• Đời sống xã hội

Chuyện vui nghề báo

19/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 19/06/2019 | 06:00

STO - Có những chuyện bắt gặp trong những chuyến công tác làm tôi nhớ mãi và trở thành những kỷ niệm đẹp, làm hành trang cho công việc vốn dĩ đi nhiều hơn ngồi, ăn cơm bụi thường trực, suốt ngày long nhong ngoài đường, ngồi quán cà phê nhiều hơn vào phòng làm việc.

Bữa cơm bốn con mắm đồng với nửa lít rượu trắng

Đó là vào thời điểm hè năm 2009, tôi thực hiện bài viết về một vùng quê thuộc huyện Mỹ Xuyên. Lúc ấy, trời mỗi lúc một tối mà phải lê bước với cái bụng đói cồn cào làm đôi chân thêm uể oải, lại thấy tiếc hùi hụi vì trước đó đã từ chối lời mời dùng bữa cơm chiều với một gia đình mình vừa thực hiện phỏng vấn nên bây giờ rơi vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong”.

Có những hình ảnh trở thành kỷ niệm khó quên sau mỗi chuyến công tác.

Đến lúc nhá nhem tối, tôi dừng chân tại nhà anh Nguyễn Văn Hai - lọt thỏm giữa “đồng không mông quạnh”. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Anh gặt lúa thuê ở Phú Lộc vừa về đến, quần áo còn bê bết bùn đất, đầu đội chiếc nón vải lụp xụp, cả gia đình chuẩn bị ăn cơm chiều. Nhìn hai vợ chồng cùng 3 đứa con nương náu trong căn nhà lá nhỏ xíu hay nói đúng hơn là căn chòi làm khách thêm ái ngại cho tương lai những đứa trẻ. Anh cán bộ địa phương đi cùng vỗ vai tôi nói nhỏ: “Tội nghiệp vợ chồng cũng chí thú làm ăn nhưng mà không vốn, không đất sản xuất nên còn vất vả, địa phương đang có hướng tạo điều kiện để anh, chị được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tuy vậy, anh, chị vẫn cố gắng để các con được đến trường, không bỏ học giữa chừng”.

Trong ngôi nhà lá đơn sơ muỗi bay vo ve, vợ chồng anh dọn cơm mời chúng tôi rất nhiệt tình đúng chất dân xứ đồng bằng sông Cửu Long. Mâm cơm được bày biện đơn sơ chỉ vỏn vẹn 4 con mắm sặc anh vừa mua ngoài tiệm tạp hóa, tô canh "nước ngập bờ", mấy trái ổi sống, cùng nửa lít rượu trắng của anh bạn hàng xóm đem sang góp vui.

Bữa cơm đơn sơ mà ấm áp tình nghĩa, thế nhưng anh bạn đồng nghiệp đi cùng cứ nhìn mấy con mắm nguyên thủy không dám động đũa, riêng tôi do cơn đói đã lên đến đỉnh nên cứ nhai ngon lành, đến khi nhìn lại nồi cơm thì cảm thấy áy náy vô cùng. Thấy vậy anh Hai nốc cốc rượu trắng rồi vỗ đùi cái đét, cười khà sảng khoái: “Không sao đâu nhà báo, để chút nữa nấu nồi cơm khác, ở xứ này vậy đó, nghèo tiền nghèo bạc chứ tình nghĩa thì không nghèo đâu”.

Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại vẫn thấy thèm hương vị bữa cơm ấy. Bữa cơm đơn sơ mà đậm đà tình nghĩa, chứa đựng nhiều cảm xúc. Thế mới biết dù bà con mình ở nhiều nơi còn rất khó khăn, vất vả nhưng tình người với nhau thì thật đầy đặn biết bao.

Bị chặt chém trong tiệm sửa xe

Trong chuyến công tác về miệt Châu Hưng, Hưng Lợi, Mỹ Quới, xui khiến thế nào mà chiếc wave lại có vấn đề khi đang ở thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị), làm tôi phải tìm tiệm sửa xe. Đảo mắt liên tục, tôi cũng chọn được một tiệm ưng ý. Tiệm khá sang trọng so với mặt bằng chung ở địa phương nên cứ đinh ninh là vào đúng nơi rồi.

Vừa bước vào tiệm lập tức chạm ngay không khí “u ám” đến rợn người. Thấy ai nấy đều không mấy thiện chí nên tôi nhanh nhảu xưng danh là nhà báo để mong được sự thông cảm và hy vọng giá cả phải chăng. Sau màn tự bạch của tôi có vẻ họ cũng nể mình nên trong dạ đinh ninh chắc họ sẽ giảm giá. Không biết xe bị sao mà hết anh thợ chính rồi đến anh thợ phụ xem xong rồi phán đúng một câu thay vỏ, ruột luôn đi. Theo kinh nghiệm bản thân tôi biết chắc bị lủng ruột thôi, vá là được rồi chứ cần gì phải nghiêm trọng đến vậy. Thấy tôi có vẻ phân vân, bà chủ tiệm liền “góp vui” bằng một câu như “sấm truyền” “bữa trước cũng có đứa đem xe bị y như chú, không chịu thay ruột, chạy chưa được cây số xe bể bánh té vô xe hàng chết queo rồi”.

Thôi đành vậy, thay vỏ, ruột thì thay, giá cả chắc cũng phải chăng thôi vì mình đã xưng danh nhà báo và họ cũng tỏ ra nể nang nhà báo trên tỉnh. Khi sửa xong mới biết mình bị hét cái giá ngất ngưởng nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì “đã trót thì phải trét” thôi. Với lại cả gia đình như muốn ăn thịt khách khi tôi kỳ kèo bớt một thêm hai. Mấy anh thợ phụ thì kéo áo để lộ những mảng thân thể chạm trổ hình rồng phụng đầy người như “giang hồ thứ thiệt” đang dồn mọi ánh nhìn về phía tay nhà báo lạ hoắc. Trước khi tiếp tục hành trình, tôi còn được bà chủ tiệm tặng cho tràng cười đầy ẩn ý rồi ân cần hỏi thăm “làm nhà báo chắc nhiều tiền lắm, bao nhiêu đây nhằm nhò gì phải không”. Thế mới hay không phải cứ xưng nhà báo thì mọi việc đều suôn sẻ, phải đúng nơi đúng lúc, nếu không cái mác nhà báo có khi còn trở thành tác dụng ngược…

Hóa thành nhân viên bán hàng và suýt bị đuổi đánh vì chụp hình sòng lô tô

Trong chuyến công tác về huyện Long Phú để thực hiện bài viết “Xuân về trên đất mới” cách đây mấy cái tết, gặp phải tình huống mà không bao giờ ngờ đến. Trời nắng nhức mắt, tôi ghé vào quán cà phê trong Khu tái định cư Trung tâm Điện lực Long Phú làm ly cà phê, sẵn tiện hỏi thăm, gom tư liệu cho bài viết.

Thấy tôi khệ nệ vác cái cặp táp to đùng, lại ăn mặc có phần lịch sự, miệng mồm liến thoắng, hỏi thăm điều này, điều nọ, mọi người trong quán ai cũng chú ý. Lão nông đang uống dở ly cà phê phán một câu đến ngỡ ngàng làm khách phương xa rụng rời tay chân “chú bán gì vậy, bán hàng đa cấp hả, ở đây không ai mua đâu, bà con bị lừa nhiều quá rồi nên đâm ra họ ghét lắm đó nhe. Báo cho chú mày biết để phòng hờ”. Nghe nói chưa tròn câu mà tôi muốn dông luôn cho lẹ.

Lại một lần khác khi đi công tác ở mấy xã vùng sâu, vùng xa, đang chạy xe ngon lành thì gặp đám đông trong quán nước giải khát với đủ loại âm thanh của gần hai chục người toàn phụ nữ. Tính tò mò được rèn giũa từ lâu lại có cơ hội phát huy. Vác máy ảnh chạy ngay đến chỗ chị em đang tụ tập để chộp vài kiểu. Trong bụng mừng thầm “lần này trúng mánh rồi, đang bí đề tài mấy ngày qua, nhất định sẽ có một bài viết đầy tính phát hiện”.

Đến nơi mới vỡ lẽ, mọi người đang chơi lô tô, người chụp ảnh ngơ ngác, đám đông cũng ngơ ngác, chẳng phải sự kiện mang tính phát hiện như dự định ban đầu mà chỉ là sòng lô tô. Tất cả nhất tề chuẩn bị bỏ chạy nhưng sau đó tất cả đã kịp định thần. Nhìn đám đông ai cũng giận tím mặt thật không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với gã phóng viên trẻ, nhất là khi gã vừa làm chị, em một phen hú vía vì tưởng cán bộ xã kiểm tra và toi luôn một vòng lô tô. Mặt xanh như tàu lá chuối cắt không còn hột máu, tôi vội vã tìm đường rút êm trước khi bị cho một trận nát như tương.

Thay cho lời kết

Bỏ qua tất cả, nhà báo cũng là người bình thường như những người khác. Nghề báo không lấp lánh, càng không có ánh hào quang rực rỡ bao quanh như trong phim, trong truyện, không giống như trong suy nghĩ của nhiều người nhà báo là một cái gì đó ghê gớm. Vì là người bình thường nên cũng bị lừa, bị chặt chém, thậm chí bị hiểu nhầm… trong những lần đi tác nghiệp để từ đó không ít chuyện khóc cười gắn liền với hai tiếng nhà báo. Đó là những kỷ niệm đẹp, làm hành trang và động lực cho công việc hàng ngày là phản ánh chân thật hơi thở cuộc sống.

Hoàng Phúc

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: