• Đời sống xã hội

Tăng cường các giải pháp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

01/07/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 01/07/2017 | 06:00

STO - Nhân kỷ niệm 16 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2017) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Ban Công tác gia đình tỉnh về truyền thống gia đình Việt Nam và các vấn đề gia đình trong thời đại hiện nay.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí chia sẻ quan điểm của Đảng và Nhà nước về gia đình Việt Nam và ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam?
 
Đồng chí Phạm Văn Đâu: Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ “Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính.
 
Với ý nghĩa đó, ngày 4-5-2001 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
 
PV: Trong thời đại hiện nay, gia đình Việt Nam cũng gặp không ít các vấn đề, đồng chí vui lòng chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
 
Đồng chí Phạm Văn Đâu: Cùng với thời gian, đất nước có sự chuyển mình, phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình Việt Nam cũng có nhiều thay đổi tích cực, tiến bộ hơn. Tuy nhiên, gia đình hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, như: nạn bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực trong thanh thiếu niên, xâm hại trẻ em... Từ năm 2012 đến năm 2016, cả nước xảy ra trên 127.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, đối tượng gây bạo lực là nam giới chiếm 83,6%; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. 
 
PV: Riêng với tỉnh Sóc Trăng, tình trạng bạo lực gia đình đã và đang diễn biến như thế nào, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Phạm Văn Đâu: Đối với tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2009 đến năm 2016 đã xảy ra hơn 6.700 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, năm 2009 xảy ra 1.460 vụ, đến năm 2016 giảm xuống còn 536 vụ, nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ chiếm 86,38%. Thời gian qua, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được quan tâm thực hiện và đã từng bước khẳng định được vị trí, đạt được hiệu quả thiết thực. Việc phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình; xã hội hóa công tác gia đình; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình... đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng, năm 2016, toàn tỉnh có 88,22% gia đình văn hóa, giảm 25% gia đình xảy ra bạo lực gia đình, giảm 13% gia đình có người tảo hôn.
 
Tuy nhiên, vấn đề bạo lực gia đình hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng. Để từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên toàn quốc, thu hút sự tham gia của toàn xã hội đối với việc xây dựng, giữ gìn gia đình bền vững, hạnh phúc, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 và ban hành quyết định lấy tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở đó, ngày 6-10-2014 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
 
PV: Thưa đồng chí, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Công tác Gia đình các cấp thực hiện các giải pháp như thế nào để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình?
 
Đồng chí Phạm Văn Đâu: Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình; đưa mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở địa phương.
 
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình ở các cấp, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình.
 
Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động về phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu, xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tiểu phẩm, kịch bản sân khấu về phòng, chống bạo lực gia đình. Duy trì, củng cố, phát triển nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện việc chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình; tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình.
 
Nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình, người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm. Can thiệp xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình, tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người gây bạo lực gia đình. Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
 
Thuận Lợi
(Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: