• Giáo dục

Lắng nghe trẻ nói

15/06/2020 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 15/06/2020 | 09:00

STO - Trẻ thích được sự quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là từ cha mẹ của mình. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều em lại thấy “cô đơn” trong căn nhà của mình vì cha mẹ không còn thời gian rảnh rỗi. Và các em lại ước mơ, có một ngày cha mẹ bớt chút việc, chơi đùa với con cái, lắng nghe trẻ nói. Hay đó là những trường hợp trẻ em vì hoàn cảnh gia đình mà phải bỏ học, lo mưu sinh trong dòng người đông đúc.

Khi trẻ thấy “cô đơn”

Cha mẹ suốt ngày bận buôn bán, tối về lại đi ngủ nên từ lâu T.Q.Như ở Phường 3, TP. Sóc Trăng phải tập quen dần cuộc sống “một mình” trong căn nhà đông người. Như tâm sự: “Cha mẹ chẳng bao giờ nói chuyện nhỏ nhẹ, sai tí là quát mắng. Sáng, trưa, chiều, tối, cả nhà không cùng ăn mà ai muốn ăn gì ra quán mà ăn. Chẳng ai nói chuyện với ai, có chăng là những câu nói ngắn gọn. Em buồn, mẹ cũng không thèm hỏi. Tối lại thấy cha mẹ ngủ sớm nên muốn gì em cũng không dám lên tiếng”.

Cha mẹ cần dành thời gian cho con, cùng vui chơi, hoạt động để hiểu con hơn. Ảnh minh họa: HOÀI THƯƠNG

Vì công việc nên sinh con được 1 tháng, chị T.T.Đ.Trang (Phường 3, TP. Sóc Trăng) phải gửi con cho mẹ chăm sóc, tới chiều tối chị mới đón con về nhà. Đến khi con chị được 5 tuổi, chị mới cho bé vô trường mẫu giáo. Nhiều khi nhìn những đứa trẻ khác líu lo trò chuyện với cha mẹ, chị cũng chép miệng so sánh sao con mình ít nói chuyện với mình. Thật ra, không có gì khó hiểu khi cả ngày làm việc mệt nhọc, chị không dành thời gian cho con, đón con về nhà lại đưa điện thoại, máy tính bảng cho con chơi game nên khoảng cách giữa hai mẹ con ngày càng xa hơn. Chồng chị sau khi xong việc lại tụ tập bạn bè nhậu nhẹt tới khuya nên chuyện chăm con phó mặc cho vợ. Mỗi khi con không làm theo lời chị, chị lại quát mắng mà không lắng nghe trẻ nói, không tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ trở nên như vậy.

Và trường hợp của chị Trang không phải làm hiếm. Vì hiện nay, nhiều cặp vợ chồng do cuộc sống mưu sinh, không dành thời gian cho con cái, khi trẻ ngày càng lớn, trẻ lại thấy mình thiếu thốn sự quan tâm, yêu thương từ chính người thân của mình. Trong một chương trình được chiếu trên đài truyền hình, một em học sinh cấp 2 vừa khóc vừa nói ước muốn của em là cha về nhà dành thời gian cho mình vì cả ngày cha đi làm, tối về nhà lại cầm điện thoại suốt, không quan tâm đến em. Điều em nói ra không chỉ người cha ấy mà khiến nhiều bậc phụ huynh khác cũng phải suy nghĩ. Có khi sau giờ làm việc, nhiều người trở về nhà ăn uống qua loa rồi lại tiếp tục công việc hay giải trí với tivi, điện thoại mà quên con cái đang cần mình trò chuyện, chơi cùng.

Trẻ phải trưởng thành sớm

Cũng có những đứa trẻ sớm “cách ly” với cha mẹ, các em phải tự lập và rất cần cha mẹ kề bên để được an ủi, động viên, chăm sóc. Khi mới 5 tuổi, cha mẹ em Võ Thị Anh Thơ, ở Phường 5 (TP. Sóc Trăng) đã gửi em cho ông bà ngoại nuôi để đi làm ăn xa, lâu lâu mới về thăm em một lần. Từ lâu, em thiếu vắng tình thương của cha mẹ; vì vậy, khi nhắc tới đấng sinh thành, đôi mắt em buồn nhìn xa xăm: “Những ngày đặc biệt, Tết Trung thu, sinh nhật em, cha mẹ không có về. Thấy mấy bạn trong lớp được cha mẹ mua đồ, quà bánh, đưa rước đi học, em cũng ước mình được như vậy. Giờ em sống chung với ngoại, với cậu, em gọi cậu em là cha cho em đỡ nhớ cha hơn. Không có cha mẹ cạnh bên nên em phải tự lập sớm, 8 tuổi nhưng ngoại đã dạy em tự làm công việc nhà, giặt đồ, rửa chén em đều làm giỏi cả”.

Cần tạo điều kiện cho trẻ được học tập, vui chơi để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh minh họa: HOÀI THƯƠNG

Còn em Sơn Thị Ngọc Nhi, ở Phường 5 (TP. Sóc Trăng) phải trưởng thành trước tuổi 14 vì em không có cha từ nhỏ, mẹ em lại phải đi làm ăn xa, em ở nhà với ngoại, mẹ em còn giao thêm nhiệm vụ chăm sóc đứa em gái 8 tuổi. Nhi tâm sự: “Sinh nhật em tròn 14 tuổi, mấy ngày là mẹ đi thành phố làm. Có nhiều chuyện em cũng muốn có mẹ bên cạnh tâm sự, hướng dẫn em nhưng mà mẹ bận nhiều việc lắm, phải kiếm tiền nuôi 2 đứa em nữa. Nên điều em muốn nói cũng chỉ là những điều giấu kín trong lòng”.

Vào những lúc màn đêm buông xuống, phố lên đèn, ở những quán ăn, nơi đông người, chúng ta dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ với nước da sạm màu, quần áo cũ kỹ, trên tay cầm những tờ vé số hay quẩy theo những bọc bánh, trái cây, đậu phộng, trứng cút… kêu gọi từng người mua ủng hộ. Có lần, đứa trẻ tầm 8, 9 tuổi chìa trước mặt tôi xấp vé số, miệng lí nhí: “Cô mua giúp con tờ vé số”. Tôi hỏi: “Ngày đi học, tối bán vé số hả con?”. Em nhìn tôi đáp nhanh: “Con nghỉ học rồi”. Tôi nhìn em không biết nói gì hơn và trong ánh mắt em gợn nỗi buồn khó tả. Nhiều đứa trẻ độ tuổi em, buổi tối được cha mẹ chở đi ăn uống, đến những khu vui chơi, mua quần áo đẹp, đồ chơi… còn em phải vất vả đi bộ từng con phố để mời gọi từng người mua vé số. Có lẽ nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa được cha mẹ đưa đi học, chăm sóc từng chút một, em lại ao ước mình được giống như vậy.

Là cha mẹ, ai cũng muốn con cái mình khôn lớn, chăm ngoan, học giỏi, là niềm tự hào của gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình con cái trưởng thành, cha mẹ cần lắng nghe, quan tâm, có trách nhiệm với con cái nhiều hơn. Hãy dành thời gian cho trẻ và lắng nghe để biết trẻ cần gì, muốn gì, ước mơ điều gì...

HOÀI THƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: