• Đời sống xã hội

Đối thoại chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo

06/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 06/11/2017 | 06:00

STO - Ngày 3-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo “Đối thoại chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo”.

Các đồng chí: Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng lao động - thương binh và xã hội, phòng dân tộc của 7 tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Dân tộc; Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện lãnh đạo các phòng lao động - thương binh và xã hội, phòng dân tộc, phòng nông nghiệp cấp huyện và lãnh đạo các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh.

Sóc Trăng có dân số trên 1,3 triệu người, trong đó: dân tộc Kinh chiếm 64,24%, Khmer chiếm 30,71%, Hoa chiếm 5,02%, dân tộc khác chiếm 0,03%. Do có lợi thế về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, có 72km chiều dài bờ biển với 3 hệ sinh thái mặn, lợ và ngọt, nguồn nước phát triển một nền nông nghiệp đa dạng. Với các sản phẩm chủ lực là trồng lúa và thủy sản. Ngoài 2 sản phẩm chủ lực này, Sóc Trăng cũng phát triển rất tốt các loại rau màu như hành tím, củ cải, cây công nghiệp ngắn ngày như mía. Bên cạnh đó, cây ăn trái cũng là một thế mạnh trên vùng ngọt của tỉnh do ít chịu ảnh hưởng lũ… 

Đồng chí Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giải đáp những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của đại biểu.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lương Minh Quyết khẳng định: “Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng xa của đất nước. Chương trình 135 là một trong những chương trình đã phát huy và đem lại hiệu quả cao, góp phần ổn định sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống người dân ngày càng khá hơn”.

Theo đồng chí Lương Minh Quyết, đối với tỉnh Sóc Trăng, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 15,32% (giảm 8,99% so với năm 2010, tương đương thoát nghèo 27.639 hộ), nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đã được người dân sử dụng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp cải thiện cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Hiện tại, tỉnh Sóc Trăng còn 29 xã đặc biệt khó khăn được ưu tiên triển khai Chương trình 135, có 158 khóm, ấp thuộc diện ưu tiên đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 và 14 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn, qua hội thảo, các chuyên gia cấp Trung ương hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện giúp cho công tác quản lý nhà nước các cấp từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã triển khai thuận lợi, góp phần triển khai có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển sản xuất.

Ông Tạ Hữu nghĩa - Trưởng Phòng Giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng chia sẻ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, với nhiều dự án, tiểu dự án như: hỗ trợ phương thức sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo ở huyện nghèo, xã bãi ngang, xã thuộc Chương trình 135 và xã ngoài Chương trình 135, 30a… các văn bản hướng dẫn thực hiện; việc lập kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; tổ chức thực hiện xây dựng và thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo… Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc giúp người dân hiểu rõ chính sách, được sự hỗ trợ, được tư vấn làm kinh tế, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi… của các cấp, để vươn lên, cải thiện đời sống.

Các đại biểu đại diện sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng lao động - thương binh và xã hội, phòng dân tộc của các tỉnh và đại diện các xã nghèo cũng đã nêu lên thực trạng khó khăn, bất cập trong triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, như: việc chỉ ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện dự án hỗ trợ phương thức sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, còn những hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo phải tự bỏ tiền để thực hiện dự án là chưa phù hợp, dễ sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo; nguồn vốn phân bổ hàng năm trễ nên việc triển khai thực hiện dự án chậm; nguồn vốn hỗ trợ phương thức sản xuất hàng năm còn ít, so với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã, tỷ lệ hộ thoát nghèo và cận nghèo không nhiều…

Kết thúc hội thảo, đồng chí Ma Quang Trung đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các đại biểu và giải trình một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thuộc thẩm quyền và ghi nhận các ý kiến đề xuất có liên quan đến các thông tư, quy định của các bộ, ngành Trung ương, sẽ phối hợp giải đáp, nhằm giúp các địa phương tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. 

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: