• Giáo dục

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Nghĩ về vai trò, trách nhiệm của thầy và trò ở các trường phổ thông hiện nay

20/11/2019 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 20/11/2019 | 06:01

STO - Đã từ lâu, ngày 20-11 hàng năm đã trở thành ngày lễ, ngày tết của thầy - cô giáo và học sinh, sinh viên cả nước, là ngày hội của dân tộc, thể hiện đạo lý “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đối với thầy - cô giáo, ngày 20-11 không chỉ là ngày lễ, ngày tết của mình, mà còn là dịp để ôn lại những kỷ niệm đẹp trong một năm “trồng người”, kiểm điểm lại trách nhiệm của mỗi người đối với nghề cao quý mà Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó. Qua đó động viên, nhắc nhở nhau làm tốt hơn nữa thiên chức người thầy. Đối với học sinh, sinh viên, ngày 20-11 là dịp tốt để các em thể hiện đạo lý “Tôn sư trọng đạo”, bày tỏ sự kính trọng và biết ơn đối với công lao giảng dạy của thầy - cô, từ đó nỗ lực hơn để trở thành trò giỏi, con ngoan. Đối với xã hội, ngày 20-11 là dịp để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các bậc phụ huynh kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước và đối với con em mình… Có thể nói, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm là ngày toàn xã hội góp thêm những “viên gạch hồng” để xây dựng tòa lâu đài hạnh phúc cho hôm nay, ngày mai và cho tương lai.

Nhân chuyến công tác tại tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dành nhiều lời khen ngợi đến đội ngũ giáo viên Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Thạnh Phú, đã thích ứng nhanh với phương pháp giảng dạy mới, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Ngọc Diễm

 “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn kính của xã hội đối với nghề dạy học, đối với thầy - cô giáo. Ông cha ta đã dạy: “Muốn sang phải bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Điều đó nói lên vai trò của thầy - cô giáo là người có trọng trách đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và đưa thế hệ trẻ trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống, sống có nhân nghĩa và làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Nói cách khác, xã hội đã đặt niềm tin đối với thầy - cô giáo trong sự nghiệp “dạy chữ, trồng người”.

Theo quan niệm của dân tộc ta, dạy học là một nghề thiêng liêng, là nghề cao quý trong các nghề cao quý. Thầy - cô giáo không chỉ là người mẫu mực, “đạo cao, đức trọng”, mà còn là “kỹ sư tâm hồn”, là tổng công trình sư kiến tạo và phát triển nhân cách cho lớp lớp học trò. Xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ, mong muốn xã hội phát triển và tiến bộ mà các thế hệ thầy - cô giáo đã mang hết tâm huyết và vốn tri thức của mình truyền thụ cho học trò, dạy cho học trò đạo làm người. Thiên chức của thầy - cô giáo là phát huy và truyền thụ lại cho học trò những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Qua đó mà hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời đại, làm cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc, làm cho xã hội Việt Nam ngày càng tiến bộ và văn minh hơn.

Nghề dạy học đã trở thành một nghề cao quý và sáng tạo, luôn luôn được nhân dân yêu mến và kính trọng. Đúng là “không thầy đố mày làm nên”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Với ý nghĩa đó, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: các thầy - cô giáo là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng họp mặt các em sinh viên quê Sóc Trăng đang theo học ở các học viện tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ảnh: ĐP

Ngày nay, vai trò, vị trí của thầy - cô giáo càng được đề cao hơn nữa, vì nó trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và những nhân tài cho đất nước. Vai trò, vị trí của thầy - cô giáo càng được đề cao thì xã hội cũng mong muốn thầy - cô giáo luôn luôn phấn đấu giữ được những hình ảnh đẹp và cao thượng để các thế hệ học trò noi theo. Càng được xã hội tôn vinh thì trách nhiệm của thầy - cô giáo càng nặng nề. Phấn đấu để xứng đáng danh hiệu người thầy là khó khăn, nhưng không phải không làm được. Người thầy, nói như Khổng Tử là phải “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”; phải là tấm gương sáng về đức và tài cho mọi người.
Các-Mác đã nói: “Người đi giáo dục trước hết phải là người được giáo dục”, bởi vì “Mình là muối mà mình không mặn thì biết lấy gì để muối mình”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: trước sự phát triển nhanh chóng của tri thức nhân loại, để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học và góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, thầy - cô giáo không được bằng lòng với kiến thức đã có, mà phải không ngừng thường xuyên học tập, tích lũy kiến thức để nâng cao trình độ tri thức bản thân. Người cho rằng, người nào tự cho mình là biết đủ rồi thì người đó là dốt nhất. Người còn chỉ rõ: “giáo viên chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại, mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”. Dân gian có câu: càng học càng thấy dốt, mà dốt thì càng phải học. Do đó, học, học nữa, học mãi, học không có trang sách cuối cùng là mệnh lệnh của xã hội cho mỗi thầy - cô giáo và là yêu cầu của cuộc sống ngày nay.

Dạy học là một nghề, nhưng không nên quan niệm dạy học chỉ là một nghề như mọi nghề khác, vì xét về bản chất dạy học còn là đạo - đạo thầy - trò và bao trùm hơn, đó là đạo làm người, sống sao xứng đáng với con người, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh hơn. Nhưng thật đáng buồn, những năm gần đây, dưới tác động tiêu cực bởi mặt trái của kinh tế thị trường, hình ảnh của thầy - cô giáo có nơi bị hoen ố bởi một số “con sâu làm sầu nồi canh”; một số thầy - cô giáo không có tâm, không đủ tầm, coi dạy học như một nghề kiếm sống, rồi nặng về thu nhập hơn chất lượng giáo dục - đào tạo, thậm chí biến nhà trường thành thương trường, biến sự dạy học thành quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ thầy - trò trở thành quan hệ mua - bán; dùng tiền, vật chất, tình cảm, thậm chí quyền lực mua bán điểm, kết quả học tập, chứng chỉ, bằng cấp và bao tiêu cực khác… Khi đã như vậy thì ý nghĩa cao đẹp của nghề dạy học không còn nữa. Những hiện tượng tiêu cực này tuy không phải là phổ biến, nhưng cũng không phải là số ít, làm xói mòn lòng tin của các bậc phụ huynh và xã hội đối với thầy - cô giáo và ngành giáo dục - đào tạo. Đây là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức nhà giáo, bị các thế lực phản động, thù địch lợi dụng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ta đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà. Điều này nếu không sớm có biện pháp khắc phục triệt để sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta trong tương lai gần.

Dạy học là thiêng liêng. Đi học cũng thiêng liêng, là trách nhiệm và hạnh phúc của mỗi người. Học là để biết, để hiểu, để cảm nhận, để ý thức. Học là gom góp những kinh nghiệm sống. Học là để hòa đồng với thế giới chung quanh, để tìm ra được hướng đi cho chính bản thân, để sống hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc với mọi người. Các cụ xưa đã dạy: “Ngọc bất trát, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý”. Ngọc không được mài giũa thì không thành vật dụng. Người không được học hoặc học không đến nơi đến chốn, học không nghiêm túc, chỉ cốt được lên lớp, có chứng chỉ, bằng cấp… thì không nâng cao trình độ nhận thức, thậm chí không hiểu được đạo lý. Đã không hiểu đạo lý, không có tri thức làm nền thì có thể khó phân biệt được đúng - sai, phải - trái, đẹp - xấu… dẫn đến xử sự không đúng mực.

Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức, đại lượng tri thức không ngừng lớn lên và mở rộng không có giới hạn ở biên giới quốc gia. Trong môi trường như vậy, nếu chúng ta không học tập, không tiếp thu cái mới thì sẽ bị lạc hậu, tụt lùi, không trở thành người hữu ích cho gia đình và cho xã hội. Người ta đã ví von: bước vào nền văn minh tri thức mà con người không có hoặc thiếu tri thức hiện đại và chuyên sâu thì chẳng khác nào muốn vào xem triển lãm mà không có vé. Đây là thách thức rất nghiệt ngã đối với mỗi con người cũng như đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Song, thật đáng trách, hiện nay trong khi được gia đình, thầy - cô giáo và xã hội quan tâm, lo lắng đầy đủ về thời gian, tiền bạc, vật chất nhưng lại có không ít học sinh (kể cả đảng viên, cán bộ, công chức) có ý thức, động cơ và mục đích học tập chưa tốt, thậm chí “lười học”, hoặc nếu có học thì cũng chỉ là học vẹt, học đối phó. Đó quả thực là những suy nghĩ và hành động hết sức sai lầm. Mỗi người chúng ta, nhất là các em học sinh đừng để phí hoài thời gian ở ghế nhà trường, bởi nếu mải chơi chúng ta sẽ làm lỡ mất một chuyến tàu đi đến tương lai.

Danh ngôn có câu: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng”. Vì thế, học tập là một việc vô cùng cần thiết của mọi người đối với cuộc sống hiện tại và tương lai và việc học sẽ không bao giờ là đủ. Do đó, học, học nữa, học mãi với thái độ nghiêm túc, cầu tiến bộ, bắt nhịp với đà tăng tốc của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại của thế giới là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người, nhằm thực hiện mong ước của Bác Hồ là sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.

Kiên Trung

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: