• Giáo dục

Huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục

08/12/2017 11:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 08/12/2017 | 11:19

STO - Phát triển giáo dục ngoài công lập góp phần phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, tạo điều kiện để toàn xã hội được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.

Công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ đó đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần hoàn thành các mục tiêu giáo dục của tỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 570 trường học, trong đó có 19 trường ngoài công lập: cấp mầm non là 13 trường, cấp tiểu học và phổ thông là 6 trường. Việc xã hội hóa không chỉ thực hiện ở các trường và nhóm lớp ngoài công lập, mà tại các trường công lập thuộc xã vùng sâu, vùng có nhiều trẻ em là người dân tộc thiểu số cũng thực hiện xã hội hóa giáo dục. Các phụ huynh, các tổ chức xã hội, tôn giáo, doanh nghiệp đã có nhiều việc làm thiết thực, như: hiến đất, sửa chữa phòng lớp, xây trường, làm nhà vệ sinh, láng sân chơi, làm hàng rào, mua các vật dụng học tập, sinh hoạt cho trẻ.

Mỗi năm, toàn tỉnh huy động trên 4,5 tỉ đồng, trong đó cha mẹ học sinh đóng góp trên 2,4 tỉ đồng. Bậc học mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi vì giáo dục mầm non thúc đẩy sự phát triển tình cảm cũng như các kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và thể chất của trẻ. Chính những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua các chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho hoạt động học tập sau này của trẻ. Thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục đã được triển khai khá hiệu quả, giáo dục mầm non phát triển đa dạng với nhiều loại hình trường, lớp ngoài công lập.

Xã hội hóa giáo dục, góp phần đầu tư cơ sở vật chất trường lớp khang trang hơn.

Bà Khương Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ (một trong những trường mầm non ngoài công lập tiêu biểu trên địa bàn TP. Sóc Trăng) cho biết: “Hiện tại, trường có 8 nhóm lớp với tổng số 255 trẻ. Để thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường đã đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng đến chất lượng bữa ăn của trẻ, ngủ đúng cách và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ, đồng thời còn xây dựng môi trường lớp học thân thiện, gần gũi, an toàn cho trẻ”.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, mô hình hoạt động của các đơn vị đều cơ bản phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục mầm non trong điều kiện hiện nay. Việc phát triển các loại hình trường ngoài công lập đã làm giảm áp lực về nhu cầu trường lớp, đáp ứng quy mô trẻ em tăng nhanh, làm giảm tải cho các trường công lập. Ngoài chương trình quy định, các trường có thêm chương trình bồi dưỡng năng khiếu như dạy ngoại ngữ, tin học, vẽ, múa… Chất lượng giáo dục của các trường ngoài công lập và công lập không chênh lệch nhiều, việc giảng dạy chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đảm bảo, đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường cơ cấu đầy đủ các bộ môn, đáp ứng cho việc dạy học.

Tuy nhiên cũng còn một số mặt hạn chế của các trường ngoài công lập, như: nhận thức về xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất, đồng thuận trong các cấp quản lý cũng như tầng lớp nhân dân; việc quản lý trường, nhóm trên địa bàn chưa chặt chẽ; chưa có danh mục thu hút đầu tư, thường chỉ nêu chung chung về các dự án giáo dục mà chưa có thông tin cụ thể để giới thiệu với các nhà đầu tư.

Trong hội nghị sơ kết công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh, đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện thí điểm xã hội hóa ở bậc học mầm non, về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm hỗ trợ, nghiên cứu đề xuất những chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ tập huấn chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên các trường ngoài công lập. Đối với các sở, ngành thì tạo điều kiện về thủ tục khi các doanh nghiệp đến đầu tư tại Sóc Trăng”.

Để tiếp tục xã hội hóa đầu tư xây dựng trường ngoài công lập chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề ra những giải pháp cụ thể, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục, phù hợp với từng vùng, miền, từng thời điểm cho mỗi người dân; sắp xếp và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp; có đề án phát triển mạng lưới trường ngoài công lập ở những nơi có điều kiện một cách rõ ràng, cụ thể; tăng cường các biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư bằng nhiều hình thức; các cấp quản lý cần tập trung hỗ trợ các trường chuyển đổi loại hình; tiếp tục đa dạng hóa các loại hình giáo dục, tạo môi trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Như vậy, việc phát triển các trường ngoài công lập là vấn đề cần thiết không chỉ giảm tải cho giáo dục công lập mà còn đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của xã hội, đối với các dịch vụ giáo dục chất lượng cao, góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục của tỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

H.Như

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: