• Đời sống xã hội

Công tác an toàn vệ sinh lao động có nhiều chuyển biến tích cực

10/09/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: KGT
  • Thứ Hai, 10/09/2018 | 06:00

STO - Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, các doanh nghiệp cũng tích cực hưởng ứng nhằm đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm việc cũng như đảm bảo tài sản, sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp… Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Hoàng Điện - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết công tác ATVSLĐ, PCCN thời gian qua trên địa bàn tỉnh quan trọng như thế nào?

Đồng chí Lê Hoàng Điện: Công tác đảm bảo ATLĐ, PCCN tại nơi làm việc vừa là yêu cầu của pháp luật, vừa là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của xã hội. Đó cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp và của mỗi người lao động. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xem việc đảm bảo ATVSLĐ và PCCN là một chính sách kinh tế - xã hội lớn, là một bộ phận không thể tách rời của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thông qua các văn bản quy định pháp luật về lĩnh vực này.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ và PCCN của các cấp, các nghành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, việc tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ và PCCN tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, điều này phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh. 

Cần có những biện pháp hiệu quả hơn để ngăn ngừa hiểm họa, giảm bớt rủi ro về con người, tài sản cho người lao động và doanh nghiệp để họ an tâm lao động và sản xuất.

Phóng viên: Cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác này? Thưa đồng chí!

Đồng chí Lê Hoàng Điện: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ phải thay đổi chính nhận thức, hành động của người sử dụng lao động và người lao động, hàng năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền một cách sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ, PCCN. 

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vi phạm, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, thao diễn kỹ thuật an toàn và phòng cháy chữa cháy, vận động dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại nơi làm việc.

Các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp và người lao động hiểu được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, PCCN, từ đó các doanh nghiệp tập trung xây dựng phương án ATLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường công tác bảo hộ lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp và người lao động ý thức cảnh giác tai nạn lao động, sự cố cháy nổ, thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động theo đặc thù của từng đơn vị. 

Từ những biện pháp quyết liệt, kịp thời và đồng bộ, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hạn chế ở mức thấp nhất những thiệt hại về người và của, tạo điều kiện an toàn lao động trong tất cả mọi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển. Đến thời điểm hiện tại của năm 2018, trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động nào. 

Phóng viên: Cần có những giải pháp ra sao với các trường hợp không thực hiện nghiêm ATVSLĐ và PCCN?

Đồng chí Lê Hoàng Điện: Công tác bảo đảm ATVSLĐ là hoạt động thường xuyên, liên tục và phải bắt đầu từ chính nhận thức của người trong cuộc. Do vậy, để lấp đầy những “lỗ hổng” trong công tác này, đòi hỏi phải có sự đổi thay thực sự từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Đối với tỉnh ta, nhằm thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đông đảo người lao động đối với công tác ATVSLĐ, PCCN, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh phối hợp UBND TX. Vĩnh Châu tổ chức lễ phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” tỉnh Sóc Trăng lần thứ II, năm 2018. 

Với nhiệm vụ của mình, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra và có các chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm. Chủ động nhắc nhở các doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên quan tâm, đảm bảo an toàn lao động và phòng tránh bệnh nghề nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu rõ việc quan tâm đến người lao động chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngoài việc đảm bảo an toàn cho người lao động và các thiết bị máy móc sản xuất, các doanh nghiệp cần phải nắm vững về các quy định về an toàn lao động.

Phóng viên: Chân thành cảm ơn đồng chí!

Trần Thời (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: