• Đời sống xã hội

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững

14/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 14/01/2019 | 06:00

STO - Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 2-8-2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 2% - 3%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm từ 3% - 4%/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động về giảm nghèo hàng năm, giai đoạn; lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố, các chương trình, dự án có liên quan, nhất là các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Huy động các nguồn lực, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

Thực hiện các dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đầu tư 33 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở 14 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển (thuộc các huyện: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề và TX. Vĩnh Châu). Tính đến nay, đã triển khai thực hiện 56 dự án, công trình, gồm: 49 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, 5 nhà văn hóa cộng đồng, 2 công trình trường tiểu học. Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, với tổng vốn đầu tư là 158,47 tỉ đồng thực hiện 162 công trình giao thông nông thôn, giáo dục, thủy lợi, văn hóa.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với số vốn là 51,78 tỉ đồng; nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 4.035 hộ gia đình, thông qua các hoạt động như: hỗ trợ cây giống, dụng cụ nông nghiệp, hướng dẫn nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi... Đồng thời, tổ chức triển khai 36 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 4.844 lượt cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về giám sát cộng đồng; tổ chức tham quan, học tập mô hình Chương trình 135 tại tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh với tổng kinh phí thực hiện là 1,43 tỉ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh cũng đã thực hiện các dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Qua đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Để hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã cấp phát 352.419 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo; 165.336 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo. Ngành y tế các cấp và các ngành có liên quan đã tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhất là người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương trong tỉnh được hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 64.766 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền 1.352 tỉ đồng, phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình; phát vay cho 2.120 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để cải thiện điều kiện, trang trải học phí với kinh phí 81,59 tỉ đồng; cho 5.062 hộ vay giải quyết việc làm, với kinh phí thực hiện 107,27 tỉ đồng; phát vay cho 11.074 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền là 254,94 tỉ đồng. Tỉnh cũng luôn quan tâm hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tính đến cuối năm 2017, tỉnh đã hoàn thành 2 đợt hỗ trợ, với 3.628 hộ, kinh phí thực hiện 90,7 tỉ đồng. Năm 2018, tiếp tục hỗ trợ đợt 3 cho 200 hộ nghèo với kinh phí thực hiện là 5 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 69.075 lao động.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ưu đãi về giáo dục... Qua đó, đã miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho 22.143 lượt học sinh nghèo các cấp; trợ cấp xã hội cho 36.165 học sinh, sinh viên, với kinh phí thực hiện 207,18 tỉ đồng, góp phần giúp con em hộ nghèo có điều kiện đến trường. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Quỹ Vì người nghèo”, với tinh thần tương thân, tương ái, tính đến nay toàn tỉnh đã vận động được hơn 71,14 tỉ đồng để giúp người nghèo, hộ nghèo vượt qua khó khăn. Nguồn Quỹ Vì người nghèo đã xây dựng và bàn giao được 1.326 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ 2.057 lượt người nghèo khám chữa bệnh; tặng 44.109 phần quà cho hộ nghèo.

Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 2% - 3%/năm, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm từ 3% - 4%/năm. Trong năm 2017, toàn tỉnh giảm 19.510 hộ nghèo, tương đương 6%, trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giảm 8.946 hộ, tương đương 8,95%. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 38.304 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 11,85%, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer 18.037 hộ, tỷ lệ 17,95%; hộ cận nghèo 40.831 hộ, tỷ lệ 12,63%, trong đó, hộ cận nghèo dân tộc Khmer là 15.846 hộ, tỷ lệ 15,77%.

Hộ nghèo trong đồng bào Khmer được hỗ trợ chăn nuôi bò. 

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, Tỉnh ủy Sóc Trăng lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 03-NQ/TU; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo bền vững; vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư cho người dân; vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để tiếp cận với khoa học, kỹ thuật; thực hiện việc liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường, hướng đến phát triển sản xuất và dịch vụ, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo. Đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong công tác giảm nghèo; lồng ghép chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Thực hiện tốt việc kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, hạn chế tình trạng lao động bỏ địa phương đi làm ăn xa. Triển khai có hiệu quả các chương trình giải quyết việc làm và đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động.

Quan tâm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh; tăng khả năng tiếp cận của người nghèo, cận nghèo đối với các dịch vụ y tế cơ bản. Chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ dân trí. Tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện đối tượng chính sách, người có công với nước, hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội; đẩy mạnh phong trào tương thân, tương ái, làm tốt công tác vận động, đóng góp Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, cận nghèo khi gặp khó khăn.

Tin rằng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách và giải pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trong tỉnh giảm theo từng năm, đến năm 2020 thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Q.K

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: