• Đoàn thể

Tối ưu hóa công tác tuyên truyền, vận động

11/07/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 11/07/2020 | 06:00

STO - Công tác tuyên truyền, vận động luôn đóng vai trò quan trọng góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Hiện nay, có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, tuy nhiên để công tác này mang lại hiệu quả cao, vấn đề đặt ra là cần đa dạng hình thức, đổi mới cách tuyên truyền, vận động sao cho phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới.

Một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến hiện nay là tuyên truyền miệng thông qua hội nghị, họp, sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể… hay gặp mặt từng đối tượng cụ thể để tuyên truyền. Người tuyên truyền miệng đòi hỏi phải hội tụ 3 yếu tố: tâm huyết - vốn sống - năng khiếu.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Đức (Long Phú) Trần Văn Bình, hiện nay, trong các buổi tuyên truyền thì cần xác định nội dung tuyên truyền, phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và cách tuyên truyền phải thu hút người nghe. Ngoài ra, cần có sự tương tác giữa người tuyên truyền và người được tuyên truyền như đặt câu hỏi, trao đổi… chứ không chỉ tuyên truyền dài dòng theo văn bản có sẵn. Trong các đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, ngoài tổ chức họp mặt tuyên truyền, vận động công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, cán bộ xã cũng đến từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng gia đình và cũng lồng ghép tuyên truyền những quy định Luật Nghĩa vụ quân sự để thanh niên và gia đình nắm rõ.

Ngoài tổ chức họp mặt tuyên truyền, cán bộ xã đến nhà hộ dân để tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Ngọc Hải

Tuy nhiên, hình thức này cũng bộc lộ nhược điểm, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, không tập trung đông người nên việc tuyên truyền miệng khó mà thực hiện được. Theo đó, các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền và phải lựa chọn hình thức phù hợp.

Hiện nay, khi đời sống người dân nâng lên, phần lớn tự trang bị cho cá nhân điện thoại thông minh, máy tính... để nghe, nhìn, từ đó kéo theo người dùng mạng xã hội ngày càng gia tăng. Không chỉ ở thành thị, ở các vùng nông thôn, người dân đã tiếp cận và sử dụng mạng xã hội để nhằm mục đích nắm bắt, chia sẻ thông tin… với nhau. Vì vậy, các ban ngành, đoàn thể đã từng bước đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội để đưa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật và các thông tin liên quan đến gần với người dân hơn.

Khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, các tổ chức, cá nhân chia sẻ những điểm chính của nghị định trên mạng xã hội và khi nghị định đi vào thực hiện thì đa số người dân đều nắm rõ về nghị định và nâng cao ý thức khi lái xe, đảm bảo an toàn cho cá nhân và những người cùng tham gia giao thông.

Mặt khác, các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá thành quả cách mạng, xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo, chọn lọc thông tin để xem, chia sẻ và chúng ta sử dụng mạng xã hội không chỉ tuyên truyền, định hướng dư luận mà có phản bác những thông tin không đúng sự thật của các thế lực thù địch.

Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể cũng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trong lực lượng đoàn viên, hội viên và nhân dân. Bí thư Thị đoàn Vĩnh Châu Trần Văn Cọt thông tin: “Ngoài tuyên truyền, định hướng tư tưởng đoàn viên, thanh niên, các hoạt động của đoàn, Thị đoàn còn tuyên truyền “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội để lan tỏa câu chuyện ý nghĩa, nhân lên điển hình tiên tiến trong cuộc sống đời thường”.

Tuyên truyền về dịch Covid-19, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh cũng đã đẩy mạnh hình thức sử dụng mạng xã hội. Ngoài đăng trên trang fanpage Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an tỉnh Sóc Trăng, cán bộ, đoàn viên tích cực đăng, chia sẻ trên trang cá nhân với nội dung về: 5 việc thanh niên cần làm ngay để chung tay phòng, chống Covid-19; tìm hiểu về giãn cách xã hội; đường dây nóng tư vấn dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố… tạo sự lan tỏa thông tin trong cộng đồng.

Theo thượng úy Huỳnh Thanh Phong – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh thực hiện dựng clip nhảy dân vũ có nội dung tuyên truyền: mang khẩu trang khi đến nơi công cộng; chỉ ra đường khi cần thiết; rửa tay thường xuyên theo quy trình 6 bước Bộ Y tế khuyến cáo; không chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh… rồi đăng tải trên Youtube, trang mạng xã hội, thu hút hàng chục ngàn lượt xem và chia sẻ.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động để phù hợp với tình hình mới là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, cũng cần có sự đan xen giữa các hình thức với nhau để phù hợp với từng đối tượng, tình hình địa phương và thời điểm tuyên truyền, từ đó đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Ngọc Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: