• Đời sống xã hội

Phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo những tháng mùa khô

20/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 20/04/2019 | 06:00

STO - Bệnh dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.

Nỗi ám ảnh của người từng bị chó tấn công…

Đã hơn 14 năm trôi qua kể từ ngày đứa con gái duy nhất trong gia đình bị chó nhà cắn dẫn đến tử vong, cả gia đình ông Trương Văn Đấu, xã Trinh Phú (Kế Sách) chưa bao giờ nguôi nuối tiếc. Tâm sự cùng chúng tôi, ông Đấu buồn bã: “Con chó là vật nuôi trong nhà và nó thân thiết với gia đình của hầu hết người dân ở thành thị lẫn nông thôn. Nhà tôi lúc nào cũng nuôi vài ba con chó, chăm sóc thương chúng như thú cưng nhưng kể từ khi con gái mất bởi chó cắn, tôi đã không còn nuôi chó nữa và nếu thấy hàng xóm nuôi chó thường nhắc nhở họ nên tiêm phòng vắc xin ngừa dại. Hiện tại, tôi thấy hộ nuôi chó ý thức hơn, không còn đem chó giấu khi thấy thú y tới tiêm ngừa…”.

Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp ngăn ngừa bệnh dại trên chó.

Liên tiếp trong 1 tuần sau khi bị 2 con chó tấn công, bà Lê Thị Hương ở Khóm 1, Phường 2 (TP. Sóc Trăng) không có đêm nào ngủ ngon giấc bởi nỗi ám ảnh 2 con chó lao nhanh đến cắn vào người bà làm cả người và xe ngã xuống đất, chiếc xe đè lên người bà nên con chó không cắn trúng.

Thuật lại câu chuyện, bà Hương bức xúc: “Tôi lần đầu tiên đi vào con đường đó để mang đồ ăn cho khách, do nghĩ ở khu dân cư người ta xích hoặc nhốt chó trong nhà nên không để ý việc có chó ngoài đường. Đang chạy xe, thì ở đâu 2 con chó nhảy ra làm ngã xe, cứ thế chúng vồ vập lao tới tấn công, may mà xe đè lên người nên con chó bỏ đi, xem như tôi gặp may. Nhưng tôi đắn đo mãi lý do vì sao chủ nhân của 2 con chó kia không xích chúng lại, chó dữ cứ thả chạy rông. Tôi là người lớn còn khiếp vía, nếu chẳng may các cháu nhỏ, chúng cắn thì phải làm thế nào, mình nuôi chó phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người xung quanh”.

Cách nhận biết chó, mèo bị bệnh dại

Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ miễn cưỡng hoặc trái lại tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi, hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí, các phản xạ vận động bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, chỉ cần có tiếng động nhẹ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài. Thêm triệu chứng nữa, như: bỏ ăn, nuốt khó, sốt, dãn đồng tử, khát nước, không nuốt được, chảy nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, cắn vu vơ, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng (2 - 3 ngày sau khi phát bệnh), bỏ nhà đi không về, trên đường đi, gặp vật gì lạ cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người; chó bị liệt, không nuốt được thức ăn, nước uống, liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy ra, chân sau liệt ngày càng rõ, chó chết trong khoảng từ 3 đến 7 ngày. Ngoài ra, bệnh dại biểu hiện dễ nhận biết còn có thể dại câm chó chỉ có biểu hiện buồn rầu, có thể bị bại ở một phần cơ thể, bại một bên hoặc 2 chân sau, liệt cơ hàm, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra, nước dãi chảy lòng thòng, không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.

Sau tiêm phòng dùng dây chuyên dụng để đeo cổ chó.

Đối với mèo ít bị mắc dại hơn chó, bệnh dại ở mèo cùng tiến triển như ở chó, mèo hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn như khi động dục; khi người chạm vào thì nó cắn mạnh và hăng, tạo vết thương sâu.

Cách phòng tránh bệnh dại trên chó, mèo…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Minh Hoàng cho biết, để phòng tránh bệnh dại trên chó, mèo, cách tốt nhất là tiêm phòng bằng vắc xin. Do vậy, hàng năm đơn vị thường triển khai chiến dịch tiêm phòng đợt chính vào các tháng 3, 4. Ngoài ra, hàng tháng còn tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ. Đồng thời, nếu phát hiện vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại sẽ tiến hành tiêu hủy, trường hợp không tiêu hủy phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh dại tiêu hủy theo quy định. Bên cạnh đó, khuyến khích hộ nuôi tiêu hủy chó, mèo chưa được tiêm phòng vắc xin dại nhưng đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại. Đối với chó, mèo vô cớ cắn, cào người phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh dại tiến hành tiêu hủy. Riêng chó, mèo khỏe mạnh trong vùng có dịch bệnh dại phải nuôi nhốt trong thời gian có dịch.

Đồng chí Lâm Minh Hoàng thông tin, đối với chủ vật nuôi, phải xích nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

“Vì sức khỏe cộng đồng hãy hưởng ứng tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, vì không có chó mèo mắc bệnh dại thì không có người chết vì bệnh dại” - đồng chí Lâm Minh Hoàng kêu gọi.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: