• Đoàn thể

Tìm về lịch sử, những năm tháng không thể nào quên - Kỳ cuối

12/05/2019 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 12/05/2019 | 06:01

Những anh hùng bất tử

STO - Mỗi lần những ca từ “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay. Rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây...” trong bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà vang lên, niềm tự hào dân tộc trong lòng người Việt Nam lại càng dâng cao. Và những trận địa trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ để “đất nước trọn niềm vui”, non sông liền một dãy vẫn còn khắp nơi trên bản đồ hình chữ S. Đó là nơi để thế hệ sau nhắc nhớ về những người anh hùng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” (trích trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi).

Tượng đài đặc công Rừng Sác nói lên sự khó khăn của chiến sĩ là chiến đấu với giặc và cá sấu nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quả cảm.

Rừng Sác – Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, được phục hồi sau chiến tranh. Nhìn những cánh Rừng Sác xanh ngút ngàn, ít ai hình dung được nơi đây từng bị mưa bom lửa đạn giày xéo, chất độc hóa học biến nơi đây thành vùng đất chết. Nơi có quá khứ điêu tàn của chiến tranh hủy diệt ấy nay đã trở thành điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử của du khách trong và ngoài nước. Theo anh Nguyễn Văn Tạo, nhân viên thuyết minh Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ thì vào ngày lễ, tết, Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ đón từ 8.000 – 9.000 lượt khách, ngày cuối tuần thứ 7, chủ nhật có 2.000 – 3.000 lượt khách. Cây rừng được trồng lại sau chiến tranh với hơn 52 loại cây rừng ngập mặn, trong đó hơn 70% là cây đước. 

Đến Rừng Sác – Cần Giờ để nghe những câu chuyện đã trở thành kì tích của chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.

Nhắc đến Rừng Sác thì không thể không nhắc đến Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác anh hùng. 860 người con ưu tú đã nằm xuống nơi sình lầy Rừng Sác cho rừng mãi thêm xanh và cho ngày hòa bình nở hoa trên đất nước Việt Nam. Và các anh là những anh hùng bất tử, viết nên những bản anh hùng ca về những chiến công mà đến tận hôm nay thế hệ sau khi nhắc đến đã thấy tự hào.

Chiếc ca nô chở đoàn vượt qua cánh rừng xanh bạt ngàn chừng 3km đến khu căn cứ Rừng Sác. Nơi đây có lối đi đặc biệt, là thân cây đước được đóng dính với nhau như làm nhà sàn, nối liền các chòi lá, nơi phục dựng lại các hoạt động của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Những gì còn lại trong không gian hoài niệm này là quá nhỏ so với thực tế về những huyền thoại mà đặc công Rừng Sác đã làm nên. Song những gì phục dựng lại cũng đủ làm người ta đi từ kinh ngạc đến nể phục đơn vị đặc công anh hùng này.

Mô hình nấu nước mặn thành nước ngọt.

Chiến trường Rừng Sác, nơi rừng thiêng nước độc, đời sống sinh hoạt khó khăn, thiếu nước ngọt và lương thực. Có khi các anh phải ăn các loại rau rừng như đọt ráng, lá lìm kìm… Để có nước ngọt sử dụng là cả vấn đề, có khi đánh đổi bằng máu. Anh Nguyễn Văn Tạo dẫn đoàn xem mô hình phục dựng nấu nước mặn thành nước ngọt và kể lại: "Do địch phục kích án ngữ các giếng, bờ ao nên việc vào ấp chiến lược lấy nước là khó khăn và mạo hiểm. Nhiều chiến sĩ phải đổ máu, hy sinh để có thùng nước ngọt. Có thể miêu tả lúc đó mỗi giọt nước là một giọt máu. Trước tình hình đó, bộ đội đặc công chặt những thân cây đóng ghép lại như hồ chứa, lót thêm tấm vải dù chống thấm, tạo thành hồ chứa nước đặt rải rác trong rừng. Để hứng được nước, bộ đội đặc công đã chặt bẹ dừa nước đóng ghép vào thân cây đước tạo thành khung máng, dùng lá dừa nước quấn quanh thân cây đước để phần nước mưa rơi xuống lá đưa xuống khung máng vào hồ chứa nước. Vào mùa nắng, thì các anh nấu nước mặn để có nước ngọt. Hình thức như nấu rượu, nước mặn đun sôi - bóc hơi - gặp lạnh ngưng tụ - nước ngọt chảy ra ngoài. Sản phẩm tạo ra vừa có nước ngọt vừa có muối. Trong thời gian nấu 8 – 10 tiếng được vài trăm lít nước đủ cho trung đội ăn uống trong 1 ngày".

Trong những năm chiến đấu và hoạt động tại Rừng Sác, Đoàn 10 đã tận dụng bom, đạn lép của Mỹ để sản xuất thành nhiều loại vũ khí để đánh địch.

Không chỉ chiến đấu với kẻ thù cầm súng là Mỹ - ngụy mà chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác còn phải chiến đấu với kẻ thù tiềm ẩn trong dòng nước là cá sấu. Chúng luôn rình rập trong các lòng sông, rạch, bất thình lình tấn công. Có nhiều chiến sĩ hy sinh vì bị cá sấu tấn công ăn thịt và nhiều chiến sĩ bị thương nặng, thoát chết khỏi miệng cá sấu. Về sau, Đoàn 10 nghĩ ra cách tiêu diệt cá sấu là bẫy cá sấu bằng con vịt có lắp thuốc nổ. Các chiến sĩ còn phát động tìm trứng, cá sấu con trong các hố bom để tiêu diệt.

Do địa hình nước ngập, sình lầy, nên chiến sĩ đặc công đắp hầm nổi để tránh đạn pháo của địch và khi nước ngập vẫn sử dụng được. Ban đầu là đắp hầm chữ A, sử dụng thời gian thấy có nhược điểm, cán bộ, chiến sĩ đã sáng tạo ra hầm chữ T, hầm có 3 cửa để tránh những đợt B52 nổ gần nhưng vẫn đảm bảo an toàn; hầm chữ H, hầm 4 cửa để tránh phi pháo của địch bắn vào căn cứ, khi trú ẩn vẫn quan sát được bên ngoài. Có giai đoạn bị địch vây ráp, lực lượng thiếu đạn, thuốc nổ chiến đấu. Lúc này, phương án dùng vũ khí địch đánh địch được nảy ra. Các chiến sĩ thu bom đạn lép của Mỹ, lấy thuốc nổ về sản xuất nhiều loại vũ khí chiến đấu.

Mô hình các chiến sĩ đặc công Rừng Sác nghiên cứu trận đánh Kho xăng dầu Nhà Bè.

Trong lịch sử ghi nhận, tính từ ngày ra đời 15-4-1966 đến Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ðoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã đánh 595 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch; đánh chìm và bắn cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu; đánh đắm 13 tàu vận tải, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng; thiêu hủy 110.000 tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu... Trong đó phải kể đến chiến công đánh Kho xăng dầu Nhà Bè, đây là kho xăng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, cung cấp 60% lượng xăng dầu cho cả hoạt động dân sự và quân sự ở miền Nam Việt Nam. Với 8 thành viên xuất sắc của Đoàn 10 xuất trận, làm tất cả bồn xăng của địch nổ tung và bốc cháy dữ dội, gây thiệt hại khoảng 20 triệu USD. Thắng lợi này làm nức lòng nhân dân cả nước và gây chấn động trên toàn thế giới về sự mưu trí, dũng cảm, khéo léo, biết cách thọc sâu vào yếu điểm của địch mà tấn công.

Kết thúc chuyến hành trình đã để lại trong lòng mọi người nhiều trăn trở. Tuổi trẻ chúng ta may mắn sinh ra, lớn lên trong hòa bình, chỉ biết về chiến tranh qua lời kể, sách vở, phim tài liệu… nhưng cũng hình dung được sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Khắp nơi trên cả nước, máu xương của cha anh ta đã đổ xuống để đổi lấy ngày hòa bình thống nhất đất nước. Đất có thể hồi sinh, con người thì không thể, nhưng người ngã xuống vẫn bất tử trong tâm khảm những người còn sống sau chiến tranh và những thế hệ tiếp nối hôm nay. Chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất. Và quyết tâm bảo vệ những gì đã giành được, nỗ lực phấn đấu góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển để xứng đáng với công ơn của thế hệ cha anh đi trước.

Ngọc Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: