• Đời sống xã hội

Nghề vá lưới, sinh kế của phụ nữ vùng biển

26/10/2017 05:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Năm, 26/10/2017 | 05:00

STO - Người dân ở ấp Chợ, xã Trung Bình (Trần Đề) chủ yếu sống bằng nghề đi biển, do đó vá lưới thuê cũng là sinh kế của nhiều phụ nữ miền quê biển để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Theo kinh nghiệm của các chị, tùy theo mùa mà vá các loại lưới khác nhau. Vá lưới tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó. Trước khi vá phải cân mặt lưới cho thẳng thì mắt lưới mới đều và không bị trùng nhau. Chỉ với một con dao và cây ghim, dưới bàn tay khéo léo, các chị đã biến những tấm lưới rách thành lành lặn.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề vá lưới thuê, đối với cô Nguyễn Thị Nhường, đây là nghề đã nuôi sống gia đình. Trước đây, gia đình cô Nhường cũng như nhiều gia đình khác ở miền quê biển, không có ruộng đất, sống bằng nghề đi biển. Năm 1995, nhờ tích cóp nhiều năm, gia đình cô cũng mua được chiếc ghe nhỏ. Lúc đó, nghề đánh bắt thủy, hải sản đã mang lại thu nhập khá cho gia đình. Niềm vui chưa trọn vẹn, đến năm 2005, không may chồng cô bị bệnh tai biến, chiếc ghe cá là tài sản duy nhất của gia đình cũng phải bán để chữa trị bệnh cho chồng. Cô có 4 người con thì có 2 người bị bệnh, cách đây 3 tháng một người con đã mất vì ung thư gan. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay bất hạnh lại đè nặng lên đôi vai gầy gò của cô.

Năm nay, cô Nhường đã 50 tuổi, nhưng vẫn là lao động chính của gia đình. Nước da đen đã nhuộm màu nắng gió nhưng trên môi cô lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan. Đôi bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo vá đều đặn từng mắt lưới, cô Nhường trải lòng: “Tôi không có nghề nghiệp ổn định, cũng nhờ vá lưới thuê mà có tiền trang trải cuộc sống. Những ngày không đi vá lưới thì ai mướn gì làm đấy, có khi chạy cả xe ôm hay mua lưới cũ rồi bán lại. Năm 2013, giữa lúc khó khăn, tôi được ngân hàng chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng để xây dựng hầm ủ biogas và nuôi heo. Cũng nhờ vá lưới thuê mà tôi có tiền mua thức ăn cho heo. Năm 2016, tôi trả hết nợ ngân hàng, cuộc sống giờ ổn định, tôi vẫn đi vá lưới thu nhập cũng được khoảng 120.000 đồng - 150.000 đồng/ngày”.

Nhờ bàn tay khéo léo, các chị tỉ mỉ vá những tấm lưới rách thành lành, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển.

Rời nhà cô Nhường, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Trần Ngọc Mai cũng ở ấp Chợ với gần 40 năm gắn bó với nghề vá lưới thuê. Vừa tỉ mỉ vá lưới, chị Mai vừa trò chuyện: “Ngày trước, ở đây nhiều gia đình cũng duy trì nghề đan lưới nhưng chủ yếu nhận làm gia công. Để làm một giàn lưới mất rất nhiều thời gian mà thu nhập cũng không được bao nhiêu. Sau này, lưới được chủ tàu thường nhập trên thành phố về, nên tôi chuyển sang nghề vá lưới thuê. Nhờ vậy, mà có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học”.

Lấy vá lưới làm nghề mưu sinh nuôi sống gia đình, cô Thạch Thị Lạnh (66 tuổi) đã nuôi được 4 đứa cháu nội, ngoại ăn học. Cô Lạnh bộc bạch: “Tôi đi vá lưới từ năm 29 tuổi. Không có đất đai sản xuất lại lớn tuổi nên tôi thấy công việc vá lưới cũng nhẹ nhàng. Mỗi chuyến đi biển về lưới nhà nào bị rách là họ lại thuê đi vá. Mỗi tháng thu nhập cũng từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống của mấy bà cháu chúng tôi đã ổn định hơn nhiều”.

Trần Đề là huyện có thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Những năm gần đây, dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển. Song song đó, chính quyền địa phương cũng quan tâm đến việc phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Hội LHPN xã Trung Bình có rất nhiều mô hình giúp hội viên thoát nghèo, nổi bật là nghề đan, vá lưới được coi là chủ lực nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ. Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội và các chương trình, dự án khác đã giúp cho hàng trăm hộ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Bình Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết: “Để khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, giúp chị em có công ăn việc làm ổn định hơn, năm 2015, chúng tôi đã vận động các chị em phụ nữ có tay nghề trong việc đan, vá lưới để thành lập CLB “Phụ nữ đảm đang giúp chồng đi biển” tại ấp Chợ, với 20 thành viên. Khi tham gia CLB, các chị em rất phấn khởi vì có việc làm tại chỗ thường xuyên hơn. Từ đó, cuộc sống cũng dần ổn định, góp phần rất lớn vào mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Cũng nhờ có những người vá lưới chuyên nghiệp và tận tâm mà ngư dân vùng biển có đủ ngư cụ vươn khơi, bám biển”.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: