• Đời sống xã hội

"Ăn ong" bên rạch An Nô - Kỳ 2

12/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 12/10/2017 | 06:00

STO - An Nô là con rạch lớn ở xã Thạnh Thới An (Trần Đề). Là con rạch chảy qua vùng đất có tên xưa là Bâng Ân S’nô – có nghĩa “Bưng cây điên điển”. Vì là “bâng – bưng”... nên nền đất trũng, xưa cỏ dại, cây hoang mọc ken dày, là nơi trú ngụ lý tưởng của những bầy ong mật. Ông Lâm Văn Tiến (Sáu Tiến - 66 tuổi) ở ấp Thanh Nhàn kể rằng, vùng đất An Nô trước năm 1975 và một đỗi sau này lúa chỉ làm được 1 vụ nhờ nước trời. Vườn tược rậm rạp như rừng. Ong mật thì đóng tùm lum. Mà thời đó thì cũng chưa có “thợ ăn ong” nhiều như bây giờ.

Mật ong rừng và những loài ong mật

Trong căn nhà xinh xắn bên rạch An Nô, Nhất Toàn cho chúng tôi hiểu rõ hơn về những màu sắc và hương vị của mật ong ở xứ này. Ở Sóc Trăng, hiện tại có thể chia ra “3 vùng mật” với những đặc trưng riêng của mỗi vùng (ở đây không kể những đàn ong được nuôi). Trước hết là vùng Mỹ Tú với đặc sản là mật ong bông tràm; vùng Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận giáp đến Cổ Cò thường cho mật ong bông dừa nhiều nhất; cuối cùng là mật ong bông bần, trải dài suốt dọc dải rừng bần ngập mặn ven sông Hậu dài đến gần cửa Mỹ Thanh và khu vực rừng bần Cù Lao Dung.

Mật ong và “mùa mật đẹp”

Bày ra 3 chai mật ong với ba màu khác nhau, Nhất Toàn vừa rót từng chút vào chung nhỏ vừa cho tôi biết về đặc tính của từng loại mật. Mật ong bông tràm có màu nâu đậm, hương thơm thoang thoảng mùi bông tràm nhưng vị ngọt gắt và hậu có vẻ hơi chát chát. Ngày trước chỉ thuần bông tràm ta (tràm nước) nhưng nhiều năm trở lại đây, đã có nhiều vùng trồng tràm Úc, tràm bông vàng... rồi cả bạch đàn nhưng màu mật thì hầu như không đổi mấy. Vẫn là màu nâu đậm. Đưa tôi nhấp tiếp một chung mật màu vàng sậm, sóng sánh như màu hổ phách... “Chú thấy sao?”, “Vị ngọt hơi gắt nhưng hậu không có vị chát!". Nhất Toàn tiếp lời: “Nếu để ý một chút thì sẽ cảm được mùi thơm của mật này có hương gần như là hương hoa cau... Chỉ thoang thoảng, nhè nhẹ chứ không nồng như mùi mật của bông tràm”. Cầm nguyên chai mật cuối cùng có màu vàng xanh và có cảm giác trong veo, Nhất Toàn cho biết đây là mật ong lấy ở ven rừng bần phòng hộ dọc theo Mỏ Ó. “Mật ong bông bần có vị ngọt thanh, hậu hơi chua và thoang thoảng mùi bông bần. Mật này có nhiều ở Cù Lao Dung và dọc theo sông Mỹ Thanh theo mùa cây bần ra bông thành ra hơi hiếm”.

Nhất Toàn và tác giả cùng 3 chai mật “bông tràm, bông dừa và bông bần”.

Mật ong có theo mùa các loại bông nở rộ nên màu và hương vị của mỗi loại mật đều khác nhau. Dù gì thì cũng khó nói là “mật nào tốt hơn mật nào” - Nhất Toàn kết luận! Tuy nhiên, chất lượng mật ong thì có thể nhận biết được theo cân nặng. Trung bình 1 lít “mật ong già” - tức là bầu mật đã “đóng mài đá” thì cân nặng trong khoảng từ 1,25kg đến 1,35kg tùy theo mùa. Còn mật cân dưới 1,2kg thì đó là mật ong non (lấy non). Mật non thì rõ ràng là tốt không bằng mật già!

Hóa ra câu chuyện chất lượng mật còn có một “khúc mắc” mà thợ ăn ong ai cũng biết là có những “tay ăn ngang” khi gặp bất kỳ ổ ong mật nào cũng lấy, bất kể “bầu mật đã tới hay chưa” bởi lẽ - những tay này sợ người khác lấy trước?! Chưa kể là “rình rình những ổ ong của thợ ăn ong” vừa lấy xong... chưa tới một tuần sau, “mấy ông trời này lẻn vô cắp mật” dù thợ ăn ong đã dặn chủ nhà coi sóc. Chưa tính đến chuyện có những người thay vì “un khói” thì dùng luôn bình xịt muỗi, xịt kiến lên phun thẳng vào tổ ong, với kiểu lấy mật này thì cả đàn ong đều chết sạch, chưa tính đến việc “ai uống mật này cũng không khác gì uống thuốc độc”?!

Nhất Toàn cũng cho chúng tôi biết, mùa lấy mật ong rừng “đẹp nhất” là bắt đầu từ giữa tháng 1 âm lịch đến khoảng cuối tháng 5 âm lịch. Mùa này bông nở đẹp, tiết trời khô ráo... mật ong đặc sánh, thơm lừng.

Những loài ong rừng ở Sóc Trăng

Theo chân “ba người bạn ăn ong”, chúng tôi đã ghi được 3 loài ong cho mật phổ biến ở Sóc Trăng là: ong rừng (còn gọi là ong mật). Đây là loài ong mật có kích cỡ lớn nhất và dữ nhất... thường đóng thành những tổ lớn trên chảng ba cây lớn và cũng có khi đóng ở những kèo có thế đẹp ở dưới thấp như: có tàn lá che mát phía trên, xung quanh thoáng đãng và gần nơi có nhiều hoa đang vào mùa nở.

Loài ong mật thứ hai là ong ruồi, nhỏ hơn ong mật cả về kích thước ổ cũng như thân hình. Ong ruồi được thợ ăn ong xếp vào loại ong hiền. Khác với ong mật, ong ruồi khi gặp khói thì cả đàn co lại, bao trọn lấy ổ để bảo vệ nhộng và bầu mật nhỏ đóng ở trên cùng. Mật ong ruồi thì giá có thể nói là “trên trời”... có người đặt mua giá cả triệu đồng cũng chưa chắc có, bởi lẽ “một ổ ong ruồi dù lớn đến mấy cũng chỉ cho một bầu mật được chừng 2 ly xê-chừng!? Kiếm được hai chục ổ chưa chắc đã có được 1 lít mật”!

Cuối cùng là ong dú - thợ ăn ong còn gọi là ong vú bò vì tổ ong thường đóng trong những bọng cây, hộc tủ, trong những hộc đá. Thợ ăn ong gọi “ong vú bò” vì ổ ong có hình dáng nhũ... gần giống những cái vú bò. Đây được xem là loài ong mật hiền nhất khi chúng sẵn sàng “chung sống hòa bình với con người”. Dẫn chúng tôi vào chùa Luông Bassac ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên), Văn Kính mở một ngăn tủ mà các vị sư ở đây vẫn đựng vật dụng hàng ngày, tôi tròn mắt khi đóng trong ngăn bên phải là một ổ ong dú lớn với 4 lớp tàn ong... bầy ong ra vào nhộn nhịp vì khi khép cửa lại thì các vị sư ở đây chỉ khép hờ, vẫn chừa đường vào - ra cho bọn ong. Mật ong dú có vị chua và cho ít mật vì “bọn này nhỏ con, ít đi ăn xa”!

Theo chân “những người bạn ăn ong”, được thưởng thức hương vị của những loại mật ong theo mùa, được tận mắt thấy và hiểu được “cái tình của thợ ăn ong” dành cho những bầy ong rừng, cách họ đối xử với thiên nhiên để duy trì bầy đàn đợi đến kỳ cho mật đẹp. Cảm ơn “ba người bạn ăn ong” đã cho chúng tôi rong ruổi cùng trên những nẻo đường ăn ong thú vị bên rạch An Nô. Đó là Nhất Toàn; Chính Chiến và Văn Kính.

C.T.L

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: