• Đời sống xã hội

Hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng phải đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách

01/05/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Nhất Huy
  • Thứ Sáu, 01/05/2020 | 06:00

STO - Dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đời sống người dân, tình hình sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ quyết định thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Địa phương vận động tặng gạo, nhu yếu phẩm để giúp đỡ cho những người bán vé số lẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhất Huy

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và các nước. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm trong ngắn hạn và tình hình có thể phức tạp hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ quyết định thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nhóm đối tượng chính được thụ hưởng...

Đây là chính sách an sinh lớn có đến 7 nhóm đối tượng được thụ hưởng. Cụ thể như: Hỗ trợ người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; mức hưởng hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Thời gian hỗ trợ tính theo tháng (đủ 30 ngày). Trường hợp có ngày lẻ được làm tròn theo nguyên tắc: thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng, dưới 15 ngày thì không tính.

Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Đối tượng hỗ trợ là người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước 50% lương ngừng việc cho người lao động được vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội để trả phần lương còn lại cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6-2020. Lãi suất vay vốn 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Người sử dụng lao động vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm dừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thời gian hỗ trợ là thời gian tạm ngừng kinh doanh thực tế, nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ hàng tháng; tối thiểu 1 tháng và tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng, kể từ tháng 4-2020 đến tháng 6-2020.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hưởng trợ cấp là 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Còn đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo trong danh sách hộ nghèo đã được phê duyệt qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31-12-2019 của địa phương. Mức hỗ trợ là 250.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng, từ tháng 4-2020 đến tháng 6-2020.

Nếu người hưởng thuộc nhiều đối tượng thuộc nhiều chính sách khác nhau sẽ được chọn và hưởng một chính sách cao nhất. Ảnh minh họa: Nhất Huy

Trong thực hiện chính sách hỗ trợ cần được giám sát chặt chẽ

Để gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng được triển khai kịp thời, không xảy ra việc trục lợi, chiều ngày 27-4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 42, Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kịp thời đến đúng đối tượng, Mặt trận Tổ quốc các cấp và ngành LĐ-TB&XH, các bộ, ngành có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền rộng rãi, phân công cụ thể, hướng dẫn rõ ràng triển khai bài bản, kết quả công khai. Để gói 62.000 tỉ đồng được triển khai kịp thời, không xảy ra tiêu cực, thì kinh nghiệm của Mặt trận Tổ quốc trong rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng. Ở cơ sở việc làm đúng, làm sai nhân dân đều biết, cần phát huy tính dân chủ để người dân phản ánh.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, để triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, giao cho Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thống kê các đối tượng cần hỗ trợ; đồng thời giao cho Sở Tài chính chuẩn bị nguồn tài chính để đáp ứng ngay yêu cầu của Nghị quyết số 42 cũng như tuân thủ theo quy trình hướng dẫn của Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh xác nhận, phê duyệt đối tượng hưởng chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc và thực hiện cho vay vốn đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương ngừng việc (phần còn lại) cho người lao động theo quy định. Tổng hợp, báo cáo về việc cho người sử dụng lao động vay trả tiền lương ngừng việc cho người lao động gửi Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm thống kê, báo cáo số lượng hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh trong thời gian từ ngày 1-4 đến ngày 30-6-2020 gửi Sở Tài chính tổng hợp vào tổng nguồn kinh phí hỗ trợ chung của tỉnh. Đồng thời chịu trách nhiệm hướng dẫn cấp cơ sở việc xác định đúng đối tượng, quy trình thực hiện.

Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai, thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người lao động và người sử dụng lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19. Rà soát, xác định, phê duyệt danh sách, số lượng doanh nghiệp, người sử dụng lao động có người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Cung cấp danh sách, số lượng người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Sở LĐ-TB&XH để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Báo cáo số liệu chung về Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính, trình UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng LĐ-TB&XH cùng cấp rà soát, xác định và cung cấp danh sách, số lượng các đối tượng người lao động quản lý được quy định theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ để triển khai các chính sách hỗ trợ.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thông báo và tổng hợp danh sách, số lượng doanh nghiệp, người sử dụng lao động có người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, gửi Sở LĐ-TB&XH tổng hợp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện về công tác tổ chức chi hỗ trợ cho các đối tượng do địa phương quản lý; đảm bảo kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Chỉ đạo chung đối với các ngành liên quan cùng cấp, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát, thống kê chính xác đối tượng trên địa bàn, lập danh sách các đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo thẩm quyền quản lý, đồng thời tổng hợp số liệu, danh sách gửi Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt và quyết định hỗ trợ theo từng đối tượng quy định. Thành lập tổ giúp việc gồm các ngành liên quan để chỉ đạo việc rà soát, lập danh sách đối với các nhóm đối tượng, đảm bảo đúng đối tượng, không bị trùng lắp trong quá trình xét duyệt và chi trả…

Nhất Huy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: