóa dân gian vùng đất sông nước. Chính vì thế nên lòng yêu thích, nỗi đam mê vốn văn hóa dân gian dường như đã thấm vào máu thịt, tâm trí thầy tự bao giờ. Nguồn văn hóa ấy đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc đời thầy.

Thầy Trần Minh Thương.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, để thỏa niềm đam mê với văn hóa quê hương, Trần Minh Thương đăng ký thi vào ngành sư phạm văn của trường Đại học Cần Thơ. Sau 4 năm miệt mài kinh sử ở đất Tây Đô, năm 1993, tân cử nhân sư phạm ngữ văn Trần Minh Thương hăm hở khăn gói trở về quê hương, về dạy tại Trường THPT Mai Thanh Thế thân yêu của mình để thực hiện “ước mơ xanh”, góp phần vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh của vùng đất Ngã Năm. Đồng thời, thực hiện ước nguyện nghiên cứu vốn văn hóa dân gian vùng đất Ngã Năm, vùng đất Sóc Trăng nói riêng, vùng đất đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cả về văn hóa của người Kinh, người Hoa và người Khmer.

Trong giảng dạy, thầy Trần Minh Thương rất nhiệt tình với bao thế hệ học sinh. Nhiều học sinh dù đã rời xa mái trường Mai Thanh Thế nhưng vẫn nhớ về thầy với giọng giảng bài lúc nào cũng rổn rảng... Đồng nghiệp thì bảo: “Chưa thấy người đã nghe tiếng”. Còn tôi thì luôn nhớ nụ cười làm nhăn nhúm cả khuôn mặt một cách hồn nhiên. Mỗi tác phẩm văn học trong chương trình, trước khi đến với học sinh, bao giờ thầy Thương cũng đầu tư nghiên cứu rất kỹ để tìm ra nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, đạt hiệu quả cao. Hàng năm, lớp thầy dạy tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT luôn cao hơn tỉ lệ chung của toàn tỉnh từ 5 - 15%. Hiện thầy đã đào tạo được 3 học sinh đạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh và một học sinh đạt giải khuyến khích cấp quốc gia. Một thành tích không phải ai cũng có được.

Mỗi khi có dịp gặp nhau, trong những ngày học chuyên môn, chấm thi học sinh giỏi, thầy tâm sự với tôi: “Tôi chọn ngành văn hóa dân gian là muốn giữ lại những gì mà người đi trước đã làm và truyền lại bao đời nay. Nhưng rồi, không gian văn hóa thay đổi, kinh tế thị trường đã có những tác động, những ảnh hưởng nhất định, làm cho những kiến thức bình thường nhất của cha ông mình cũng “bay” mất gần hết rồi chị ạ. Tôi muốn cố định nó lại bằng những công trình, bằng những trang viết của mình để con cháu sau này còn biết được, chẳng hạn con cúi, đèn dầu, chái bếp, cái lọp, cái nò…”.

Tôi cũng yêu văn hóa dân gian nhưng chưa bao giờ dám có ý nghĩ như thầy. Thầy đã làm tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi nghe tôi hỏi đến dự kiến trong tương lai, đôi mắt thầy sáng lên, nụ cười phấn khởi: “Tôi sẽ tu chỉnh lại những gì mình đã viết, đã có trong hơn bảy năm qua (với khoảng 2.000 trang và 2.000 ảnh tư liệu) để tái bản lại, vừa có thêm chút nhuận bút cà phê (thầy cười) vừa là niềm vui để bước tiếp cho trọn cái nghề mình đã chọn”. Tôi hiểu lắm, nghề giáo có nhiều điều chưa vui, chưa toại nguyện nhưng thầy không nản lòng, thầy đã tự chọn một công việc gắn với chuyên môn, năng khiếu của mình để vun đắp cho ước mơ từ thuở bé.

Trong những năm công tác tại Trường THPT Mai Thanh Thế, và sau này là Trường THPT Ngã Năm, thầy Trần Minh Thương đã dành tâm huyết của mình để nghiên cứu vốn văn hóa dân gian địa phương. Kết quả, sau nhiều năm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, thầy đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu đạt kết quả cao, được đông đảo người đọc yêu thích. Cụ thể, thầy đã có các công trình đã được xuất bản như sau: Câu đố thai ở Mỹ Xuyên - Sóc Trăng, dưới góc nhìn thi pháp thể loại, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2014; Ca dao Tây Nam Bộ - dưới góc nhìn thi pháp thể loại, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2015; Văn hóa dân gian phi vật thể huyện Ngã Năm - Sóc Trăng, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2015; Diện mạo Văn học Dân gian Khmer Sóc Trăng, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2015; Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2015; Văn hóa dân gian phi vật thể của người Khmer Sóc Trăng, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2016; Trò chơi dân gian Sóc Trăng, Nhà xuất bản Dân tộc, 2016; Đặc điểm bánh dân gian Nam Bộ, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2016;  Động vật hoang dã dưới góc nhìn văn hóa dân gian của người miền Tây Nam Bộ, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2016; Nghi lễ gia đình ba dân tộc Việt - Hoa - Khmer ở Sóc Trăng, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2016.

Ngoài ra thầy còn có hơn một chục bài viết in chung trong các sách và nhiều bài viết đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương. Trong số đó có nhiều bài có giá trị được các nhà khoa học đánh giá cao như: Điển tích qua các tác phẩm ngâm khúc hình thức song thất lục bát trong văn học Việt Nam trung đại, Tạp chí Ngôn ngữ, số 5 (240), 2009; Khảo sát hiện tượng dẫn dịch kinh thi, Đường thi trong hai tác phẩm Cung oán ngâm khúc và Chinh phụ ngâm, Tạp chí Ngôn ngữ số 9 (292), 2013; Địa danh gốc Khmer qua ca dao người Việt ở Miền Tây Nam Bộ nhìn từ phương diện ngôn ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3 (310), 2015; Chất dân gian trong ngôn từ của tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 4 (162) 2009; Vài cảm nhận về môtíp “Đôi ta…” trong ca dao Tây Nam Bộ, Ngôn ngữ và Đời sống, số 1, 2 (183, 184) 2011; Cách nói của người miền Tây Nam Bộ qua ca dao, Ngôn ngữ và Đời sống số 5 (187) 2011; Chùa Khmer ở Sóc Trăng dưới góc nhìn văn hóa dân gian, Tạp chí Văn hóa Dân gian số 6, 2014; Văn hóa chợ nổi miền sông nước Tây Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 1, 2016.

Trong số các công trình trên, thầy Trần Minh Thương cho biết: “Tôi tâm đắc nhất là công trình Văn hóa phi vật thể người Khmer Sóc Trăng bởi người Khmer là một cộng đồng có đông người sinh sống ở Sóc Trăng cũng như vùng đất Tây Nam Bộ. Văn hóa của người Khmer có nét rất đặc trưng khiến tôi và không ít người ngẩn ngơ khi tiếp xúc. Vì vậy, tôi đã quyết định đầu tư nghiên cứu về văn hóa phi vật thể của người Khmer với mong muốn góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương”.

Các công trình nghiên cứu của thầy Trần Minh Thương có nhiều công trình đạt giải cao, được xuất bản như: Đặc điểm văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ, Giải Ba, năm 2016 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Vật dụng lao động và vật dụng sinh hoạt trong đời sống người bình dân Sóc Trăng, Giải Ba, năm 2016 của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam...

Nói về công việc nghiên cứu vốn văn hóa dân gian của mình, thầy Trần Minh Thương cho biết: “Sóc Trăng là nơi có ba dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. Đến với văn hóa dân gian Sóc Trăng, tôi cảm thấy như mình được sống với quá khứ thời mở cõi của tiền nhân và kí ức tuổi thơ của đời mình. Khi môi trường sống thay đổi quá nhanh kéo theo sự thay đổi về thị hiếu, thẩm mỹ, cộng với ý thức hiện đại hóa của con người làm cho bản sắc văn hóa bị giao thoa, bị mai một nên tôi cũng như nhiều người cũng có một thoáng bâng khuâng pha nỗi lo lắng bởi những giá trị văn hóa truyền thống đó đang có nguy cơ bị mai một. Nếu không kịp sưu tầm, biên khảo, giới thiệu có lẽ một tương lai rất gần những câu hò, điệu lý, những trò chơi dân gian, nghi lễ… những biểu hiện của văn hóa thời tự túc tự cấp sẽ mất đi. Đó là, một thiệt thòi không nhỏ cho hậu thế. Vì thế, tôi dành nhiều thời gian cũng như công sức cho nghiên cứu vốn văn hóa dân gian ở địa phương. Trong khả năng cho phép, kết hợp với niềm yêu thích và say mê của mình, tôi chỉ mong góp một phần rất nhỏ để ghi lại, góp phần gìn giữ di sản của cha ông”.

Mới đây, tác phẩm “Hương sắc miền Tây” của thầy Trần Minh Thương đã xuất bản, có mặt tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại công viên Lê Văn Tám, ngày 20-3-2018. Ngay trong ngày đầu ra mắt, quyển sách “Hương sắc miền Tây đã gây ấn tượng với nhiều độc giả. Đặc biệt, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước rất ấn tượng, dừng lại, đọc rất lâu và tỏ lời khen ngợi. Thầy Trần Minh Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Năm nhận xét: “Thầy Trần Minh Thương là một giáo viên rất nhiệt tình trong giảng dạy và trong các công tác khác của nhà trường. Không chỉ đầu tư giảng dạy có hiệu quả cao, thầy Thương còn dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu văn hóa dân gian ở địa phương và có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao. Chúng tôi rất vui và tự hào khi đồng nghiệp của mình đạt được những kết quả như vậy”.

Sau bao năm miệt mài nghiên cứu vốn văn hóa dân gian cho cộng đồng, đặc biệt là người dân tỉnh Sóc Trăng, với nhiều thành tích trong giảng dạy và công tác, thầy Trần Minh Thương đã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng 6 bằng khen; hai lần được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng huy chương “Vì thế hệ trẻ” vào năm 1999 và 2003. Mới đây nhất, năm học 2016 - 2017, thầy Trần Minh Thương được ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng bình chọn là một trong 5 cán bộ quản lý - giáo viên tiêu biểu xuất sắc nhất và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. 

Đến với văn hóa dân gian là đến với niềm vui, hạnh phúc. Tôi nghĩ thầy Trần Minh Thương đã thật sự vui với nghiệp của mình. Và chúng tôi, những người đồng nghiệp, rất ngưỡng mộ, kính nể với những gì thầy đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nói chung, sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà nói riêng…

Nguyễn Bạch Nhạn

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: