• Đời sống xã hội

Khu dân cư ấp Trà Sết

An cư nhưng chưa lạc nghiệp - Kỳ 1

19/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/09/2019 | 06:00

STO - Khu nhà ở thuộc “Dự án ổn định dân cư các hộ dân tộc thiểu số ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu)” được xây dựng từ năm 2014 tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, với mục đích nhằm hỗ trợ cho người dân nghèo về đất ở, đất sản xuất và nhà ở để tạo điều kiện cơ bản giúp các hộ dân an tâm lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và từng bước hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới.

Đời sống người dân ở Khu dân cư ấp Trà Sết còn nhiều khó khăn.

Niềm vui an cư khi có nhà mới...

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án Khu dân cư ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải đã hoàn thành và được tiến hành bàn giao nhà ở cho những hộ Khmer nghèo vào năm 2016. Tôi còn nhớ như in trong chuyến công tác về ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải những ngày bà con ấp Trà Sết và Giồng Nổi mới được hỗ trợ nhà ở thuộc “Dự án ổn định dân cư các hộ dân tộc thiểu số ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu)”, ai cũng trong tâm trạng mừng vui khôn tả.

Kéo điện phục vụ người dân Khu dân cư ấp Trà Sết. Ảnh: NHẤT HUY 

Khi ấy, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những căn nhà tường, mái lợp tol mọc lên san sát, công trình khẩn trương hoàn thành công đoạn lắp đặt đồng hồ điện, kéo nước sạch vào nhà dân để kịp bàn giao cho bà con trước Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2016. Anh Tạ Uôl, ở ấp Trà Sết là một trong những hộ Khmer nghèo được chính quyền địa phương xét hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất không quên được những tháng ngày hạnh phúc với niềm hy vọng về tương lai phía trước: “Vợ chồng tôi từng mơ ước có được căn nhà vững chắc, nhưng do không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định nên tích cóp mãi vẫn không đủ tiền xây nhà. Vì vậy, nhiều năm phải sống nhờ bên nhà cha mẹ vợ. Được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, giờ đây vợ chồng tôi đã có căn nhà và được xét hỗ trợ đất sản xuất. Có nhà cửa ổn định, vợ chồng tôi sẽ cố gắng lao động để vươn lên thoát nghèo”.
Còn chị Thạch Thị Sà Vi, là một trong những hộ nghèo chí thú làm ăn, nhưng do không đất sản xuất và không có vốn nên kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Gần 10 năm sống trong căn chòi dột nát trên phần đất của người bà con, xét thấy hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho gia đình chị vào ở Khu dân cư ấp Trà Sết. Chị Sà Vi vui mừng chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, vợ chồng tôi mừng lắm. Từ khi có được chỗ ở ổn định, vợ chồng tôi mở tiệm tạp hóa nhỏ, mỗi ngày thu nhập cũng được vài chục nghìn đồng. Dự định khi nhận được đất sản xuất do Nhà nước hỗ trợ sẽ đầu tư nuôi cua, cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo và lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn”.

Niềm vui khi được Nhà nước hỗ trợ nhà ở mới. Ảnh: NHẤT HUY

... nhưng bao giờ lạc nghiệp

Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: “Tháng 1-2016, UBND xã Vĩnh Hải phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức bàn giao 200 căn nhà cho 200 hộ dân tộc thiểu số ấp Trà Sết và Giồng Nổi thuộc Dự án ổn định dân cư các dân tộc thiểu số ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải (diện tích 4m x 10m, giá trị dự toán trên 33 triệu đồng/căn) và đất ở cho 200 hộ dân. Còn việc hỗ trợ đất sản xuất 3.000m2/hộ cho các hộ dân chưa thực hiện được do còn vướng nhiều về thủ tục đất đai, nhất là đất rừng. Mặt khác việc giao 300m2 đất ở cũng chưa lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hộ dân. Các hộ dân rất vui mừng khi được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện có chỗ ở, ổn định cuộc sống, tất cả 200 hộ đều vào ở những căn nhà do Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, do hầu hết các hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định nên trong 200 hộ thì hiện nay chỉ còn 106 hộ đang sinh sống, làm ăn ở tại hộ (trong đó có 52 hộ đóng cửa về lại nơi ở cũ sáng đi làm thuê, chiều tối mới về nhà mới), 47 hộ bỏ địa phương đi TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… làm thuê, đến dịp tết thì về quê thăm nhà, 47 hộ đã tự ý bán nhà cho hộ khác đến ở không thông qua chính quyền địa phương”.

Bà Trần Thị Cum, ở ấp Trà Sết chia sẻ: “Vợ chồng con trai tôi đi lên TP. Hồ Chí Minh làm được mấy tháng rồi, giao tiệm tạp hóa này lại cho tôi giữ dùm. Khu dân cư giờ thưa người quá nên tiệm tạp hóa mỗi ngày cũng không bán được bao nhiêu. Trước đây, hai vợ chồng con trai tôi ở chung với tôi tại ấp Trà Sết, hàng ngày hai vợ chồng nó đánh bắt cá kèo ngoài biển, rồi làm thuê cũng sống qua ngày. Khi vợ chồng con trai tôi được hỗ trợ nhà ở Khu dân cư ấp Trà Sết, nó mừng lắm, chuyển đồ đạc về đây ở và mở tiệm tạp hóa nhỏ mua bán. Do nơi này ở xa khu dân cư khác nên ít người thuê làm, lại xa khu vực đánh bắt cá ngoài biển nên cuộc sống khó khăn, phải đi lên tận TP. Hồ Chí Minh tìm việc”.

Còn chị Thạch Thị Khoa tâm sự: “Nhà đã bị dột, nền thì sụp lún mà không có tiền sửa lại. Nước sinh hoạt hiện nay bị phèn và mặn lắm chỉ giặt đồ, rửa chén thôi, còn nấu cơm phải mua nước bình, tắm thì phải xả lại bằng nước bình. Có được nhà ở thì mừng lắm nhưng khi về đây do ở xa khu dân cư, ít người thuê làm quá, nên cuộc sống rất vất vả...”.

Nhất Huy

(Còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: