• Đời sống xã hội

Huyện Trần Đề

Đẩy mạnh giảm nghèo qua phong trào thi đua yêu nước

08/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 08/08/2020 | 06:00

STO - Qua 5 năm thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (giai đoạn 2015 - 2020), huyện Trần Đề đã phát huy sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Điển hình là trong công tác giảm nghèo, huyện đã phát động thi đua “Trần Đề cùng cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn là cơ sở để thực hiện công tác giảm nghèo. Ảnh: SONG LÊ

Một trong những hướng chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là hướng đến việc hàng nông sản có đầu ra và phù hợp với điều kiện thực tế. Huyện Trần Đề đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đầu tư 25 mô hình nuôi bò, có 408 hộ tham gia dự án (trong đó có 331 hộ dân tộc thiểu số; 377 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo, 2 hộ mới thoát nghèo), tổng số vốn trên 4 tỉ đồng. Hình thành vùng chuyên canh rau màu (thị trấn Lịch Hội Thượng và các xã: Viên Bình, Viên An, Tài Văn, Trung Bình), vùng chăn nuôi bò sữa (các xã Tài Văn, Viên An, Thạnh Thới An).

Nhờ được định hướng và hỗ trợ vay vốn, bà con đầu tư nuôi bò sữa để tăng thu nhập. Ảnh: SONG LÊ

Điển hình cho mô hình chuyển đổi để vươn lên làm giàu là gia đình chị Sơn Thị Sà Phan, ở ấp Bờ Đập, xã Viên Bình. Năm 2012, khi nuôi heo không thuận lợi, chị đã chuyển sang nuôi bò sữa. Hiện nay, trong 12 con bò, có 6 con đang cho sữa. Bình quân 1 con bò cho sữa từ 13 đến 15 ký/ngày, với giá bán thấp nhất 10.000 đồng/ký, sau khi trừ chi phí, chị lời khoảng 4 triệu đồng/con/tháng. Có thu nhập ổn định, cuộc sống từng bước được nâng lên nên sắp tới chị Pha chuẩn bị xây căn nhà trị giá khoảng 500 triệu đồng.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, huyện Trần Đề đã triển khai được 57 cánh đồng (9 cánh đồng lớn và 48 cánh đồng mẫu), trong đó cánh đồng lớn xã Viên Bình trên 2.200ha. Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ luôn được duy trì và nhân rộng, diện tích từ 2ha đến nay đạt 169ha. Toàn huyện đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất với 98% diện tích sản xuất, 90% phun xịt bằng máy, 95% chủ động bơm tưới, 99% thu hoạch bằng máy; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất.

Những ngôi nhà mới khang trang là tín hiệu tích cực về đổi thay trong đời sống của nhân dân. Ảnh: SONG LÊ

Từ những định hướng thế mạnh sản xuất cho từng vùng, nhiều hộ nông dân ở Trần Đề đã có cơ ngơi vững chắc, thoát khỏi khó khăn, ông Lâm Ương, ở xã Viên Bình là một ví dụ. Theo lời ông Lâm Ương, từ năm 2000 đến nay, đất ruộng gia đình đều trồng lúa thơm từ ST5 đến ST24, ngay những lúc nhà có vài công đất nay đã tăng lên 80 công. Khi nói đến trồng lúa thơm ST, ông Ương kể về kỹ thuật canh tác như thuộc lòng, từ khâu chuẩn bị đất, ngâm giống, xuống giống và kỹ thuật bón phân đến cách nhận dạng bệnh, thuốc đặc trị bệnh trên thị trường, vì vậy nên lúa luôn đạt năng suất trên 1 tấn/công. Ông Ương chia sẻ: “Để có được cuộc sống khá giả và kinh nghiệm trong trồng lúa thơm thì vợ chồng tôi cũng đã trải qua những vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Khi mới ra riêng, vợ chồng ông chỉ biết đi làm thuê ở địa phương để trang trải cuộc sống qua ngày. Nhờ sự hỗ trợ vay vốn, định hướng mô hình kinh tế của chính quyền địa phương và sự quyết tâm mà gia đình tôi đã vươn lên khá giả như hôm nay”.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, huyện Trần Đề đã thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, các chính sách an sinh xã hội đầy đủ và kịp thời. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,35% đầu năm 2016 (tổng điều tra theo tiêu chí mới) xuống còn 2,21% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 3,13% theo tiêu chí mới (trong đó hộ Khmer nghèo giảm 4,09%).

SONG LÊ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: