• Huyện Kế Sách

Cán bộ, hội viên cựu chiến binh Kế Sách với phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

07/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 07/11/2018 | 06:00

STO - Thực hiện phong trào thi đua cựu chiến binh (CCB) sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên CCB các cấp trên địa bàn huyện Kế Sách tích cực hưởng ứng tham gia và thực hiện nhiều mô hình phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế về cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Thiều Hoàng Mới - Chủ tịch Hội CCB huyện Kế Sách cho biết: "Phong trào thi đua CCB sản xuất, kinh doanh giỏi luôn được các cấp hội trên địa bàn quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ trong các cấp hội và hội viên. Tính đến nay, phong trào đã thu hút 1.820 hội viên trong toàn huyện đăng ký tham gia, bước đầu có 354 hội viên được trên công nhận là CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, cấp xã 173 hội viên; cấp huyện 104 hội viên; cấp tỉnh 63 hội viên và cấp Trung ương 14 hội viên. Hội CCB huyện Kế Sách, là một trong những cấp hội CCB cấp huyện có số lượng cán bộ, hội viên được công nhận CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cao nhất trong tỉnh.

Để phong trào ngày càng nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối với các cấp hội và hội viên CCB trên địa bàn, Hội CCB huyện đã chủ động kết hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ về kỹ thuật, các loại cây, con giống có chất lượng cao và nguồn vốn vay ưu đãi được giải ngân kịp thời để cán bộ, hội viên có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư xây dựng và phát triển nhiều mô hình, với nhiều loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích nghi với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và gia đình, theo phương châm "Chất lượng, hiệu quả, năng suất, thu nhập năm sau cao hơn năm trước" để cán bộ, hội viên lấy đây làm tiêu chí thi đua và có cách nghĩ, cách làm sáng tạo trong việc chọn lựa những cây, con giống có chất lượng cao để phát triển theo chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

Mô hình trồng vú sữa tím của anh Thái Văn Sinh (bên phải) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TS

Tiêu biểu là mô hình trồng vú sữa tím của anh Thái Văn Sinh - Chi hội trưởng Chi hội CCB Ấp 12, xã Trinh Phú. Anh Sinh là người đi đầu trong việc cải tạo 15 công vườn tạp sang trồng vú sữa tím. Anh Sinh chia sẻ: "Sau nhiều năm làm vườn, giúp tôi đúc kết nhiều kinh nghiệm từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt diễn biến thị trường, thời vụ, lựa chọn cây trồng, từ đó tôi quyết định chọn cây vú sữa tím làm cây trồng chủ lực của gia đình. Lúc đầu, tôi trồng thử nghiệm vài công, thấy vú sữa tím thích nghi với điều kiện đất canh tác của gia đình, từ năm 2014 đến nay, tôi chuyển sang trồng 15 công vú sữa tím. Sau gần 4 năm, vú sữa phát triển tốt, kháng được sâu rầy, năng suất cao, cho trái sớm hơn vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, giá thành ổn định khi thương lái từ tỉnh Tiền Giang đến thu mua tại vườn ngay thời điểm hiện nay gần 30.000 đồng/kg. Vụ vú sữa tím năm nay, trừ chí phí sản xuất, tôi thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng".

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Sinh còn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho 31/31 hội viên Chi hội CCB Ấp 12 trồng vú sữa tím theo mô hình của anh. Chú Phạm Văn Hai, hội viên Chi hội CCB Ấp 12 cho biết: "Từ năm 2014 chuyển sang trồng vú sữa tím, mỗi năm thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng, trả xong nợ tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng vú sữa tím, vươn lên thoát nghèo bền vững trong tương lai".

Anh Lê Văn Vinh, CCB ấp Kinh Giữa, xã Kế Thành bộc bạch: "Thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, sau một trận giao chiến ác liệt, tôi bị mất đi bàn chân phải. Nhưng với ý chí, bản lĩnh "Người lính Bộ đội Cụ Hồ, tàn nhưng không phế", sau khi xuất ngũ trở về quê nhà lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng phải làm thuê để kiếm tiền sinh sống qua ngày. Đến năm 2000, Hội CCB xã giới thiệu vay vốn ngân hàng chính sách xã hội được 20 triệu đồng, tôi mua được 2 con bò cái, xây cất chuồng trại, hàng ngày đi cắt cỏ làm thức ăn cho bò. Sau 18 năm, đàn bò phát triển 30 con, năm 2016 bán 20 con để lấy vốn cất căn nhà tường, trị giá gần 300 triệu đồng. 10 con bò còn lại tiếp tục sinh sản, nâng tổng đàn 20 con. Hiện đời sống sinh hoạt gia đình rất ổn định và rút khỏi danh sách hội viên CCB nghèo"…

Đồng chí Thiều Hoàng Mới cho biết thêm: "Đến nay, cán bộ, hội viên CCB trong huyện đã thực hiện gần 100 mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhiều hộ có thu nhập bình quân hàng năm từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Cá biệt, có hội viên CCB ở xã Kế Thành trồng bưởi da xanh thu lợi nhuận hàng năm lên bạc tỉ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong Hội CCB huyện trước năm 2010 chiếm đến 18,4%, nay giảm xuống còn 7,5%; hộ khá giàu tăng nhanh so với trước. Hiện các mô hình của CCB được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện chọn và nhân rộng trong nhân dân, nhất là đối với các địa phương thuộc xã nông thôn mới. Trong thời gian tới, Hội CCB huyện tiếp tục kết hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện, giúp cán bộ, hội viên nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, cây con giống, kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình bền vững và trở thành CCB sản xuất, kinh doanh giỏi trong tương lai".

Thanh Sơn

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: