• Đời sống xã hội

Một số biện pháp đảm bảo an toàn điện trong mùa mưa bão

10/08/2017 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Phương Anh
  • Thứ Năm, 10/08/2017 | 13:00

Đã thành thông lệ, hàng năm khi đến mùa mưa bão, nguy cơ rò rỉ điện trong gia đình do ẩm ướt, cây cối ngã đổ vào đường dây điện gây sự cố… có thể xảy ra, gây mất an toàn điện trong nhân dân.

Thực tập cấp cứu nạn nhân (mô hình) bị điện giật.

Thực tế qua nhiều mùa mưa bão cho thấy, thường có hai sự cố chính liên quan đến nguồn điện. Thứ nhất là mưa bão, dông lốc làm cây đổ ngã vào đường dây, các công trình kiến trúc làm đứt đường dây điện, gây mất điện trên diện rộng. Sự cố thứ hai là rò rỉ dòng điện trong hộ gia đình do các thiết bị điện dân dụng được sử dụng trong nhà không đảm bảo an toàn như rò rỉ điện ra tường, mái tôn khi trời mưa làm dẫn điện gây ra tai nạn.

Để phòng ngừa tai nạn điện trong mùa mưa bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng khuyến cáo người dân cần lưu ý những điểm sau: Trước mùa mưa bão, cần kiểm tra, sửa chữa hư hỏng của hệ thống điện trong gia đình; không lắp đặt thiết bị điện tại nơi có nguy cơ ngập nước hoặc ẩm ướt; khuyến khích mỗi gia đình nên lắp đặt thiết bị chống giật. Để tránh cháy nổ do điện, mỗi khi ra khỏi nhà phải tắt hết các thiết bị dùng điện không cần thiết. Đối với các thiết bị điện dân dụng cầm tay trong gia đình như: máy khoan, máy sấy, bàn ủi, bình đun nước… rất dễ bị rò rỉ điện, vì vậy người dân cần lưu ý để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng. Không tự ý sửa chữa điện khi không có kiến thức an toàn về điện. Phải cắt điện và treo biển cảnh báo tại vị trí cắt điện. Bên cạnh đó, các vật dụng thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn nước như: máy giặt, máy nước nóng… khi sử dụng cần có tiếp đất tốt để khi rò rỉ điện xảy ra, dòng điện sẽ dẫn xuống đất, không gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng, tuyệt đối không đứng dưới cột điện khi trời mưa hoặc lúc có dông tố, sấm sét; đặc biệt trong những ngày mưa bão, người dân cần hạn chế đi lại dưới những đường dây điện, cột điện, phòng trường hợp cây đổ ngã, gây ra tai nạn. Tuyệt đối không được băng qua và không cho vật nuôi lại gần khu vực cây ngã đổ, nơi có dây điện bị đứt, rơi xuống đường. Khi phát hiện sự cố trong gia đình, lập tức cắt ngay nguồn điện và không sửa chữa điện khi không đảm bảo an toàn. Trong các tình huống này, tốt nhất là nên báo với điện lực địa phương qua số điện thoại được ghi trên các hóa đơn tiền điện để nhân viên ngành điện đến kịp thời xử lý sự cố. Cũng theo lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng, người dân không nên đào đất gây sụt lún, sạt lở công trình điện như: gốc trụ, đường dây điện ngầm…; không tự ý cơi nới, xây dựng mới nhà ở, công trình gần lưới điện cao áp; không sử dụng phương tiện thi công cơ giới (xe cẩu, xe ben…) gần đường dây hoặc trạm điện và không lắp đặt ăngten, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo… tại các vị trí mà khi bị ngã, rơi có thể va chạm vào lưới điện.

Khi gặp trường hợp người bị điện giật, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, nhanh chóng để việc cứu người đạt kết quả tốt nhất. Khi bị tai nạn điện giật mà được cấp cứu nhanh, đúng phương pháp thì tỷ lệ cứu sống rất cao. Theo đó, khi thấy người bị điện hạ áp giật (mức điện áp sử dụng trong gia đình 220V) thì phải tìm mọi cách để tách nạn nhân ra khỏi mạch điện bằng cách cắt ngay áptomát, cầu dao… hoặc rút phích cắm điện dẫn điện đến vị trí người bị điện giật (khi cắt điện, nếu nạn nhân ở trên cao sẽ bị rơi xuống, vì vậy đề phòng chấn thương thêm sau điện giật); dùng gậy gỗ, tre khô, ống nhựa cách điện gạt dây điện hoặc đẩy nạn nhân để tách ra; đứng trên bàn, ghế hoặc tấm gỗ khô dùng tay kéo nạn nhân tách ra khỏi mạch điện. Lưu ý, tuyệt đối không chạm trực tiếp vào người nạn nhân, vì như vậy người đi cứu cũng bị điện giật. Khi người bị điện giật là mạch điện cao áp (mức điện áp ở các dây dẫn điện trên trụ điện cao thế ngoài trời là 22.000V) thì tốt nhất là báo khẩn cấp cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện theo các số điện thoại đường dây nóng của ngành điện.

Phương pháp cấp cứu ngay sau khi tách được nạn nhân ra khỏi mạch điện là khẩn trương đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí, nới rộng quần áo, thắt lưng và kiểm tra xác định tim mạch nạn nhân còn đập hay không bằng cách sờ vào mạch đập ở cổ, mạch đập ở bẹn đồng thời quan sát lắng nghe hơi thở nạn nhân. Nếu nạn nhân còn thở nhẹ, tim đập thì tiếp tục chăm sóc và mời y, bác sĩ. Nếu nạn nhân đã tắt thở, tim ngưng đập thì tiến hành làm phương pháp hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực theo cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, đẩy đầu lùi về phía sau. Người cứu đặt chéo 2 bàn tay lên ngực nạn nhân rồi ấn nhanh, mạnh, làm lồng ngực nạn nhân bị nén xuống. Ưu tiên việc ép tim ngoài lồng ngực 30 lần, tần số tim từ 100 - 120 lần/phút. Việc ép tim cần phải thực hiện ngay, kể cả khi nạn nhân còn ở vị trí chưa được thuận lợi nhưng có thể tiến hành ép tim được. Kiểm soát và làm thông đường thở, theo đó để cổ ngửa ra sau và đầu nghiêng về một bên. Dùng một hoặc hai ngón tay để móc đờm dãi và các dị vật làm cản trở đường thở của nạn nhân; đồng thời với động tác ép tim phải hà hơi, thổi ngạt, người cứu ngồi bên cạnh đầu, lấy một ngón tay bịt mũi nạn nhân, một ngón tay giữ cho mồm nạn nhân há ra, hít thật mạnh để lấy nhiều không khí vào phổi rồi ghé sát mồm nạn nhân mà thổi cho lồng ngực phồng lên (hoặc bịt mồm để thổi vào mũi khi không thổi vào mồm được).

Lưu ý phương pháp hà hơi, thổi ngạt bằng miệng (miệng là tốt nhất): Khi 1 người cứu, cứ 30 lần ép tim thì hô hấp nhân tạo 2 lần; khi 2 người cứu thì 1 người làm động tác ép tim, người còn lại thổi ngạt và cứ 30 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần liên tục. Phải thực hiện động tác ép tim và hà hơi, thổi ngạt liên tục, kiên trì cho đến khi có ý kiến của y, bác sĩ. Tuyệt đối không được cứu chữa bằng cách tưới nước hoặc đắp sình lên người nạn nhân.

Phương Anh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: