• Đời sống xã hội

Quản lý, khai thác hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân

27/01/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 27/01/2021 | 06:00

STO - Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã triển khai các nội dung đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống nông dân, nhất là quản lý, khai thác hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân.

Theo đó, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp đỡ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ được hình thành từ: ngân sách nhà nước; vốn vận động xã hội hóa; vốn tự bổ sung từ hoạt động...

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, năm 2009, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đạt 7,55 tỉ đồng (trong đó Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 5,85 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 77,39% tổng nguồn vốn). Đến cuối năm 2019, nguồn vốn đạt trên 35 tỉ đồng, tăng 4,7 lần (trong đó, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác trên 8,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 23% tổng nguồn vốn; Quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh trên 9,5 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 27%; Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện trên 8,1 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 23%; Quỹ hỗ trợ nông dân cấp xã có trên 9,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 26%).

Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU 

Hiện tại, hội nông dân các cấp quản lý 520 dự án, phát vay cho gần 2.000 lượt hộ hội viên, nông dân. Cụ thể, nguồn Trung ương ủy thác có 17 dự án, với 280 hộ tham gia; nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh có 16 dự án, với 210 hộ tham gia; nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện và xã do hội nông dân cấp huyện quản lý đã triển khai 487 dự án, với 1.088 hộ vay để thực hiện mô hình trồng trọt (chiếm 41%), mô hình chăn nuôi (chiếm 57%), mô hình nuôi trồng thủy sản (chiếm 2%). Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội ủy thác qua hội giúp nông dân vay vốn và sử dụng vốn. Đến tháng 11-2019, Hội Nông dân tỉnh quản lý 835 tổ tiết kiệm, tổng dư nợ trên 935 tỉ đồng, có 40.893 hộ nông dân và hội viên được vay vốn.

Qua 10 năm hoạt động, tổng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay quay vòng đạt trên 50 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 3.800 lao động, thu hút trên 2.000 nông dân tham gia vào hội. Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, như: hộ ông Huỳnh Việt Trung, xã Tân Long (Ngã Năm) với mô hình trồng ổi kết hợp nuôi cá cho thu nhập trên 1,5 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương; hộ ông Lê Văn Thắng, xã Mỹ Tú (Mỹ Tú) với mô hình làm ruộng - nuôi cá - trồng năn cho thu nhập trên 440 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động; hộ ông Trương Hải Phước, xã Viên An (Trần Đề) với mô hình nuôi bò sữa, thu mua sữa cho thu nhập trên 1,3 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 21 lao động; hộ ông Lý Hom, xã Đại Ân 2 (Trần Đề) với mô hình chăn nuôi bò; hộ bà Thạch Thị Điệp, thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) với mô hình lúa - chăn nuôi...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật đối với một số mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng, trồng cây ăn trái, nuôi tôm thẻ, nuôi artemia, trồng màu, trồng nông sản nghịch mùa… Hỗ trợ về khoa học, công nghệ, giúp hội viên, nông dân gia tăng sản xuất, vừa đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, vừa hướng tới bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm không hóa chất, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Đây là những hoạt động được đánh giá thành công và có định hướng nhân rộng.

Nông dân tiếp cận nguồn quỹ để chuyển đổi sản xuất. Ảnh: PHƯỚC LIÊU 

Đồng thời, các cấp hội còn sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân gắn với Chương trình OCOP về phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị do các doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ 4.0 gắn liên kết bao tiêu sản phẩm.

Có thể khẳng định việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã góp phần đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chính vì hiệu quả này mà tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đồng chí Trần Văn Lâu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã mạnh dạn đề xuất Bộ Chính trị tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 61, qua đó kiến nghị đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động nguồn quỹ để nông dân được tiếp cận nguồn vốn, thực hiện các dự án mang tính chiến lược, lâu dài, nâng cao vị thế của nông dân trong thời kỳ mới.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: