• Đoàn thể

Ngành nông nghiệp chung tay thực hiện Chương trình 135

16/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 16/11/2019 | 06:00

STO - Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ngoài công tác định hướng các loại giống cây trồng, vật nuôi thì ngành nông nghiệp còn tích cực tham gia cùng các ngành liên quan thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 và các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Sự tham gia tích cực của ngành trong thời gian qua đã góp phần giúp hộ nghèo tại các địa phương chọn được giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo...

Để hỗ trợ hộ nghèo nắm bắt được các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thời gian qua, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng các phương pháp sản xuất tiến bộ vào canh tác. Ngoài ra, hộ dân còn được tiếp nhận từ dự án để chăn nuôi bò, dê, mỗi hộ nhận từ 1 - 2 con. Đây là một trong những mô hình giúp người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững.

Chị Thạch Thị Thanh Hoàng (Long Phú) phấn khởi khi tiếp nhận sự hỗ trợ của Chương trình 135 và được ngành nông nghiệp chuyển giao các kỹ thuật chăn nuôi bò. Ảnh: Thúy Liễu

Song song đó, một số cây, con giống khác cũng được các địa phương quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo nhằm nâng cao giá trị sản xuất, như: trồng vú sữa tím Vĩnh Kim, nuôi ếch, nuôi trăn… Các hộ dân tham gia thực hiện dự án đều được hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị, kỹ năng quản lý mô hình để bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả cao.

Phấn khởi khi đàn bò tăng số lượng hàng năm, chị Thạch Thị Thanh Hoàng, ở ấp Bưng Long, xã Long Phú (Long Phú) bộc bạch: “Gia đình tôi chỉ có 2 công đất sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ được hỗ trợ con bò sinh sản (năm 2016), giờ đàn bò đã tăng lên 4 con. Đàn bò phát triển tốt cũng nhờ được ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi bò, hướng dẫn cách trồng cỏ, ủ rơm cho bò ăn hay cách làm chuồng trại nuôi nhốt bò đảm bảo không ảnh hưởng môi trường sống xung quanh, bởi chất thải bò được tận dụng bán kiếm thêm thu nhập hay làm phân bón cho cỏ…”.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, tính riêng năm 2018, tỉnh có 29 xã và 122/158 ấp đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, kinh phí 20,917 tỉ đồng. Theo đó, kinh phí ngân sách phân bổ Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế 11,989 tỉ đồng, Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo 2,997 tỉ đồng phân bổ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả đã triển khai hỗ trợ cho 1.704 hộ (1.223 hộ nghèo, 470 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo) tham gia các dự án trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trong đó chiếm đa số là dự án chăn nuôi bò.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Để thực hiện thành công hơn nữa Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, giai đoạn 2019 - 2020, ngành nông nghiệp sẽ chung tay cùng các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo cũng như triển khai có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất giúp cho các hộ từng bước thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt những đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến thời điểm hiện tại, đa số các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các xã đã triển khai dự án đến hộ theo trình tự, thủ tục quy định…”.

Cũng theo thông tin từ đồng chí Lương Minh Quyết, bài học kinh nghiệm rút ra khi thực hiện dự án của ngành nông nghiệp là để triển khai các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thành công, đạt được mục tiêu giảm nghèo cần phải quan tâm đến nguyên tắc dân chủ, công khai và có sự tham gia của người dân, dự án chỉ thành công khi xuất phát từ nguyện vọng, có sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp cùng sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp có liên quan trong việc tổ chức, quản lý hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình 135.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: