• Đoàn thể

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn

01/05/2020 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 01/05/2020 | 06:01

STO - Ngày 1-5, kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế Lao động gắn với kỷ niệm 74 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh số 56 quy định người lao động được nghỉ làm việc và có hưởng lương trong Ngày Quốc tế Lao động. Đây là dịp để công nhân lao động trên cả nước ôn lại truyền thống, những cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh trên khắp mọi miền đất nước.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh, ở một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ… sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động, mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C. Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. 

Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9-1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” đã sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh, nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần dần lan rộng sang các nước khác như Mỹ và phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh mẽ từ năm 1827 đi đôi với sự phát triển phong trào công đoàn. 

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho đoàn viên, CNVCLĐ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Tết Sum vầy”. Ảnh: H.LAN

Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm việc 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp của chính phủ. Ngày 1-5-1886, hơn 40.000 công nhân tại TP. Chicago tiến hành bãi công đồng loạt với khẩu hiệu “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”, phong trào đấu tranh nhanh chóng lan sang các trung tâm công nghiệp khác như New York, Washington… với hàng chục vạn người tham gia. Và tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ăngghen lãnh đạo họp ngày 14-7-1889, đại biểu của giai cấp công nhân thông qua nghị quyết và lấy ngày 1-5 hàng năm là ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1-5-1930 mở đầu cao trào cách mạng 1930 - 1931 đến phong trào cách mạng 1936 - 1939, từ đó Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức công khai. Sau khi giành được độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22 quy định ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1-5). Và ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua 30 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế.

Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, lực lượng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của Sóc Trăng ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về số lượng và chất lượng, với 56.280 đoàn viên/58.259 CNVCLĐ, đây là lực lượng lao động quan trọng đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và đại diện cho lực lượng CNVCLĐ chính là tổ chức công đoàn, với vai trò của mình, thời gian qua các cấp công đoàn trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, vì lợi ích của đoàn viên công đoàn. Nhiều hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ đã được các cấp công đoàn tập trung tổ chức, nhất là vào các dịp lễ, tết, tháng công nhân lao động hàng năm.

Công nhân, lao động lựa chọn quần áo miễn phí từ gian hàng “Nghĩa tình đoàn viên”. Ảnh: H.LAN

Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020, 48.784 phần quà, trị giá 26 tỉ 546 triệu đồng (tăng 5.616 phần quà, trị giá 6 tỉ 23 triệu đồng so với năm 2019) được các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động trao tặng cho CNVCLĐ. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động trao tặng “Mái ấm Công đoàn”, chương trình “Phiên chợ nghĩa tình”, gian hàng “Nghĩa tình đoàn viên”… nhằm hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện xây dựng nhà ở, mua sắm các nhu yếu phẩm với giá ưu đãi và quần áo miễn phí. Ngoài ra, các cấp công đoàn phối hợp tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động; tổ chức đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với người lao động; ký kết thỏa ước lao động tập thể… đảm bảo các quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động, phối hợp với người sử dụng lao động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe, việc làm, thu nhập cho CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh.

Hiện các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn cơ sở ở các nơi có đủ điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; tiếp tục thực hiện, tuyên truyền trong CNVCLĐ về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ trong Tháng Công nhân năm 2020 với chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt” phù hợp trong điều kiện dịch bệnh; phối hợp giám sát về việc thực hiện pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn ca của người lao động… để họ yên tâm, tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần cùng lực lượng CNVCLĐ cả nước cống hiến sức lực, trí tuệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

H.Lan

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: