• Đoàn thể

Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

13/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 13/11/2020 | 06:00

STO - Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những năm qua, cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Mỹ Xuyên triển khai lồng ghép phong trào thi đua “Dân vận khéo” với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”... tạo sức lan tỏa rộng khắp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phát huy mô hình “Dân vận khéo”

Ông Nguyễn Thanh Bình là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Thuận Hòa, xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên) nhận thấy đời sống của hội viên còn nhiều khó khăn, bản thân mong muốn giúp đỡ hội viên trong chi hội thoát nghèo. Xã Gia Hòa 2 là xã vùng sâu, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông. Ngoài con tôm, cây lúa thì mô hình trồng màu trên bờ bao có thể nói là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, nhất là những hộ có ít đất sản xuất, ít lao động… Ông Bình đã có nhiều năm gắn bó với cây màu bờ bao trên ao tôm với diện tích 0,25ha, chủ yếu trồng các loại như: cải xanh, ớt sừng, cà, bí, đậu bắp, hành… Năm 2012, ông mạnh dạn trồng thí điểm 1.000m2 ớt sừng, cuối vụ thu được 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi được 65 triệu đồng. Từ kết quả trên, ông tiếp tục duy trì và nhân rộng trong hội viên cựu chiến binh của ấp. Từ năm 2016 đến năm 2017 đã có 24/27 hộ hội viên tham gia mô hình trồng màu xen canh này, 3 hộ còn lại do không có đất sản xuất. Ông Bình vừa tiên phong trong phong trào trồng màu vừa liên kết thu gom đầu ra sản phẩm của hội viên, nên đa số hội viên trong chi hội và bà con nhân dân hăng hái tham gia. Từ đó, phong trào được phát triển mạnh, mức thu lợi nhuận bình quân từ mô hình trồng màu trên bờ bao khoảng 70 triệu đồng/hộ/năm, nhờ vậy mà không còn hội viên nghèo.

Tuyến lộ đal dài 750m với tổng trị giá 270 triệu đồng do ông Trần Văn Bát - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) vận động người dân hiến đất, đóng  góp ngày công và kinh phí xây dựng. Ảnh: CHÍ  BẢO 

Còn ông Trần Văn Bát - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) là điển hình về “Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới”. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông đã vận động 8 hộ dân hiến 2.000m2 đất làm tuyến lộ đal dài 750m, với tổng trị giá 270 triệu đồng và hơn 210 ngày công do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, ông còn vận động được hơn 3.000 viên gạch, 400 bao ximăng, 30 ngày công lao động xây dựng chậu trồng hoa trên tuyến đường dài hơn 500m, tạo diện mạo xanh - sạch - đẹp trong xây dựng nông thôn mới của ấp.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Chi bộ ấp Bưng Chụm vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân phát quang, đắp taluy dọc các tuyến lộ giao thông nông thôn; xây dựng cầu bêtông; sửa chữa, nâng cấp và làm mới nhiều công trình lộ giao thông, thấy được lợi ích mang lại nên người dân đã tự giác ủng hộ. Kết quả đến nay đã làm 265 cột cờ, trị giá 59 triệu đồng; bằng nhiều giải pháp giúp hộ nghèo xây dựng mô hình chăn nuôi bò siêu thịt, bò sữa kết hợp trồng màu; mô hình chăn nuôi bò cái lai sind; xây dựng nhà ở; hỗ trợ lúa giống ST5 vùng tôm - lúa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách; tỷ lệ hộ nghèo trước đây là 23% thì nay giảm còn 0,1%.

Một trong những cách tổ chức thực hiện rất hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh nữa là “Dân vận khéo” trong việc xây dựng và thành lập các tổ tự quản, tổ hòa giải, các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được phát huy, góp phần giải quyết tốt những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa quân và dân.

Hay như “Dân vận khéo” vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, tham gia đóng góp xây dựng các công trình công cộng, các dự án phát triển kinh tế - xã hội (đóng góp ngày công lao động, hiến đất, cây ăn trái, hoa màu, giải phóng mặt bằng để các công trình, dự án triển khai kịp thời, đúng tiến độ, điển hình như công trình đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng…), các công trình chào mừng đại hội Đảng các cấp.

Tạo sức lan tỏa rộng lớn

Trong 5 năm qua, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã lan tỏa rộng khắp và trở thành động lực tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở về công tác dân vận được nâng lên. Vai trò tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện của hệ thống dân vận ngày càng tốt hơn. Phong trào được nhân dân hoan nghênh, hưởng ứng tích cực và có nhiều giải pháp sáng tạo trong triển khai thực hiện. Đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình được biểu dương, khen thưởng. Nhờ đó, các phong trào thi đua yêu nước được triển khai thực hiện sâu rộng, quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy; huy động ngày càng nhiều các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Hiện nay, toàn huyện có 60 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có 41 mô hình, điển hình tập thể và 19 mô hình, điển hình cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Đồng chí Nguyễn Thanh Thúy - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Huyện ủy Mỹ Xuyên khẳng định: “Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ đó huyện Mỹ Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: