• Giáo dục

Trường Mẫu giáo Tài Văn

Chú trọng xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

12/09/2020 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 12/09/2020 | 11:00

STO - Trường Mẫu giáo Tài Văn, xã Tài Văn (Trần Đề) là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, với đội ngũ giáo viên có trình độ, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy, thật sự tâm huyết với nghề, luôn yêu thương, quý mến trẻ. Trường còn có hệ thống cây xanh phù hợp mang lại cho trẻ một môi trường sư phạm thật sự tin cậy, hiệu quả. Đây chính là môi trường lý tưởng cho trẻ học tập, vui chơi phát triển trí tuệ và năng khiếu.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ theo đúng chương trình giáo dục mầm non được ban hành, nhà trường đặc biệt chú trọng phát triển khả năng của từng trẻ, nhất là thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Trong thực hiện chuyên đề, nhà trường quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ môi trường vật chất cho trẻ hoạt động, trong lớp giáo viên thiết kế các góc mở với những hình ảnh đẹp, sinh động, an toàn, tạo điều kiện cho trẻ chơi mà học, học bằng chơi.

Trong lớp, giáo viên thiết kế các góc mở với những hình ảnh đẹp, sinh động, an toàn. Ảnh: H.NHƯ

Dạy học lấy trẻ làm trung tâm khác với dạy học truyền thống là giáo viên không truyền đạt kiến thức cho trẻ mà tạo ra các điều kiện, các cơ hội để mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động; tự chiếm lĩnh kiến thức, kinh nghiệm. Để đạt được điều này, giáo viên nắm được hứng thú, nhu cầu, khả năng của từng trẻ trong lớp, trên cơ sở đó lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân trẻ. Những buổi thao, hội giảng đã thực sự là một diễn đàn để các cán bộ, giáo viên cùng trao đổi ý kiến, phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc tổ chức giờ học cho trẻ mầm non theo hướng tiếp cận giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”.

Để kích thích sự hứng thú hoạt động ở trẻ, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên các lớp trang trí môi trường trong và ngoài lớp sạch sẽ, sáng tạo và có sự đổi mới thường xuyên, nội dung các bài tập mở phong phú, đa dạng và phù hợp từng chủ đề; chỉ đạo 100% giáo viên, nhân viên tích cực tham gia lao động vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Đóng góp xây dựng, cải tạo môi trường, nhóm, lớp, công trình vệ sinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các bậc cha mẹ tham gia vào hoạt động của trường, lớp và kịp thời thông tin đến gia đình về sự phát triển hoặc khó khăn gặp phải của trẻ.

Nhà trường chú trọng xây dựng khu vui chơi phát triển thể chất cho trẻ. Ảnh: H.NHƯ

Ngoài ra nhà trường còn chú trọng xây dựng khu vui chơi phát triển thể chất; khu vui chơi vận động, khu sân chơi tập thể dục, khu vực vườn hoa, vườn rau sạch của bé, thảm cỏ… trang trí phòng lớp đảm bảo thẩm mỹ, thân thiện, phù hợp lứa tuổi, các góc cho trẻ hoạt động được bố trí thuận tiện, hợp lý, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu hứng thú hoạt động vui chơi của trẻ, có đa dạng đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu cho trẻ hoạt động, các đồ chơi sáng tạo do giáo viên tự làm từ các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương; các lớp xây dựng góc thiên nhiên, khu khám phá khoa học với các trò chơi như: chơi với cát, chơi sỏi, pha và thổi màu, thả chìm nổi, làm tranh từ lá, vẽ tranh cát, đong đo nước… tạo môi trường an toàn, sạch đẹp, tạo hình ảnh và ấn tượng riêng của lớp học cũng như của nhà trường.

Các em tham gia hoạt động trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa địa phương. Ảnh: H.NHƯ

Cô Lê Thị Liễu - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tài Văn cho biết: “Qua thực hiện chuyên đề, giáo viên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ. Qua các hoạt động hàng ngày, các hoạt động lễ hội, trẻ được khám phá thực hành trải nghiệm một cách say sưa, hứng thú. Đặc biệt, qua khảo sát, đánh giá sự phát triển của trẻ qua học kỳ, cả năm học, nhìn chung trẻ có nhiều chuyển biến rất rõ nét như: 90% trẻ đến trường có kỹ năng giao tiếp với cô giáo, ông bà, bố mẹ, người lớn và bạn bè; trẻ được trực tiếp trải nghiệm, khám phá, tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, liên tưởng phù hợp khả năng của trẻ làm trẻ thích thú, mạnh dạn, tự tin, tự mình khám phá, tự mình tham gia thực hành theo ý tưởng của trẻ đủ cả 5 lĩnh vực phát triển; trẻ ngày càng hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động, các kỹ năng học tập cần thiết được rèn luyện thường xuyên, tạo nền tảng tốt khi trẻ bước vào lớp 1”.

Những kết quả đạt được của nhà trường là dấu mốc, là tiền đề để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Trong thời gian tới, tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường sẽ phát huy những thuận lợi và khắc phục khó khăn để thi đua dạy tốt học tốt; quyết tâm phấn đấu tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và là một điểm sáng của bậc học mầm non trên địa bàn huyện.

H.NHƯ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: