• Giáo dục

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị của cử tri

23/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 23/09/2019 | 06:00

STO - Tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa IX, cử tri trong tỉnh đã có nhiều kiến nghị trên các lĩnh vực đời sống xã hội gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lĩnh vực của ngành, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri.

* Cử tri kiến nghị có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa giáo dục đối với những nơi có điều kiện, nhất là bậc học mầm non ở các phường, thị trấn, tạo điều kiện để người dân có nơi gửi con em cả ngày, kể cả dịp hè để thuận tiện trong làm việc và lao động, sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Việt Mười trả lời: Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ những nơi có điều kiện, căn cứ những quy định pháp luật về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP, ngày 24-1-2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ và thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng “Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2021 định hướng đến 2025”.

Ngày 14-3-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo có Tờ trình số 523/TTr-SGDĐT trình UBND tỉnh phê duyệt đề án. Theo kế hoạch, từ năm 2018 đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 13 trường công lập, mỗi năm tự đảm bảo thêm ít nhất 20% kinh phí chi thường xuyên để cuối giai đoạn tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên (Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai và Trường THPT Hoàng Diệu, 7 trường mầm non và 4 trường THCS). Các trường mầm non, THCS, THPT còn lại năm 2018 tự đảm bảo 5% kinh phí chi thường xuyên; năm 2019 tự đảm bảo ít nhất 8% kinh phí chi thường xuyên; năm 2020 tự đảm bảo ít nhất 12% kinh phí chi thường xuyên; năm 2021 tự đảm bảo ít nhất 15% kinh phí chi thường xuyên.

Học sinh nô nức đến trường trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Ngọc Diễm

Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường công lập để thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong toàn xã hội, nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân về chủ trương thực hiện. Tích cực tham mưu, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện các văn bản nhằm đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường công lập theo hướng tách việc quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập với việc cung ứng dịch vụ công. Tham mưu với cấp có thẩm quyền để xây dựng giá học phí riêng cho các trường công lập có lộ trình thực hiện đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động. Từng bước chuyển đổi phương thức giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục sang thực hiện phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục dựa trên chất lượng dịch vụ đơn vị cung cấp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo chất lượng hoạt động dịch vụ sự nghiệp. Thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, để bảo đảm hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đúng các quy định của pháp luật.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện xã hội hóa những nơi có điều kiện là bậc học mầm non ở các phường, thị trấn. Cuối năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 138 trường (121 công lập, 17 ngoài công lập). Tổng số trường mầm non ngoài công lập: 17 (1 dân lập, 16 tư thục), so với năm học trước tăng 4 trường, hiện có 1 trường chưa hoạt động (Mầm non An Phúc); tổng số nhóm lớp độc lập tư thục là 47 (có 12 nhóm chưa cấp phép); tổng số trẻ đi học: 5.305 (nhà trẻ: 934; mẫu giáo: 4.371, mẫu giáo 5 tuổi: 1.582). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 515 người, chia ra: Hiệu trưởng 13, phó hiệu trưởng 9 (đều đạt chuẩn), giáo viên 369 (103 chưa đạt chuẩn), nhân viên 124. Trong năm học 2018 - 2019 có 4 trường ngoài công lập thành lập mới: Khánh Linh, Dục Anh, An Phúc (TP. Sóc Trăng); Early-Start (Kế Sách). Trong đó, Trường Mầm non Khánh Linh, và An Phúc, TP. Sóc Trăng được xây mới khang trang và đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn. Còn 2 huyện chưa có trường mầm non và nhóm lớp ngoài công lập: Thạnh Trị và Cù Lao Dung.

Về Triển khai thực hiện kế hoạch xã hội hóa giáo dục mầm non (XHH GDMN). XHH giáo dục là quá trình nâng cao vai trò định hướng, chỉ đạo, quản lý và đầu tư ngày càng tăng của Nhà nước cho quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhà nước và nhân dân cùng làm giáo dục, nhưng trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo để huy động sự đóng góp về trí lực, nhân lực, vật lực, tài lực của xã hội phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhận thức được tầm quan trọng, ngày 1-8-2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND thực hiện XHH GDMN trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2021, định hướng đến 2025. Theo kế hoạch được duyệt, toàn tỉnh có 27 trường, đến thời điểm này đã thực hiện được 17 trường. Như vậy, còn lại 10 trường phải thực hiện từ nay đến hết năm 2021. Trong thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, mặc dù tỉnh đã có chủ trương, chính sách thu hút XHH nhưng các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư trường mầm non (do trường công lập đang phát triển mạnh, đặc biệt là trường chuẩn quốc gia), còn đối với các nhóm lớp quy mô nhỏ thì tư nhân còn gặp nhiều khó khăn về vốn để đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; phần lớn phụ huynh chưa cỏ khả năng đóng góp cho con đi học (vì ở các trường công lập mức thu thấp hơn trường ngoài công lập); đội ngũ giáo viên biến động liên tục, chưa đạt chuẩn còn cao (27,9%); hầu hết các trường tư thục chưa thành lập tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, chưa được hưởng chính sách khen thưởng như ở trường công lập...

Việc chỉ đạo triển khai thực hiện hoạt động XHH GDMN của một số địa phương vẫn còn hạn chế, chưa chuyển biến về tư tưởng, một số cán bộ và nhân dân chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chế độ chính sách của Nhà nước nên khó huy động nguồn lực trong nhân dân, ngại huy động vì sợ đụng chạm. Cơ chế huy động nguồn lực xã hội chưa đủ mạnh. Chưa khai thác hết tiềm năng, nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các đoàn thể xã hội, các tầng lớp nhân dân trong, ngoài tỉnh.

Trong thời gian tới, cần quán triệt chủ trương thực hiện XHH GDMN một cách đầy đủ, thông suốt từ tỉnh đến các địa phương cơ sở. Tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ vai trò của giáo dục là quốc sách hàng đầu trong thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Tích cực tham mưu các cơ quan có thẩm quyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư xây dựng các trường mầm non ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Cần phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể với ngành giáo dục trong việc huy động nguồn lực XHH. Tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện kế hoạch trong năm 2019 để có những đánh giá và đưa ra những giải pháp phù hợp để triển khai trong thời gian tiếp theo.

N.T

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: