• Đời sống xã hội

Làm báo trong chiến tranh

21/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 21/06/2019 | 06:00

STO - Là một nhà báo địa phương đã từng đi qua trong chiến tranh, dù cuộc chiến ấy đã qua đi ngót 44 năm rồi. Ấy thế mà trong tôi vẫn luôn nhớ mãi, nhớ mãi những năm tháng đương đầu trong khốc liệt, những năm tháng nằm hầm ngủ bụi, chết sống được tính từng giờ từng ngày.

Tôi có hạnh phúc lớn là đã vượt qua những ngày tháng khốc liệt đó và giữ gìn thân thể trọn vẹn cho tới ngày giải phóng. Và hơn thế nữa, là đã qua 44 năm sống trong thời hòa bình, nếu không muốn nói là thời kỳ vàng son thì cũng không phải là quá tồi, vậy mà hôm nay sức khỏe vẫn còn kha khá, có thể còn thêm thời gian nhìn thế kỷ này. Như vậy, nghĩ ra mình cũng còn hạnh phúc hơn nhiều người, họ mất trong chiến tranh đã đành, có người mất đi năm ba tháng thì đất nước giải phóng, thậm chí có người mất trong ngày 30-4. Tôi chứng kiến một anh bạn ngã xuống trước mặt tôi, chỉ vài giờ sau thì miền Nam và quê hương hoàn toàn giải phóng. Thật quá đau lòng và tiếc nuối!

Ngày chiến tranh tôi may mắn là được làm báo, được bôn ba và sống ở rất nhiều địa phương khác nhau. Đương nhiên cũng từng quen biết và thân thiện với nhiều cô bác, anh chị và bạn bè Sóc Trăng – Bạc Liêu. Trong công tác và chiến đấu vào sinh ra tử biết bao lần, có nhiều trận tưởng mạng sống không còn, tất nhiên cũng chính vì vậy mà vốn sống cũng thu nhận không ít. Người trong nghề thường nói vốn sống là cái quý báu nhất của người viết văn, làm báo từ ngày xưa cho đến bây giờ.

Nhớ những ngày công tác và chiến đấu trên vùng đất Mỹ Xuyên khói lửa, có biết bao kỷ niệm buồn vui. Trong ba lô và chiếc thùng đạn đựng đồ dùng hàng ngày của tôi lúc nào cũng có giấy, viết, chiếc võng, tấm vải dù bông và tấm vải cao su. Lúc nào cần nghỉ ngơi thì có sẵn võng, không có cây mắc võng thì trải tấm vải cao su nằm nghỉ. Lúc nào viết thì có sẵn giấy, viết; chỗ ngồi viết thường là chiếc thùng đạn kê lên cái ba lô hoặc cứ lấy sổ bìa dày kê lên đùi mà viết. Đang làm việc nghe tiếng máy bay giặc liền thu dọn nhanh chóng vào ba lô, thùng sắt, nhất là biết chắc giặc càn thì cấp tốc đem ba lô thùng sắt cất giấu chớp nhoáng. Làm báo thời bình có khi còn bị tai nạn nghề nghiệp huống chi trong chiến tranh. Đã có lần bom pháo giặc nổ ngay chỗ chôn giấu đồ đạc và chiếc thùng đựng “đồ nghề” của tôi đã tan tành nhiều mảnh. Rủi ro lần đó có một bài báo viết sắp xong đã bị hủy. Hôm sau phải gửi bà con đi chợ mua giấy viết và cắm đầu viết lại. Thường thường viết lần thứ hai không thể nào ưng ý như lần đầu. Sự tiếc nuối rồi cũng qua đi... chiến tranh mà biết làm sao.

Phóng viên Báo Chiến Đấu phỏng vấn Anh hùng LLVT nhân dân Lâm Tương. Ảnh: Tư liệu truyền thống kháng chiến tỉnh Sóc Trăng

Những tháng ngày ở Mỹ Xuyên còn biết bao lần chết hụt. Có lúc tôi cho là con người ta có số mạng, nếu không có lẽ tôi bị chết biết bao lần. Tôi nhớ chuyện tôi và Năm Hoàng, lúc đó anh đang phụ trách đội ca múa huyện và kiêm luôn đội tuyên truyền xung phong huyện nhà. Ngày đó, chúng tôi đang ở ấp Tam Hòa, xã Gia Hòa. Đây là một vùng hẻo lánh, do bom đạn giặc tàn phá cây cối xác xơ, xóm làng tiêu điều, do dân chạy ra chợ nhà cửa bỏ hoang. Chỗ anh em tôi ở là một khu vườn rộng. Sáng ra cũng như mọi ngày, tình hình yên tĩnh sau khi cơm nước xong, Năm Hoàng cho các em nam nữ của đội tản ra các nơi bám hầm, còn “chỉ huy sở” chỉ có Năm Hoàng và tôi. Hai đứa mắc hai chiếc võng nằm gần nhau rồi lấy truyện Kiều ra đọc, cùng thưởng thức và bình (bình theo kiểu hiểu sao nói vậy đấy mà). Thời chiến mà có những phút cũng thú vị đó chứ? Nhưng khoảng 10 giờ trưa, hai đứa đang say sưa truyện Kiều bỗng con “đầm già” bay vào lúc nào không ai để ý, đến khi nghe một tiếng “cão đùng” thì hồn vía hai người lên mây, vì nó đã chọn điểm ném bom rồi, tích tắc sẽ tới. Thôi thì nhào xuống đất gom lẹ, nào võng, nào Kiều vào thùng sắt rồi cấp tốc chạy ra công sự. Nhưng hai chiếc F105 đã ầm ầm lướt tới. Giờ công sự cũng không ra kịp, hai đứa nhảy đùng xuống sông. Con sông Tam Hòa không lớn nhưng khá sâu và nước chảy mạnh. Chúng tôi vượt qua sông, định tránh chúng sẽ ném bom bên này. Vừa cặp mé chui vào bụi lá dừa nước, Năm Hoàng mắc kẹt giữa hai cái bập bè, tôi với tay kéo ra thì một trái bom rơi sát bờ sông nổ ầm một tiếng long trời. Rất may là trái bom rơi trên bờ sông tuy cách hai đứa tôi chưa đầy 20m, vì vậy miểng bom chỉ phạt ngang hoặc bay bổng lên chớ không ghim chụp xuống. Hai anh em hú hồn hú vía thoát chết. Có chút kinh nghiệm hai đứa vội leo lên nằm ngay hố bom vừa nổ. Lâu nay nghe người ta truyền miệng rằng, loại phản lực này không bao giờ trút bom trùng nhau (tức trái sau chồng lên trái trước). Thật đúng như vậy, những đợt bom kế tiếp rớt dần xa đi, tan trận chúng tôi bơi về căn cứ, chia nhau tìm đồng đội, may quá tất cả đều an toàn, vậy là qua được một ngày, một ngày sống sót trong chiến tranh.

Cứ thế thời gian dần trôi đi, công tác, chạy giặc, tránh bom pháo... ngày này qua ngày khác, tôi sống trên đất Hòa Tú, Gia Hòa, Thạnh Quới, Ngọc Tố cả hai ba năm. Biết bao lần cái chết chực chờ trước mắt rồi cũng vượt qua.

Còn đi theo bộ đội, viết về bộ đội thì cũng mấy lần thập tử nhất sinh. Hồi chưa về TX. Sóc Trăng và Mỹ Xuyên, có lần đi theo Tiểu đoàn Phú Lợi theo phân công của tòa soạn, nhất là lần tiểu đoàn đánh chiếm Khu Hành chánh thuộc Chi khu Ngã Năm, tôi tưởng đã “anh dũng” hy sinh rồi chớ. Dạo đó khoảng tháng 10-1969, tiểu đoàn đóng quân vùng Ngan Kè qua Xẻo Trích, xã Vĩnh Quới, huyện Thạnh Trị. Tôi đã theo tiểu đoàn nhiều ngày rồi mới chuyển về đây đóng quân. Thông thường các phóng viên theo bộ đội viết bài thì ở chung với sở chỉ huy cao nhất. Tôi lại khác, bởi nghĩ là các anh chỉ huy chỉ nắm cái chung, có kể chuyện cũng kể chung chung, đại khái kể tổng quát mà thôi. Còn gặp trực tiếp người lính thì khác: sống với họ, cùng ăn cùng ngủ với họ, để lúc nào họ cũng có thể kể chuyện đánh giặc cho mình nghe, mà kể một cách tự nhiên với nhiều chi tiết đắt giá. Và nếu qua miệng người khác thì không được như vậy. Còn nếu chính mình trực tiếp nhìn họ đánh giặc lại là một vốn sống quý hơn cả.

Có nhiều lần vì muốn chính mình chứng kiến xem họ đánh trực tiếp, tôi đã liều lĩnh theo họ ra mặt trận, có vài lần chút nữa phải “hy sinh anh dũng”. Lần đầu tiên theo tiểu đoàn đánh Đồn Tà Ong ở huyện Châu Thành (xã nào không nhớ) không đáng kể, vì lần đó đánh ăn ngon, nổ súng chỉ hơn 10 phút là chiếm đồn rồi.

Cái đáng kể là lần đi theo tiểu đoàn đánh Khu Hành chánh Chi khu Ngã Năm, khoảng cuối năm 1969. Lúc bấy giờ tiểu đoàn về đóng quân ở Xẻo Trích, xã Vĩnh Quới, Thạnh Trị (giờ là Ngã Năm). Kế hoạch đánh khu hành chánh đã có cả tháng rồi, lúc lên phương án đánh họ cho phóng viên đến dự. Đồng chí Tư Lộc, tiểu đoàn trưởng trình bày phương án trước toàn quân, cả tiểu đoàn lặng thinh lắng nghe, tôi nhìn đồng chí Tư Lộc rồi nhìn các chiến sĩ, tôi biết chắc rằng, những giờ sắp tới đây sẽ có người ngã xuống. Ôi chiến tranh mà!

Mặt trời sắp lặn, đơn vị bắt đầu hành quân. Dạo ấy là mùa lúa sắp trổ đòng, nước mênh mang, đoạn đầu bộ đội đi bằng xuồng, khi đến điểm tập kết, xuồng phân tán và giấu kín, chuẩn bị đôi chân tiến vào mục tiêu. Nằm nghỉ ngơi chờ giờ trinh sát, bộ binh tiếp cận mục tiêu, lòng phập phồng hồi hộp. Tôi nghĩ, đêm nay không phải tiến công toàn chi khu mà chỉ là khu hành chánh (tức tề quận, xã). Mục tiêu lớn nằm phía bên kia sông, đó mới là nơi đọ sức cùng đại đội bảo an thứ dữ.

Suốt mấy tiếng đồng hồ chờ đợi rồi giờ G cũng đã tới. Tiếng bộc phá nổ vang lên, hòa theo các cỡ súng bên ta bên địch chọi nhau rền trời. Cuộc chiến kéo dài không lâu, nó thưa dần rồi ngưng hẳn, báo hiệu trận chiến thuận lợi. Chẳng bao lâu có lệnh mục tiêu đã chiếm lĩnh, tất cả cùng vào. Đêm đó tôi tháp tùng với bộ phận quân y, bộ phận tiếp nhận thương binh tử sĩ. Giờ trước lúc súng còn nổ, đã có thương binh và tử sĩ chuyển ra. Nhìn những người nằm trên cáng, sống có, chết có, lòng tôi nao nao, đời bộ đội sống đó chết đó, biết nói sao...

Tôi đã đặt chân vào tận khu hành chánh của chi khu giặc. Anh em chiến sĩ thu dọn chiến trường, tôi cũng hùa theo, vừa quan sát với con mắt nghề nghiệp vừa nhìn xem có gì lấy được thì lấy. Hồi đó tôi mang theo khẩu cạc bin M1 mà chỉ mấy viên đạn, nên khi gặp những thùng sắt chứa đạn trong kho quăng ra, thùng đạn cạc bin mở nắp thấy những viên đạn vàng chóe ham muốn chết. Tôi vơ lấy một thùng sắt lớn chứa tới 500 viên, nó nặng trịch chớ nhẹ đâu. Đúng là lòng tham (đạn cũng tham), phải chi lấy vài băng thì đủ dùng rồi, ham chi một thùng để rồi lãnh hậu quả.

Đến khi có lệnh rút tôi cũng rút theo. Ngay lúc đầu còn đi kịp họ, dần dần cự li cách xa hơn, bởi thùng đạn nặng quá mà đổ bớt ra thì không nỡ. Cứ thế, tôi càng bị tụt lùi đội hình, tới khi nhìn trước không thấy ai nữa. Lúc này địch cho pháo bắn đuổi theo đường rút quân của ta, trên trời thì chiếc cánh xéo quần đảo và bắn đại liên tủa xuống. Tôi chỉ cố bườn theo đường mòn mà bộ đôi đi trong ruộng lúa để lại. Đường càng đi đạn càng nặng, tôi phải đứt ruột mở nắp thùng đổ bớt đạn bỏ đi mà lòng tiếc nuối quá trời. May mà đường cũng không xa lắm, cuối cùng theo kịp chiếc xuồng chở tử sĩ ra sau cùng, bởi những xuồng trước đã ưu tiên cho thương binh. Thật hú hồn hú vía, suýt nữa bỏ mạng sa trường.

Lần đó tôi viết gởi về tòa soạn bài tường thuật còn nóng bỏng thuốc súng: “Tung hoành trong Khu Hành chánh Chi khu Ngã Năm”. Anh em ở nhà khen bài rất hay, tôi nghĩ bài có hay nhưng anh em đâu biết mình chút nữa đã bị nướng rồi. Lần ấy tôi cũng rút ra bài học máu xương về đi chiến trường phải như thế nào?

Thời gian thấm thoát từ ấy đến nay đã 50 năm rồi. Cuộc đời làm báo của tôi tính ra cũng hơn con số năm mươi năm, nhưng về nghề nghiệp, về kỷ niệm chiến trường thì vẫn nhớ mãi không bao giờ quên.

Thanh Phong

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: