• Đoàn thể

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Phản biện xã hội về thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy

26/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 26/10/2018 | 06:00

STO - Chiều ngày 25-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo báo cáo sơ kết 2 năm (2016 - 2018) tình hình thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020.

Dự hội nghị có các đồng chí: Dương Sà Kha - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thạch Thal - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Văn Mai - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy và các ngành, đoàn thể có liên quan.

Theo dự thảo kết quả thực hiện Nghị quyết số 03, toàn tỉnh giảm được 19.510 hộ nghèo (chiếm 6,04%), trong đó có 8.946 hộ Khmer; đào tạo nghề, giải quyết việc làm hơn 100.000 lao động. Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư thực hiện hơn 200 dự án, công trình về giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng và phát huy các nguồn lực trong công tác giảm nghèo. Đến cuối năm 2017, tỉnh Sóc Trăng còn 38.304 hộ nghèo (chiếm 11,85%), 29 xã, 158 ấp, khóm đặc biệt khó khăn, 14 xã bãi ngang, 11 xã đảo. Để tiếp tục thực hiệu quả Nghị quyết số 03, Tỉnh ủy đề ra 11 nhóm giải pháp để các cấp, các ngành đưa vào nhiệm vụ thường xuyên hàng năm để công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững đến năm 2020.

Đại biểu dự hội nghị phản biện xã hội. Ảnh: Phước Liêu

Đánh giá phản biện xã hội nội dung dự thảo, các đại biểu cho rằng tỷ lệ xã, ấp đặc biệt khó khăn còn cao, nhu cầu đầu tư nhiều nhưng nguồn vốn phân bổ ít nên cần phát huy thêm nhiều nguồn lực khác; đặc biệt là cần tăng cường tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu được chủ trương, chính sách và cùng chung tay thực hiện.

Đối với nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo hoặc đoàn viên, hội viên vay cần xem xét chặt chẽ đối tượng nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và thu hồi được vốn để chuyển sang hộ khác. Đối với các chương trình, dự án dành cho hộ nghèo, cần triển khai kịp thời hơn, đặc biệt quan tâm đến vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, đại biểu còn cho rằng việc hỗ trợ chính sách (nhất là bảo hiểm y tế) cho 100% gia đình sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn là không phù hợp thực tiễn, đặc biệt đối với hộ khá, giàu ở xã, ấp đặc biệt khó khăn; trong khi ở nơi khác, hộ nghèo lại không được hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng lúc bệnh tật...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Dương Sà Kha cho biết, việc tổ chức phản biện xã hội Nghị quyết số 03 được thực hiện trên tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể trong góp ý, đề xuất những giải pháp tối ưu giúp Tỉnh ủy đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Đồng thời, ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu và mong muốn các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có những việc làm cụ thể, nghiên cứu những phải pháp mới để cùng Đảng bộ tỉnh hoàn thành mục tiêu về công tác giảm nghèo bền vững ở giai đoạn tiếp theo.

Phước Liêu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: