• Đời sống xã hội

Cách cấp cứu đúng cách người bị điện giật

25/10/2018 05:59 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 25/10/2018 | 05:59

STO - Cấp cứu người bị điện giật không đúng cách là khi thấy người bị điện giật nhanh chóng chạm vào nạn nhân, người cấp cứu bị điện giật; sử dụng vật bằng kim loại gạt dây điện; đắp sình, đổ nước, bia… vào người nạn nhân.

Cấp cứu người bị điện giật đúng cách là khi thấy người bị điện hạ áp giật (mức điện áp sử dụng trong gia đình 220 hoặc 380 vôn) phải tìm mọi cách để tách nạn nhân ra khỏi mạch điện bằng: Cách 1, cắt ngay aptomat, cầu dao… hoặc rút phích cắm điện dẫn điện đến vị trí người bị điện giật (khi cắt điện, nếu nạn nhân ở trên cao sẽ bị rơi xuống, vì vậy cần đề phòng chấn thương thêm sau điện giật); cách 2, dùng gậy gỗ, tre khô, ống nhựa cách điện gạt dây điện hoặc đẩy nạn nhân để tách ra; cách 3, đứng trên bàn, ghế hoặc tấm gỗ khô dùng tay kéo nạn nhân tách ra khỏi mạch điện. Lưu ý: Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào người nạn nhân, vì như vậy người đi cứu cũng bị điện giật.

Phương pháp cấp cứu người bị điện giật: Ngay sau khi tách được nạn nhân ra khỏi mạch điện thì tiến hành kiểm tra đánh giá tình trạng sống của nạn nhân về não, hô hấp, tim. Nới rộng quần áo và nhanh chóng chuyển nạn nhân tới vị trí thuận lợi để có thể tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay. 

Kiểm tra xác định tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách sờ vào mạch đập ở cổ, mạch đập ở bẹn đồng thời quan sát lắng nghe hơi thở nạn nhân: Nếu nạn nhân còn thở nhẹ, tim còn đập thì tiếp tục chăm sóc và mời y, bác sĩ; nếu nạn nhân đã tắt thở, tim ngừng đập thì tiến hành làm phương pháp hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực ngay, cách thực hiện là đặt nạn nhân nằm ngửa, đẩy đầu về phía sau. Người cứu đặt chéo 2 bàn tay lên ngực nạn nhân rồi ấn nhanh, mạnh, làm lồng ngực nạn nhân bị nén xuống (5÷6) cm. Ưu tiên việc ép tim ngoài lồng ngực 30 lần, tần số tim từ 100 - 120 lần/phút. Việc ép tim cần phải thực hiện ngay, kể cả khi nạn nhân còn ở vị trí chưa được thuận lợi nhưng có thể tiến hành ép được tim. Kiểm soát và làm thông đường thở bằng cách để cổ ngửa ra sau và đầu nghiêng về một bên. Dùng một hoặc hai ngón tay để móc đờm dãi và các dị vật làm cản trở đường thở của nạn nhân.

Đồng thời với động tác ép tim phải hà hơi, thổi ngạt, người cứu ngồi bên cạnh đầu, lấy một tay bịt mũi nạn nhân, một tay giữ cho mồm nạn nhân há ra, hít thật mạnh để lấy nhiều không khí vào phổi rồi ghé sát mồm vào mồm nạn nhân mà thổi cho lồng ngực phồng lên (hoặc bịt mồm để thổi vào mũi khi không thổi vào mồm được). Lưu ý, phương pháp miệng - miệng là tốt nhất. Khi 1 người cứu thì cứ 30 lần ép tim thì hô hấp nhân tạo 2 lần; khi 2 người cứu thì 1 người làm động tác ép tim, người còn lại thổi ngạt. Cứ 30 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần liên tục. Phải thực hiện động tác ép tim và hà hơi, thổi ngạt liên tục, kiên trì cho đến khi có ý kiến của y, bác sĩ. Tuyệt đối không được cứu chữa bằng cách tưới nước hoặc đắp sình lên người nạn nhân.

Q. Anh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: