• Đời sống xã hội

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

19/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 19/10/2020 | 06:00

STO - Con đường khởi nghiệp đối với các bạn đoàn viên, thanh niên chưa bao giờ là dễ dàng. Chính vì thế, nhiều bạn trẻ đã rời bỏ quê hương đi làm ăn xa. Tuy nhiên, với sự đồng hành của các cấp bộ đoàn trong tỉnh, vẫn có nhiều bạn trẻ chọn lựa ở lại quê nhà, quyết tâm khởi nghiệp, từ những nguồn vốn nhỏ ban đầu, nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại thu nhập khá cao.

Chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp

Anh Lâm Sơn Hải là đoàn viên ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú (Long Phú) quyết định trở về quê vay vốn 30 triệu đồng để chăn nuôi bò phát triển kinh tế. Ảnh: CHÍ BẢO

Với thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp, nhiều thanh niên ở nông thôn lựa chọn mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp. Anh Lâm Sơn Hải là đoàn viên ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú (Long Phú), gia đình không có đất sản xuất, anh xa quê đi TP. Hồ Chí Minh làm thuê được 10 năm nhưng cũng không dư dả gì. Thấy quê mình đồng ruộng rộng, thích hợp để chăn nuôi bò, anh Hải quyết định trở về quê vay vốn ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng mua 2 con bò nuôi. Hàng ngày, hai vợ chồng anh Hải cắt cỏ cho bò ăn, đến nay đàn bò của anh đã phát triển được 5 con bò cái, anh Hải xây dựng thêm chuồng trại để phát triển đàn bò trong thời gian tới. Còn anh Phòng Phú Thịnh, ở ấp Đại Thành, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) đã có gần 5 năm kinh nghiệm nuôi bò lấy sữa. Với khao khát lập thân, lập nghiệp, anh Thịnh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tự tìm tòi học hỏi, hiện nay anh có 8 con bò và 3 con đang trong quá trình cho sữa, trung bình mỗi ngày anh vắt từ 30 đến 35kg sữa, 1kg có giá khoảng 14.000 đồng, một tháng anh thu về từ 10 đến 15 triệu đồng.

Cũng là chăn nuôi nhưng với anh Nguyễn Thanh Điền, ở ấp Hòa Nhờ B, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên) chọn mô hình nuôi cua, đây được xem là một hướng đi mới khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh Điền cho biết: “Ban đầu, tôi thả nuôi 2.000 con cua giống với chi phí khoảng 600.000 đồng, nguồn thức ăn cho cua chủ yếu là cá và ốc tự đi bắt nên không tốn khoản chi phí này, trong vòng 3 tháng rưỡi là có thể xuất bán, sau khi thu hoạch thu về hơn 15 triệu đồng”. Theo anh Nguyễn Thanh Điền, bên cạnh những thuận lợi, thì số lượng cua hao hụt từ khi bắt đầu thả giống cho đến khi thu hoạch là tương đối lớn, bình quân 1.000 con thì chỉ còn hơn 300 con đến thời điểm thu hoạch, ao nuôi bị dơ và phèn là nguyên nhân làm cua bị chết.

Sự quan tâm đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên của các ngành, các cấp và các cấp bộ đoàn đã đưa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên đạt được nhiều kết quả nổi bật với đa dạng các mô hình kinh tế, không chỉ giúp cho thanh niên thoát nghèo, vươn lên khá giàu mà còn góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.

Nhiều thanh niên có ý tưởng Khởi nghiệp mới

Anh Tạ Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội LHTN thị trấn Châu Thành (Châu Thành) thấy hiện nay nhu cầu sử dụng trang trí nội thất bằng gỗ của người dân rất cao nên chọn học nghề mộc để khởi nghiệp. Ảnh: CHÍ BẢO

Điển hình như anh Tạ Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội LHTN thị trấn Châu Thành (Châu Thành), sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh chọn học nghề làm mộc, sau 2 năm học nghề, anh về lập gia đình và mở xưởng mộc tại nhà. Hiện nay, mỗi năm anh thu nhập trên 100 triệu đồng từ các đơn đặt hàng làm cửa gỗ, trang trí nội thất bằng gỗ. Anh Tạ Thanh Tuấn chia sẻ: “Tôi thấy hiện nay nhu cầu sử dụng trang trí nội thất bằng gỗ của người dân rất cao nên tôi học nghề mộc. Tôi được Đoàn Thanh niên thị trấn Châu Thành tạo điều kiện vay vốn được 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, tôi đầu tư mua máy phun sơn, máy xẻ gỗ để phát triển nghề mộc, tôi cũng đang đào tạo cho 4 thanh niên địa phương học nghề này”. Còn anh Lý Sơ, ở ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) được ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, anh đã đầu tư nuôi dế. Anh Lý Sơ cho biết: “Sau khi tìm hiểu qua internet, tại một số trang trại chăn nuôi, năm 2017, tôi khởi nghiệp nuôi dế tại nhà. Thời điểm đầu, tôi mua 4 khay dế giống khoảng 1,6 triệu đồng, đến nay tôi nhân giống được 25 lồng, mỗi tháng thu hoạch khoảng 100kg dế, dế làm mồi câu, làm thức ăn cho chim là 50.000 đồng/kg; dế thương phẩm có giá 200.000 đồng/kg, mỗi tháng thu nhập được 5 triệu đồng”.

Anh Lý Sơ, ở ấp Đắc Thế, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) được ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, anh chọn ý tưởng đầu tư nuôi dế cho thu nhập ổn định. Ảnh: CHÍ BẢO

Còn anh Nguyễn Minh Tùng, ở ấp Trường An, xã Trường Khánh (Long Phú) khởi nghiệp từ mô hình nuôi ong lấy mật. Mô hình này đã giúp anh đạt giải nhì trong cuộc thi Tuyển chọn ý tưởng khởi nghiệp lần thứ I năm 2017 do Tỉnh đoàn Sóc Trăng tổ chức. Anh Nguyễn Minh Tùng từng học công nghệ thông tin nhưng anh không chọn công việc theo chuyên ngành đã học, mà lại gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật. Từ thực tế nhu cầu sử dụng mật ong ngày càng tăng, trong khi mật ong ngoài thị trường chất lượng và độ tin cậy chưa cao, anh Tùng đã nuôi ý tưởng làm mật ong hữu cơ đảm bảo chất lượng, vệ sinh, không bị nhiễm đường và thuốc bảo vệ thực vật, thông qua việc chọn khu vườn của gia đình với nhiều loại cây ăn trái, làm môi trường sống, nuôi dưỡng đàn ong lấy mật. Anh Tùng cho biết: “Hiện nay trên thị trường bày bán mật ong rất đa dạng, nhưng để tìm nguồn mật ong bảo đảm về chất lượng thì rất khó. Từ đó, tôi có ý định nuôi ong để lấy mật dùng trong gia đình. Dần dần thấy mô hình nuôi ong lấy mật cũng khá đơn giản, ít tốn kém chi phí, nên tôi quyết tâm tìm hiểu và nhân rộng ra”. Mạnh dạn thực hiện mô hình từ năm 2015, bước đầu, anh Tùng tìm mua con giống ở huyện Kế Sách và làm 1 thùng gỗ có các khay và hộp nhỏ để ong có thể làm tổ, cho mật. Từ hiệu quả ban đầu khi sau 1 tháng thu được khoảng 2 lít mật nguyên chất với hương vị thơm ngon, anh đã từng bước đầu tư thêm. Đến nay, khu vườn đã có 30 thùng nuôi ong, với khoảng 1.500 hộp để ong làm tổ, mỗi tháng thu được khoảng 60 lít mật, đảm bảo chất lượng, với giá bán từ 400.000 đến 600.000 đồng/lít. Theo anh Tùng, lúc đầu khởi nghiệp chủ yếu chỉ là nguồn vốn tự tích lũy. Đến khi nhân rộng mô hình thì anh phải huy động thêm nguồn vốn từ bạn bè. Hiện nay, anh đang tự nghiên cứu và tham khảo thêm các mô hình nuôi ong mật trong và ngoài tỉnh, để thực hiện mô hình nuôi ong mật hữu cơ.

Đồng chí Đặng Tấn Giang - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp trong nhiều năm qua mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên. Theo đó, tổ chức đoàn không chỉ làm cầu nối cho thanh niên vay vốn, mà còn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Qua phong trào lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, làm ăn hiệu quả. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên dương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực, trong đó lồng ghép tuyên dương trên 30 mô hình, thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Qua đó, tiếp tục động viên, thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển có hiệu quả, đi vào thực chất đời sống của thanh niên, kêu gọi các tổ chức tiếp tục hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đang hoàn chỉnh Đề án “Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp” trình lãnh đạo tỉnh xem xét để tạo nguồn vốn hỗ trợ cho phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

CHÍ BẢO

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: