• Đoàn thể

Cải thiện thu nhập từ mô hình cụ thể

14/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 14/11/2018 | 06:00

STO - Để phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) đã kết nối, vận động hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; đồng thời khảo sát thực trạng đời sống, việc làm và nắm bắt nhu cầu của chị em để có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Qua đó đã có nhiều gương phụ nữ địa phương làm kinh tế có hiệu quả, ổn định đời sống.

Trong những năm gần đây, đời sống phụ nữ trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc, lãnh đạo Hội LHPN xã Lâm Kiết đưa chúng tôi đến gặp các hội viên đã chuyển đổi mô hình làm ăn hiệu quả đem về nguồn thu nhập hàng ngày tại hộ. Tìm đến tận rẫy cô Sơn Thị Sạy, ấp Trà Do, chúng tôi phải men theo lối mòn trên đoạn đường uốn lượn của bờ mẫu ruộng lúa, trước mắt là cánh đồng cà phổi của cô Sạy nổi bật ở khoảng giữa bởi tán cà lớn và cao. Đang thu hoạch cà, nghe tiếng gọi quen thuộc, nở nụ cười tươi chào khách, cô Sạy nói ngay: “Các cô thông cảm, tôi phải tranh thủ hái cà cho kịp buổi chợ sáng ngày mai, giờ hái là vừa chứ đợi buổi chiều cà hơi già, ăn kém ngon”.

Quan sát ruộng cà của cô Sạy, thật sự làm chúng tôi ngỡ ngàng, bởi toàn bộ khu vực trồng cà không có một cọng cỏ, thậm chí chẳng có một chiếc lá cà vàng rơi rụng dưới gốc. Thấy khách có vẻ ngạc nhiên với cách chăm sóc vườn cà, cô Sạy tâm tình: “Cà phổi rất dễ bị các loại côn trùng tấn công bởi trái cà to mềm, đặc biệt sâu đục thân rất thích đục trái, sâu thường cư trú trong cỏ. Do đó, để không có nơi cho sâu cư trú, cách tốt nhất là dọn sạch cỏ hết vườn cà, còn lá cà nhiều quá sẽ làm cây hạn chế hấp thu các chất dinh dưỡng nên cắt tỉa lá gọn gàng”.

Sơn Thị Sạy, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) bên vườn cà phổi cho thu nhập cao.

“Diện tích canh tác cà phổi là 2 công. Trước đây, đất làm lúa 3 vụ/năm nhưng thu nhập cây lúa không đáng kể. Khi nghe hội phụ nữ tuyên truyền một số mô hình trồng màu cho thu nhập cao, tôi quyết định chuyển sang canh tác màu, tính đến nay đã hơn 5 năm. Ngoài cây cà phổi, tôi còn trồng luân phiên một số loại màu khác như bí đao, bí rợ, bắp cải, củ cải… So với các cây màu khác, cà phổi trồng dễ và thời gian thu hoạch trái lâu, 2 tháng xuống giống đã thu hái trái, cứ cách 2 ngày tôi thu hoạch. Cái lợi của trồng cà là trồng một lần có thể hái trái 6 tháng, nếu chăm sóc kỹ thu hoạch trái trong 1 năm, nhưng thường tôi chỉ hái trái khoảng 3, 4 tháng, chuyển đổi trồng loại màu khác. Như vậy tính hết vụ cà với 2 công thu lời hơn 40 triệu đồng” - cô Sạy cho biết thêm.

Nếu như cô Sạy phát triển kinh tế hộ bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì chị Trần Thị Giá Em, ấp Kiết Lợi dựa vào nghề “gia truyền” của gia đình để cải thiện nguồn thu nhập. Chị Giá Em tâm tình: “Từ nhỏ tôi đã học được nghề làm bánh của mẹ, nghề có phần vất vả nhưng bù lại vui hơn khi mình làm bánh phục vụ khách hàng ăn thấy thích và khen ngon. Đấy là sự khích lệ để tôi tiếp tục công việc. Ở quê kiếm đồng tiền rất khó nên trước khi làm ra món bánh phải nghĩ đến yếu tố “no bụng, ngon miệng, rẻ tiền” mới bán được. Thường tôi chọn nấu xôi, nấu chè đậu trắng, làm bánh bò xốp, bánh da lợn. Để làm bánh kịp bán vào lúc 6 giờ sáng, tầm 2 giờ sáng tôi đã dậy chuẩn bị nguyên liệu nào làm bột, xôi, ngâm đậu… Đúng 5 giờ 30 phút sáng đã hoàn tất tất cả. Tôi tự đi khắp xóm bán, tầm 8 giờ hàng đã bán xong, trừ hết chi phí, lợi nhuận 100.000 đồng, số tiền trên đủ trang trải gia đình 6 miệng ăn. Hiện tại, tôi mong muốn vay một số tiền mua thêm nguyên liệu, cũng như dụng cụ làm bánh, mua thêm heo cho nó ăn cặn bột”.

Chị Trần Thị Giá Em, ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) bên thau nếp ngâm chuẩn bị cho công đoạn làm xôi bán.

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Kiết Quản Ngọc Trúc Tiên cho biết: “Trong nhiều năm qua, Hội đã tích cực vận động chị em hội viên tham gia vào các nhóm, tổ tiết kiệm hùn vốn xoay vòng để đóng góp tiền quỹ giúp đỡ chị em trong tổ có đồng vốn phát triển kinh tế. Có hội viên nhận vốn về đầu tư chăn nuôi heo, nuôi gà, vịt hay mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp cho lúa, cây màu, cũng có chị dùng tiền triển khai mô hình buôn bán nhỏ, trong đó có nhiều hội viên dùng tiền để chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách chuyển ruộng lúa lên liếp trồng màu như cô Sạy đã đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Riêng chị Giá Em hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào việc làm bánh bán. Để giúp chị tăng thu nhập trong thời gian tới, hội sẽ chuyển nguồn vốn xoay vòng để chị phát triển chăn nuôi theo nguyện vọng”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: