• Đời sống xã hội

Cuộc sống các em không tồn tại sự khiếm khuyết

08/12/2017 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 08/12/2017 | 11:00

STO - Lần đầu đến Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, khiến cho tôi có nhiều cảm xúc và suy nghĩ về nghị lực phi thường của con người khi đối mặt trước những khó khăn. Tôi xúc động và khâm phục các em học sinh của trường, các em đã chiến thắng khiếm khuyết trên cơ thể để hòa nhập với cộng đồng. Các em đã tự tin đến trường, chăm học, chăm rèn để biết đọc, biết viết và trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản tự chăm sóc bản thân. Nhìn các em, tôi thấy rằng, cuộc sống các em không tồn tại sự khiếm khuyết.

Bà Trần Thị Bích Âm - Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh cho biết: “Hiện trường có 132 em đang theo học, được xếp theo lớp: chậm phát triển, khiếm thị và khiếm thính. Tuy các em bị khuyết tật nhưng rất ngoan và chịu khó. Như các em chậm phát triển khi mới vào lớp thì quấy khóc, hiếu động, đầu óc các em như trang giấy trắng. Nhưng theo học ở trường một thời gian thì các em có sự tiến bộ, làm theo lời thầy cô, biết chào hỏi, nghe lời người lớn hơn. Đối với các em bị khiếm thị thì khi vào trường các em không biết định hướng, không biết đọc, viết chữ, làm toán… Sau thời gian học tập, các em đều cố gắng và có tiến bộ rõ rệt. Trường có lớp nội trú, các em ở nội trú có thể tự vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nơi ở, giặt quần áo… Các em khiếm thính thì khi vô trường không thể giao tiếp với mọi người, nhưng sau thời gian, các em có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, tự tin, vui vẻ hơn. Sự tiến bộ của các em không chỉ nhờ vào giáo viên chịu khó dạy dỗ, hướng dẫn mà còn ở sự cố gắng chịu học của các em. Tôi nghĩ đó là điều đáng được đánh giá cao”.

Có dịp quan sát các lớp dạy trẻ khuyết tật, mới thấy được sự vất vả của các em khi tìm đến con chữ.

Có dịp quan sát các lớp dạy trẻ khuyết tật, mới thấy được sự vất vả của các em khi tìm đến con chữ, nhất là đối với các em bị khiếm thị. Tùy theo thị lực của các em, nếu không nhìn thấy hoàn toàn thì được học chữ braille (chữ nổi), còn thấy mờ thì học 2 loại: chữ sáng và chữ braille. Với người bình thường, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đẹp như lời ca trong bài hát Đôi mắt của cố nhạc sĩ Xuân Hồng: “Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời/ Để nhìn đời và để làm duyên...”. Nhưng đối với các em khiếm thị, các em “nhìn” đời bằng cách lắng nghe, chạm để cảm nhận và tưởng tượng; còn cái duyên của các em thể hiện qua sự lạc quan, yêu đời, hòa nhập với cộng đồng.

Đôi bàn tay được ví như là công cụ để giúp các em học chữ. Nhìn đôi bàn tay của các em cứ di chuyển thoăn thoắt sờ vào tờ giấy được viết chữ braille, còn miệng thì đọc không ngừng. Những em thấy mờ thì áp sát sách vào mắt, đưa quyển sách qua lại để đọc. Khi hỏi nhiều em về những khó khăn mình đang phải đối mặt, thì các em cười vô tư đáp nhanh: không thấy khó khăn gì hết; có thời gian đầu là khó việc giặt quần áo không biết sạch hay chưa, lấy nhầm quần áo bạn khi phơi chung thôi.

Thấy một bạn nhỏ đang chăm chú viết chữ braille, tôi đến bắt chuyện, em chào tôi bằng nụ cười trong veo, hồn nhiên. Hỏi ra được biết em tên Thạch Thành Nhân ở Kế Sách và em đã học ở trường 5 năm rồi. Năm nay đã bước sang tuổi 15 nhưng em nhỏ con so với các bạn nam chung lớp. Tuy bề ngoài không nổi bật nhưng thành tích học tập của em rất ấn tượng. Hàng tuần, vào buổi sinh hoạt dưới cờ sáng thứ 2, em thường được tuyên dương trước trường vì học tập tốt. Lúc nói chuyện, câu nào em cũng bắt đầu bằng chữ dạ và em tỏ ra rất vui, khoe với tôi nhiều điều: “Em học trong trường vui lắm, cô dạy em làm toán, học chữ, giờ em có thể đọc sách, làm được các phép tính nhiều số. Cô còn dạy em định hướng di chuyển, em không bao giờ đi sai đường, người nhà mà rước em về mà đi đường khác em biết liền”. Sau đó, em lấy ra một bông sen được nặng từ đất màu, em cười giới thiệu: “Cái này do em làm đó. Em sờ vô sản phẩm mẫu rồi tự tưởng tượng mà làm”. Nhìn tác phẩm của em, tôi nghĩ ai cũng sẽ như tôi cho rằng đây là đứa trẻ có hoa tay.

Tuy bị khuyết tật mắt nhưng em Thạch Thành Luân, học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh chơi đàn organ rất giỏi.

Nhiều em tuy bị khuyết tật nhưng lại có năng khiếu về ca hát, đàn, vẽ… Như em Thạch Thành Luân có năng khiếu chơi đàn organ. Tuy bị khiếm thị nhưng do thích nhạc cụ này nên em theo học. Học được 6 tháng thì em có thể đánh được giai điệu. Qua 4 năm tập luyện, giờ em có thể chơi thành thạo loại nhạc cụ này. Khi tôi có nhã ý muốn thưởng thức tài nghệ của em, em vui lắm, nhanh tay lấy đàn và đánh bài “Lời người khiếm thị”. Nhìn bàn tay em di chuyển nhịp nhàng trên các phím đàn, khiến tôi tin rằng rào cản của sự khiếm khuyết đôi mắt không là vấn đề đối với em, em có thể làm mọi việc vì em còn đôi tay và em có một trái tim đam mê, sự lạc quan, yêu đời. Không chỉ chơi đàn hay mà em còn dạy đàn organ cho bạn nào có cùng sở thích như em.

Nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng khi người ta bị khiếm khuyết một giác quan, các giác quan khác sẽ phát triển hơn như để bù lại sự mất mát, nhưng các cô giáo cho rằng đó không hoàn toàn là một quá trình bù đắp chức năng tự nhiên mà phải trải qua cả một quá trình luyện tập vất vả và tốn nhiều thời gian. Đối với trẻ khuyết tật, chơi thể thao đã khó nhưng chơi tốt thì càng khó hơn. Với em Trần Công Lập, tuy bị khiếm thính nhưng em luôn cố gắng luyện tập môn thể thao em yêu thích là cầu lông. Có mặt tại Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ VI năm 2015, em đã xuất sắc loại nhiều đối thủ để giành lấy huy chương đồng ở bộ môn cầu lông. Để có được thành tích này, em phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức, có lúc sức khỏe em không cho phép nhưng em vẫn không bỏ cuộc và ra sức luyện tập.

Gặp gỡ và tiếp xúc với các em, tôi nhận ra rằng sự khiếm khuyết trên cơ thể không có gì là đáng lo ngại, mà chỉ sợ những khiếm khuyết trong tâm hồn, khiếm khuyết về sự cầu tiến, vươn lên, vượt qua hoàn cảnh. Mỗi người đều được ban cho sự sống, vấn đề là bản thân sống như thế nào để có ích và ý nghĩa hơn mà thôi.  

Thế Bằng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: