• Đoàn thể

Tìm về lịch sử, những năm tháng không thể nào quên - Kỳ 1

01/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 01/05/2019 | 06:00

Về vùng “đất thép” Củ Chi

STO - Mỗi lần những ca từ "Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay. Rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây..." trong bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà vang lên, niềm tự hào dân tộc trong lòng người Việt Nam lại càng dâng cao. Và những trận địa trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ để "đất nước trọn niềm vui", non sông liền một dãy vẫn còn khắp nơi trên bản đồ hình chữ S. Đó là nơi để thế hệ sau nhắc nhớ về những người anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và “Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” (trích trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi).

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2019) và 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2019), Đoàn Thanh niên - Hội Phụ nữ - Công đoàn Công an tỉnh đã tổ chức “Hành trình giáo dục truyền thống”, có 24 cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia. Đoàn hành trình về Địa đạo Củ Chi, Đền Bến Dược, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Chiến khu rừng Sác - Cần Giờ để tìm về lịch sử, về vùng đất gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân ta mà thời chiến mỗi khi nhắc đến tên đã khiến quân thù khiếp sợ. Và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, là ánh sáng soi đường cho bao thế hệ người dân Việt Nam.

Thuyết minh viên hướng dẫn cách vào cửa Địa đạo Củ Chi, chỉ một người qua lọt.

Ngày đầu khởi hành hành trình, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Địa đạo Củ Chi, được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép”, nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Tận mắt chứng kiến công trình dưới lòng đất được sử dụng không chỉ trú ẩn mà còn là nơi cơ động chiến đấu, cứu thương, hội họp, chứa vũ khí… các thành viên trong đoàn vô cùng thán phục sự sáng tạo, mưu trí, kiên cường, dũng cảm của những anh hùng vùng “đất thép”. Chỉ với dụng cụ thô sơ mà họ đã đào đường hầm với nhiều ngõ ngách, nhiều tầng và không bị phá hủy bởi đạn pháo, xe tăng, xe bọc thép của địch.

Được anh thuyết minh viên dẫn đường, đoàn đến tham quan giếng nước trong lòng địa đạo và anh dẫn đoàn đi thử đoạn đường khoảng 15m để mọi người trải nghiệm “di chuyển dưới lòng đất”. Lối đi trong địa đạo khá nhỏ và hẹp, những thành viên có thân hình cao lớn phải khom người mới di chuyển được. Khi qua một đoạn trong địa đạo, nhiều thành viên trong đoàn thắc mắc với vị trí nằm sâu dưới lòng đất thì làm sao không khí lọt vào, rất dễ bị ngột. Anh thuyết minh viên đã nhanh nhảu trả lời: “Dọc đường hầm có lỗ thông hơi, được ngụy trang như tổ mối tự nhiên, cứ khoảng 15m có lỗ thông hơi. Lính Mỹ đã dùng chó nghiệp vụ để săn lùng lối vào địa đạo. Ban đầu có một số cửa vào và lỗ thông hơi bị chó nghiệp vụ phát hiện do chó ngửi được hơi người. Tuy nhiên, sau đó, những người ở dưới địa đạo đã dùng xà phòng, quần áo của lính Mỹ (vật phẩm thu được khi tiêu diệt địch) đặt ở cửa hầm và cửa thông hơi nên chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra”.

Khu xưởng sửa chữa vũ khí dưới địa đạo.

Anh cũng không quên nói rõ, ngày xưa cửa vào địa đạo rất nhỏ, để dễ ngụy trang không để địch phát hiện và chỉ vừa với thân hình bé nhỏ những người ở dưới địa đạo, lính Mỹ cao lớn thì không qua lọt được. Người xuống hầm sau cùng sẽ có nhiệm vụ ngụy trang nắp hầm lại và quan sát trên mặt đất. Khi thấy có lính Mỹ săm soi, thì người du kích đó sẽ cài dưới nắp hầm quả mìn. Khi quân đội Mỹ tìm được nắp hầm, tập trung đồng bọn cố gắng mở nắp hầm thì mìn bên dưới sẽ rút chốt và phát nổ. Mìn nổ có hai tác dụng, thứ nhất tiêu diệt bọn lính bên trên mặt đất, thứ hai làm sụp cửa vào hầm, tiêu tan lối xuống địa đạo. Vô số cửa được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Đây chính là chỗ bất ngờ với quân địch. Dưới những khúc địa đạo ở khu vực hiểm yếu có đặt hầm chông, hố đinh, cạm bẫy… Về sau, để tiện cho khách tham quan, lối vào được mở rộng và xây cầu thang để lên xuống. Tuy nhiên, còn một số lối vào vẫn giữ kích thước ban đầu. Sau khi đố các thành viên trong đoàn tìm được cửa vào, anh thuyết minh viên đã hướng dẫn mọi người cách vào và chỉ trong tích tắc, anh đã di chuyển ra ngoài bằng cửa khác.

Anh dẫn đoàn đi tham quan cụm hầm quân y, nơi du kích trị thương trong thời kỳ chiến tranh, có căn hầm giải phẫu; phòng họp Bộ Tư lệnh, nơi diễn ra các cuộc họp để đưa ra chỉ thị, mệnh lệnh tấn công; hầm nghỉ ngơi, làm việc của Tư lệnh… và xem bếp Hoàng Cầm do chiến sĩ anh nuôi tên là Hoàng Cầm sáng chế ra. Đặc trưng của bếp này là khói không trực tiếp bốc ra tại bếp mà khói đi theo hệ thống dẫn khói bên trong lòng đất qua các ụ chứa khói. Khi khói lên được trên mặt đất thì nhìn như lớp sương mỏng, địch khó mà phát hiện.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm ở Đền Bến Dược.

Đoàn đã đến viếng và thắp hương tại Đền Bến Dược, nơi tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp hòa bình độc lập của dân tộc. Bên trong đền, sắp thành hàng trên bờ vách, đến nay có trên 44.700 tấm bia bằng đá hoa cương. Trên mỗi tấm bia, thân thế liệt sĩ được trân trọng khắc ghi tóm tắt bằng chữ vàng. Sau khi viếng Đền Bến Dược để lại trong lòng mọi người nhiều suy nghĩ. Suy nghĩ về những người rất yêu cuộc sống nhưng sẵn sàng xả thân cứu nước và còn đó những bà mẹ liệt sĩ mất con, nỗi đau không thể nào vơi. Không ai bảo ai đều có chung quan điểm phải biết ơn, đền ơn và phải nỗ lực hết sức mình, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của những anh hùng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ngọc Hải

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: