• Đời sống xã hội

Hiệu quả từ các dự án tín dụng tiết kiệm

02/03/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 02/03/2021 | 06:00

STO - Năm 2020, các cấp hội trong tỉnh tập trung vận động phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình. Để đáp ứng yêu cầu về vốn, các dự án tín dụng tiết kiệm được hình thành và phát huy hiệu quả, tạo sự kết nối để phụ nữ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Hiện tại, Hội LHPN tỉnh quản lý và thực hiện Dự án Quỹ tình thương ở 20 xã thuộc các huyện Long Phú, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành, Thạnh Trị, Cù Lao Dung và TX. Ngã Năm; Dự án Cisde ở 2 xã thuộc các huyện Long Phú, Kế Sách; Dự án Vì sự phát triển phụ nữ ở 3 xã thuộc các huyện Long Phú, Mỹ Tú; Dự án Vì quê hương ở 1 xã thuộc huyện Kế Sách; Dự án Vệ sinh môi trường ở 12 xã thuộc các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú và TX. Ngã Năm. Tổng số vốn phát ra thực hiện dự án hơn 19,6 tỉ đồng, tỷ lệ thu vốn, lãi đạt 100%. Bên cạnh đó, để tạo nguồn vốn tự có giúp nhau phát triển kinh tế, các thành viên tham gia dự án đều tham gia hoạt động tiết kiệm, với tổng số tiền trên 2,6 tỉ đồng, đạt 178,5% kế hoạch năm.

Niềm vui của phụ nữ Khmer khi được tự làm chủ kinh tế gia đình. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Điển hình như chị Trần Kim Lệ, là thành viên tổ 1, thuộc ấp Tà Lọt C, xã Thạnh Trị (Thạnh Trị), tham gia dự án đã 3 năm. Trước đây thu nhập chính của gia đình chị chủ yếu nhờ vào làm lúa, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất, khi vào vụ chị phải mua phân, thuốc trả sau với mức lãi suất từ 5 - 7%. Từ khi được hỗ trợ vốn, chị chuyển đất ruộng sang trồng năn kết hợp nuôi cá đồng, hiện tại mỗi ngày bán khoảng 100kg năn, thu lợi hơn 600.000 đồng. Với công việc ổn định, chị mạnh dạn mở rộng diện tích, tạo việc làm cho 2 chị ở địa phương (nhổ năn hàng ngày).

Chị Phương Hồng Hà là thành viên tổ 8, ấp Phú Thành A, xã Phú Tâm (Châu Thành). Chị Hà có thâm niên tham gia Dự án Tín dụng tiết kiệm khá dài, từ năm 2012 đến nay. Chị cho biết, khi lập gia đình và ra riêng, cha mẹ cho được 1 công đất ruộng và 1 công đất vườn, cả hai vợ chồng phải làm thuê thêm mới đủ sống, nếu thất mùa, mất giá thì thiếu thốn trăm bề. Từ khi được tiếp cận vốn, được hướng dẫn cách làm ăn, chị thuê thêm đất trồng bắp, nhờ chịu khó, tiết kiệm, nên sau mỗi vụ gia đình cũng có dư chút ít. Đến nay, chị mua thêm 5 công ruộng và 1 công vườn trồng cây ăn trái, thuê thêm đất trồng bắp, trừ các khoảng chi phí mỗi năm chị có lãi từ 25 - 40 triệu đồng.

Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình khác của hội viên cũng mang lại hiệu quả, mỗi người có sự năng động, sáng tạo riêng, như: mô hình trồng củ cải trắng của Tổ phụ nữ Khmer trồng màu ở xã Lai Hòa (Vĩnh Châu); mô hình buôn bán nhỏ của Tổ phụ nữ Phường 5 (TP. Sóc Trăng)… Qua đó, hỗ trợ cho nhiều phụ nữ Khmer làm chủ kinh tế gia đình, tạo niềm tin trong hội viên.

Theo đánh giá của đồng chí Trần Thị Kim Phượng – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thành viên tham gia Dự án Tín dụng tiết kiệm đều thực hiện tốt từ công tác quản lý, nắm bắt tình hình, sử dụng đúng mục đích, hoàn vốn, lãi đúng thời gian, thu hút trên 3.000 hội viên tham gia. Từ thực tế cho thấy, Dự án Tín dụng tiết kiệm đã góp phần mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình cho một số hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn (năm 2020 có 66 hội viên thoát nghèo bền vững khi tham gia dự án), góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hội ở cơ sở.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: