• Đời sống xã hội

Điều trị nghiện gắn với lao động tạo thu nhập cho học viên

22/12/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 22/12/2018 | 06:00

STO - Hiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang tiếp nhận và điều trị nghiện cho 163 học viên. Khi số lượng người cai nghiện ngày càng tăng, cơ sở đang đẩy mạnh thực hiện một số công việc để học viên lao động cải thiện sức khỏe và có thêm thu nhập.

Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2018 đã phát hiện, xử lý 59 vụ, 111 đối tượng liên quan đến sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy (tăng 18 vụ, 25 đối tượng so với năm 2017). Đồng thời, ngành chức năng đang quản lý 1.520 đối tượng liên quan đến ma túy (tăng 332 người với cùng kỳ). Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, nếu vào cuối năm 2017 học viên cai nghiện có 49 người thì đến nay con số này đã tăng lên 163 học viên nhưng vẫn còn quá ít so với người nghiện ngoài cộng đồng.

Sau thời gian điều trị nghiện ma túy và ổn định sức khỏe, học viên được lao động tạo thu nhập tại khu dệt chiếu. 

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh sau khi tiếp nhận đối tượng sẽ tiến hành phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động, trị liệu, học nghề; phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Khi đã ổn định, học viên được phân công lao động theo sức khỏe. Hiện tại có khoảng 25 học viên làm việc tại khu dệt chiếu, gần 40 học viên làm ở khu gia công bàn, ghế mây, số còn lại lao động ở khu nấu ăn, khu chăn nuôi, trồng trọt hoặc đang trong giai đoạn cắt cơn, giải độc. Mỗi sản phẩm làm ra, học viên được hưởng 50% giá trị, phần còn lại sẽ đưa vào cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học viên và tu sửa cơ sở vật chất. Cơ sở cũng đang tiếp tục nghiên cứu để có thêm một số ngành nghề mới giúp học viên vận dụng tạo việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng. 

Tại khu dệt chiếu, không khí làm việc có phần sôi động, học viên làm việc rất thành thạo và nghiêm túc. Chia sẻ về công việc này, học viên N.H.K cho biết: “Lúc đầu cắt cơn rất mệt mỏi nhưng sau đó được lao động thì người em khỏe hẳn lên. Giờ em làm việc trong khu dệt chiếu, ở đây ai cũng như nhau nên khá thoải mái mà lại có thu nhập". K là một trong những người có thâm niên nghiện ma túy lâu nhất, 10 năm sử dụng là quãng thời gian quá dài đánh mất hết ước mơ, hoài bão. K cai nghiện bắt buộc 24 tháng, giờ mới gần một phần ba chặng đường. 

Học viên cai nghiện làm việc ở khu gia công bàn, ghế mây. 

Nơi làm bàn, ghế mây gia công được chia làm 2 khu nhằm tạo không gian rộng rãi cho học viên làm việc. Trò chuyện cùng học viên H.T.T, em cho biết lúc mới đưa vào cai nghiện bắt buộc tâm trạng vô cùng hoang mang, vì bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Giờ T vui vẻ và hoạt bát hơn hẳn. T bộc bạch: "Có khi đây cũng là điều tốt cho em vì nếu còn ở ngoài không biết đến khi nào mới dứt được cái chết trắng. Giờ tâm trạng em đã ổn định, tích cực lao động để có thu nhập chờ ngày tái hòa nhập cộng đồng”.

Để hỗ trợ người cai nghiện ngoài cộng đồng, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Sóc Trăng, huyện Long Phú thành lập "Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng" ở Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 6 (TP. Sóc Trăng) và thị trấn Đại Ngãi (Long Phú). Đến nay, 5 điểm này có 71 người đang và sau cai nghiện sinh hoạt, trong đó có 31 trường hợp tiến bộ không còn tái nghiện, tái phạm. Giới thiệu 16 người thật sự hoàn lương vay vốn phát triển kinh tế với số tiền 295 triệu đồng; giới thiệu học nghề, việc làm 12 thanh niên sau cai; hướng dẫn 6 người nghiện điều trị bằng thuốc thay thế Methadone và tư vấn giới thiệu các dịch vụ y tế cho 36 trường hợp. Mới đây, chi cục cũng phối hợp thành lập thêm 2 điểm mới tại Phường 4 (TP. Sóc Trăng) và Phường 1 (TX. Ngã Năm).

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích, hỗ trợ người nghiện ma túy tự nguyện tham gia cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện sau cai nghiện có cơ hội tốt nhất để tái hòa nhập cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Đề án thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện lần đầu không thu phí, giai đoạn 2018 - 2020. Kinh phí thực hiện Đề án gần 3 tỉ đồng gồm kinh phí thực hiện cai nghiện thí điểm 200 học viên và nâng cấp cơ sở vật chất. Hiện tại, nơi cai tự nguyện đã được sửa chữa khang trang, đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên, nhất là đảm bảo quá trình cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và chế độ sinh hoạt, lao động.

Đối với việc cai nghiện ma túy, ngoài sự hỗ trợ của cộng đồng thì mỗi người phải tự xây dựng cho mình một cuộc sống lành mạnh, hiểu rõ tác hại của ma túy, có ý thức cảnh giác trước những dụ dỗ, lôi kéo dẫn đến nghiện ma túy và nguy hiểm hơn là nhiễm HIV/AIDS. Cũng như bài học kinh nghiệm sâu sắc mà học viên N.P.H sau những lần cai nghiện và tái nghiện chia sẻ: "Tôi thấy thời gian cai nghiện dài hay ngắn không phải là vấn đề mà cốt lõi ở chỗ người sau cai nghiện có quyết tâm từ bỏ hay không. Nhiều người thời gian cai nghiện đến 24 tháng nhưng ý chí không vững vàng thì cũng tiếp tục quay trở lại con đường cũ. Cám dỗ bên ngoài là rất lớn, đặc biệt đối với ai một lần lầm lỡ thì lại dễ dàng sa chân hơn".

Phước Liêu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: