• Đời sống xã hội

Phóng sự

Đường về quá chén - Kỳ 2

05/10/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: TNK
  • Thứ Bảy, 05/10/2019 | 06:00

Để rượu bia không còn là nguyên nhân của tai nạn giao thông

STO - Người tham gia giao thông đều biết rõ “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Thế nhưng, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân là người điều khiển phương tiện giao thông không kiểm soát được tay lái vì... quá chén.

Bắt nguồn từ sự không giới hạn

Tìm cái gốc của vấn đề lái xe đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì nhận thấy rằng, hiện nay việc sử dụng rượu bia là khá phổ biến và có thể nói là dễ dãi đối với không ít người, từ chuyện vui, buồn, đến hiếu hỉ... Thêm một vấn đề nữa là đối tượng sử dụng rượu bia không giới hạn độ tuổi, đâu đó dễ dàng bắt gặp những cô cậu học sinh, sinh viên vô tư uống rượu bia với bạn bè. Phương tiện di chuyển của mọi người dùng là xe máy, chứ không dùng phương tiện công cộng, vì vậy, sau tiệc vui thì mỗi người phải tự điều khiển phương tiện trở về nhà. Cũng không ít trường hợp, kết thúc “tiệc nhậu” ở nơi này lại lái xe đến nơi khác nhậu tiếp, nhiều quán nhậu chiều khách, hoạt động quá 12 giờ đêm, để khách “nâng ly” thỏa thích, không giới hạn thời gian.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Vì vậy, mỗi lái xe không nên chủ quan, phía trước tay lái là sự sống. Ảnh minh họa: M.T

Thực tế thấy rằng, khi phát hiện chốt đo nồng độ cồn hoặc tổ tuần tra, kiểm soát dừng một điểm kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm thì người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia thường có biểu hiện trốn tránh việc kiểm tra, xử lý bằng cách quay đầu, tăng tốc, điều khiển xe đi hướng khác. Điều đó vô hình trung lại gây nguy hiểm cho chính mình và những người tham gia giao thông vì quá chén khó làm chủ tay lái.

Thêm nữa, hành vi vi phạm diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây đối với người quá chén là không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông. Có hành vi cản trở, lăng mạ, không chấp hành việc đo nồng độ cồn hoặc không xuất trình giấy tờ, không khai họ tên, địa chỉ, sau đó tự ý bỏ đi nơi khác để cho tổ công tác tạm giữ phương tiện.

Không để rượu bia là nguyên nhân của tai nạn giao thông

Tại tỉnh Sóc Trăng, nếu xét đến con số lực lượng chức năng phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn vượt quá quy định so với tổng số các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông thì chỉ chiếm con số không cao, khoảng 2,5%. Số vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn thì không đáng kể. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, xem nhẹ, cần tìm giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

Thượng tá Đinh Thanh Phong - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông, trong đó tuyên truyền người dân nâng cao ý thức đã uống rượu bia thì không lái xe. Hình thức và nội dung tuyên truyền có sự đổi mới, trọng tâm, trọng điểm. Đơn vị cũng phối hợp cơ quan có liên quan tổ chức công khai hóa, xét xử lưu động đối với các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn vượt mức cho phép, đồng thời có hành vi vi phạm như cản trở, gây rối, chống người thi hành công vụ nhằm răn đe, phòng ngừa chung. Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát chuyên đề về nồng độ cồn vào ban đêm ở các tuyến đường trọng điểm, điểm phức tạp về an toàn giao thông”.

Khi màn đêm buông xuống, tại các quán nhậu người vào người ra tấp nập. Đằng sau đó, họ lái xe về nhà sau khi đã sử dụng rượu bia. Ảnh minh họa: TNK

Không riêng gì ngành chức năng, hiện nay một số quán nhậu, nhà hàng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng, nhận giữ xe và gọi xe đưa khách hàng về tận nhà. Trong cộng đồng cũng lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu bia – không lái xe”. Ngày 12-5-2019, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra một cuộc đi bộ với sự tham gia của hàng nghìn người, nòng cốt là thành viên của group Facebook “Cấp 3 khóa 91-94 toàn Hà Nội” nhằm kêu gọi mọi người cùng hành động “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Trong cộng đồng mạng truyền đi thông điệp kêu gọi cộng đồng “Nói không với rượu bia khi lái xe!” hoặc “Say xỉn lái xe là tội ác”; nhiều phương tiện tham gia giao thông cũng dán miếng đề can nhỏ in dòng chữ “Đã uống rượu bia - không lái xe”…

Các giải pháp, phương thức thực hiện chung quy cũng là “đánh thức” ý thức của người tham gia giao thông và kêu gọi sự đồng nhất trong suy nghĩ và hành động của mọi người. Sự vào cuộc của lực lượng chức năng, sự chung tay của cộng đồng chỉ phần nào tác động ở mức độ nhất định, còn thực hiện vẫn là tự bản thân của mỗi người. Vừa qua, các ngành chức năng, chuyên gia cũng đưa vấn đề này bàn luận và nhiều ý kiến cho rằng nên tăng mức phạt những người vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông… Như vậy, họ xác định chủ thể gây ra vấn đề vẫn là con người và việc tăng mức phạt chung quy cũng là muốn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nói không với rượu bia khi lái xe.

Sau mỗi tiệc vui với bạn bè, khi quá chén say rồi sẽ tỉnh lại. Thế nhưng, những nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã sử dụng rượu bia liệu họ có được tỉnh lại không? Câu trả lời xin nhường lại cho người quá chén vẫn gượng lái xe về nhà.

TNK

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: