• Đời sống xã hội

Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không tạo sốc cho thị trường lao động

17/07/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Ba, 17/07/2018 | 06:00

Dự kiến, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ thực hiện từ năm 2021. Quá trình này cần phải tiến hành theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động.

Thiếu lao động trong tương lai gần

Theo dự kiến, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam sẽ được thực hiện từ năm 2021. Việc điều chỉnh này là cần thiết để ứng phó với tác động của biến đổi cấu trúc dân số và tiến trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đưa ra trong chương trình giao lưu trực tuyến “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu an sinh bền vững” diễn ra ngày 13-7 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong bối cảnh già hóa dân số, nhiều nước trên thế giới đều đã có kế hoạch điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Một số quốc gia có kỳ vọng sống sau tuổi 60 thấp hơn Việt Nam đều đã có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Thí dụ, Indonesia đang trong lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 65; Malaysia điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bình quân từ 60 lên 65; Hàn Quốc dự kiến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bình quân từ 62 lên 65 tuổi vào năm 2034…

Ảnh minh họa: Đăng Khoa.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình, phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế với giải quyết bài toán về việc làm và thất nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn, nhưng phải được thực hiện sớm và tiến hành khẩn trương theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động.

Theo dự báo cho Việt Nam, đến năm 2055, cứ có hai người trong độ tuổi lao động thì có một người cao tuổi. Năm 2000, số người bước vào độ tuổi lao động (1,7 triệu), gấp 3,4 lần số ra khỏi tuổi lao động (500 nghìn). Và năm 2035, số vào tuổi lao động chỉ bằng 1,2 lần số ra khỏi tuổi lao động (1,5 triệu so với 1,26 triệu). Như vậy, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai không xa.

Phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ được đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội vào năm 2019. Dự kiến có hai phương án được đề xuất.

Phương án 1: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng ba tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng sáu tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2030.

Phương án 2: Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mỗi năm tăng ba tháng đối với nam cho đến khi đạt tuổi 62; mỗi năm tăng bốn tháng đối với nữ cho đến khi đạt tuổi 60. Như vậy, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ đạt tuổi 62 vào năm 2028 và nữ đạt tuổi 60 vào năm 2035.

Ông Doãn Mậu Diệp khẳng định, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu như trên áp dụng đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Đối với lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người bị suy giảm khả năng lao động, họ vẫn tiếp tục được thực hiện với chính sách nghỉ hưu sớm hơn, nghỉ hưu trước tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu điểm bắt đầu từ năm 2021 là hợp lý. Đây là thời điểm gắn cải cách BHXH và cải cách chính sách tiền lương. Nhưng lộ trình, cách thức phải bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. Nếu không giải quyết được vấn đề tuổi hưu, sẽ gặp khó về nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.

Sửa điều kiện hưởng lương hưu

Ở một góc nhìn khác, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá, quy định của chính sách BHXH hiện nay còn khá cứng nhắc. Để được hưởng lương hưu hằng tháng, người lao động cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện là tuổi đời và thời gian tối thiểu 20 năm tham gia BHXH. Quy định tối thiểu 20 năm để hưởng chế độ hưu trí cũng gây trở ngại nhất định trong mở rộng đối tượng bao phủ của BHXH.

Cụ thể, có những lao động tham gia BHXH tới 18-19 năm, thời gian khá dài so với các nước, nhưng vẫn không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Điều này gây thiệt thòi cho chính họ và cũng ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, khi chúng ta mong muốn người lao động đến tuổi nghỉ hưu có thể tự bảo đảm an sinh xã hội cho chính họ thay vì phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước.

Ông Diệp dẫn chứng, có những lao động ở độ tuổi 40-45 mới tham gia BHXH, nhưng họ nhìn trước sẽ không đủ thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí. Vì thế, mong muốn được tự bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động nhờ lương hưu không đạt được, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp.

Quy định thời gian tham gia BHXH tối thiểu dài tới 20 năm cũng khiến người lao động không muốn bảo lưu thời gian tham gia BHXH, mà có xu hướng chuyển sang nhận BHXH một lần. Đó cũng là lý do mỗi năm trung bình có khoảng trên, dưới 600 nghìn lao động đã lựa chọn hưởng BHXH một lần, thay vì tiếp tục đóng BHXH để được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động.

“Thực ra, quy định 10 năm hay 15 năm không hề ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH như nhiều người lo ngại, vì nguyên tắc BHXH là mức hưởng được tính toán phù hợp với mức đóng và thời gian đóng. Cá nhân tôi cho rằng, có thể chuyển ngay xuống 10 năm”, ông Diệp nói.

Giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí xuống 15 năm, 10 năm sẽ góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm cho nhiều người lao động có cơ hội và điều kiện tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng, thay vì lựa chọn BHXH một lần, hướng tới mục tiêu bảo đảm an sinh lâu dài cho người dân. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực cũng đã quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 10 năm như Nhật Bản, Hàn Quốc, mặc dù trước đây họ cũng quy định điều kiện 20 năm đóng BHXH như nước ta.

Ngân Anh/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: