• Đời sống xã hội

Thảm họa da cam - nỗi đau qua nhiều thế hệ

11/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 11/08/2017 | 06:00

Kể từ ngày quân đội Mỹ sử dụng các loại chất độc da cam/dioxin phun rải xuống đất nước Việt Nam (10-8-1961) đến nay, chất độc da cam vẫn còn tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường và sức khỏe con người. Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày vì nạn nhân da cam, phóng viên Báo Sóc Trăng có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đại Lượng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh xung quanh thực trạng và chế độ chính sách dành cho nạn nhân da cam.

Phóng viên (PV):  Ông có thể cho biết về sự ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và con người trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đại Lượng:

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học. Có thể nói đây là cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí hóa học có quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất. Quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, làm thiệt hại hơn 3,06 triệu ha rừng, vườn cây ăn trái, hoa màu… Chất độc da cam/dioxin không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người Việt Nam, đã làm cho hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, 3 triệu người là nạn nhân của chất độc này.

Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chất độc da cam/dioxin có thể gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh, làm đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu là nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc... nó đã làm cho nhiều người không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có nhiều cặp vợ chồng sinh ra những đứa con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức…

Ông Nguyễn Đại Lượng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam/dioxin. 

PV:  Đối với tỉnh Sóc Trăng, thực trạng người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại Lượng:

Theo số liệu điều tra năm 1998, tỉnh Sóc Trăng có 14.047 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học (có 9.029 người nhiễm trực tiếp và 5.018 nhiễm gián tiếp) và 13.027 người khuyết tật (theo số liệu thống kê cuối năm 2012). Vết thương do chất độc hóa học còn đáng sợ hơn những thứ nó đã cướp đi trong những trận chiến. Chất độc dioxin là những chất nguy hiểm nhất, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều thế hệ. Nạn nhân chất độc da cam chính là nhân chứng sống cho những tội ác vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, là nguồn động lực cho cuộc đấu tranh đòi công lý và đạo lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

PV:  Thời gian qua, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã làm gì để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước chăm lo cho người không may mắn bị phơi nhiễm?

Ông Nguyễn Đại Lượng:

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 2.528 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ đang hưởng trợ cấp thường xuyên. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng năm, các cấp hội đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam theo địa chỉ cụ thể và hỗ trợ nhà ở, học bổng, khám chữa bệnh, tặng quà... với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm, các cấp hội đã vận động nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam dưới nhiều hình thức với tổng trị giá trên 4,2 tỉ đồng; trong đó, xây dựng 2 căn nhà, 54 suất học bổng, 15 xe lăn, hơn 13.000 phần quà. Đồng thời, vận động mạnh thường quân hỗ trợ vốn cho 5 hộ có nạn nhân da cam ở TP. Sóc Trăng, huyện Trần Đề và Cù Lao Dung tổng số tiền hơn 42 triệu đồng để phát triển mô hình kinh tế gia đình… Riêng Ngày vì nạn nhân da cam, các cấp hội phấn đấu vận động khoảng 2.000 phần quà tặng cho người bị phơi nhiễm.

PV: Theo ông, việc thực hiện các chế độ, chính sách còn những khó khăn, bất cập gì?

Ông Nguyễn Đại Lượng:

Qua công tác điều tra, rà soát, hiện nay còn nhiều người hoạt động kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi theo Quyết định số 290 của Thủ tướng Chính phủ, họ bị phơi nhiễm chất độc da cam nhưng không có huân, huy chương, nên chưa được nhận hồ sơ xem xét vì thời gian tham gia kháng chiến chưa đủ 3 năm. Do đó, dù bị di chứng chiến tranh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt và di truyền sang thế hệ con, cháu nhưng họ vẫn chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi, đây là vấn đề bất cập lớn nhất nhưng chưa có hướng giải quyết.

PV: Nhân Ngày vì nạn nhân da cam, ông có lời kêu gọi gì đến các tổ chức, cá nhân trong xã hội?

Ông Nguyễn Đại Lượng:

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, đất nước được hòa bình, độc lập, Bắc - Nam thống nhất một nhà. Vết thương chiến tranh được Đảng, Nhà nước và cộng đồng hàn gắn theo năm tháng, nhưng vết thương do chất độc hóa học gây ra thì vẫn dai dẳng. Nhiều nạn nhân tuổi đời còn nhỏ, mang theo ước mơ cháy bỏng được đến trường, nhưng không phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực, bởi rất nhiều trường hợp ngay cả cơ hội phát triển bình thường cũng không bao giờ có.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách an sinh xã hội, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, Hội Nạn nhân da cam/dioxin xin tri ân những tấm lòng vàng đó. Nhưng với sự ảnh hưởng nặng nề của loại chất độc này, tôi mong muốn cộng đồng tiếp tục đồng hành cùng các cấp hội để chia sẻ những khó khăn, bất hạnh, góp phần “xoa dịu nỗi đau da cam”, tạo điều kiện để họ sớm hòa nhập cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Song Lê (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: