• Đời sống xã hội

Nội chính và cải cách tư pháp

Phiên tòa thân thiện, vì trẻ em

03/02/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 03/02/2019 | 06:00

STO - Ngày 15-10-2018, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao có Quyết định số 1822/QĐ-TCCB về việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên là 1 trong 4 Tòa chuyên trách thuộc TAND tỉnh. Để tìm hiểu thêm về những nội dung có liên quan, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có buổi trao đổi với bà Tăng Thị Thúy Nga - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND tỉnh.

Phóng viên: Bà vui lòng cho biết, Tòa Gia đình và người chưa thành niên có nhiệm vụ gì?

Bà Tăng Thị Thúy Nga: Hiện Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND tỉnh có 3 thẩm phán và 2 thư ký. Theo Điều 40 Luật Tổ chức TAND năm 2014, Tòa chuyên trách có nhiệm vụ chung là giải quyết sơ thẩm các vụ việc theo quy định pháp luật, phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật.

Trên thực tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ, việc: Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; các vụ, việc hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đối với người chưa thành niên.

Phóng viên: Bà có thể cho biết cụ thể, việc tổ chức xét xử của Tòa Gia đình và người chưa thành niên có gì mới so với những phiên tòa khác?

Bà Tăng Thị Thúy Nga: Khi xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác, tòa án phải thực hiện một số quy định mới. Cụ thể, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC, ngày 28-7-2017 của Chánh án TAND Tối cao quy định về phòng xử án. Khi đó, vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.

Theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 02/2018, ngày 21-9-2018 của Chánh án TAND Tối cao quy định, những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện thì thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của TAND (không mặc áo choàng). Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín. Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt, không xét xử lưu động đối với những vụ án hình sự có bị cáo, người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi.

Phóng viên: Việc bố trí tại phiên tòa xét xử của Tòa Gia đình và người chưa thành niên được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Tăng Thị Thúy Nga: Chánh án TAND Tối cao quy định, đối với việc xét xử người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) thì phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi. Mô hình mà TAND Tối cao đưa ra với phiên tòa hình sự sơ thẩm thông thường thì HĐXX ngồi ở bục cao nhất. Thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX. Đại diện viện kiểm sát và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, các đương sự ngồi đối diện nhau và ở phía dưới HĐXX. Thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.

Nhưng mô hình phiên tòa hình sự xét xử bị cáo dưới 18 tuổi được bố trí những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đều ngồi trên một mặt phẳng. HĐXX ngồi ở giữa; đại diện viện kiểm sát ngồi ở bên phải của HĐXX; thư ký phiên tòa ngồi ở bên trái HĐXX. Người giám hộ, người dưới 18 tuổi, luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi ngồi đối diện HĐXX. Bị cáo, người bị hại dưới 18 tuổi được ngồi gần với người giám hộ, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp để được hỗ trợ về tâm lý trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng. Việc bố trí như vậy là để không còn không khí căng thẳng tại tòa, để các đương sự có thể trình bày cũng như trò chuyện chứ không phải đang đối mặt tại một phiên xử và để được hỗ trợ về tâm lý trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng.

Đối với hôn nhân, vợ chồng đưa nhau ra tòa đôi khi chỉ vì vài mâu thuẫn nhỏ do thiếu sự nhường nhịn hay vì tự ái cá nhân hoặc do nhiều lý do khác. Khi trò chuyện với HĐXX trong phòng xử, giống như việc chia sẻ cuộc sống gia đình, thì sẽ bớt đi áp lực cho cả hai bên. 

Đặc biệt, tòa có phòng trẻ em giúp giám sát tâm lý trẻ hay để trẻ chờ khi chưa được dự tòa. Phòng là nơi quan sát, đánh giá về tâm lý, tình cảm của trẻ em trong những vụ án ly hôn có tranh chấp nuôi con. Nơi đây được bố trí các camera để các chuyên gia tư vấn, thẩm phán có thể theo dõi tâm lý, tâm trạng của các em để quyết định giao con cho ai nuôi sẽ tốt nhất. Phòng được trang trí hài hòa, có phim hoạt hình, có bút màu vẽ tranh và có đồ chơi... tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi, giúp các cháu tự tin bộc lộ cảm xúc.

Phóng viên: Thưa bà, để đạt được phiên tòa thân thiện còn cần thêm những yếu tố gì?

Bà Tăng Thị Thúy Nga: Để đạt được một phiên tòa thân thiện, các thẩm phán được chọn phải là những người có kinh nghiệm trong công tác xét xử, tính tình mềm mại, điềm tĩnh để trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ với đương sự, người chưa thành niên về các vấn đề của họ. Khi thành lập tòa này, các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên (đưa vào trường giáo dưỡng) được đưa về Tòa Gia đình và người chưa thành niên để ra quyết định. Vậy nên, thẩm phán của tòa này cũng cần là người có kinh nghiệm trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Việc ra đời của Tòa Gia đình và người chưa thành niên là dấu ấn quan trọng, đánh dấu sự thành công của tiến trình cải cách tư pháp. Thực tiễn xét xử vụ việc liên quan đến quan hệ hôn nhân, người chưa thành niên có đặc thù riêng, xuất phát từ quan hệ hôn nhân, huyết thống… Khi giải quyết, bên cạnh tuân thủ pháp luật, thẩm phán cần chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức. Việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên. Bởi vậy, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em phạm pháp, tạo môi trường lành mạnh để trẻ phát triển tốt hơn.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bà!

Sớm Mai

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: