• Giáo dục

Thầy trò Trường Lê Văn Tám: Tấm gương sáng ngời cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà

20/11/2018 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 20/11/2018 | 06:02

STO - Cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các thế hệ thầy trò Trường Lê Văn Tám tự soi mình vào quá khứ những chặng đường gian khó đã qua. Và qua đó, nhìn thấy lấp lánh hình bóng yêu thương của thầy, trò và sự đùm bọc, chở che, dìu dắt của nhân dân giúp cho Trường Lê Văn Tám tồn tại và phát triển suốt 15 năm (1961 – 1976). 15 năm ấy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ban Tuyên Văn Giáo Tỉnh ủy, thầy, trò Trường Lê Văn Tám kiên cường phấn đấu lập nên nhiều chiến công, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau Đồng Khởi 1960, nhu cầu cấp thiết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, có trình độ văn hóa, có đạo đức cách mạng, trước mắt phục vụ cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này sẽ tham gia xây dựng đất nước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vì thế, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên Văn Giáo và Tiểu ban Giáo dục tỉnh mở trường dạy cho con em các đồng chí lãnh đạo, cán bộ cốt cán của tỉnh, huyện, trường được đặt tên là “Lê Văn Tám”.

Trường Lê Văn Tám khai giảng lớp đầu tiên giữa năm 1961, tại ấp Hậu Bối, xã Vĩnh Hưng, trong nhà một nông dân yêu nước, nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ cách mạng - Gia đình bác Hai Phóng. Gia đình bác Hai là một gia đình hết sức nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho 20 học sinh và thầy Phạm Minh Điện (Sáu Điện), cũng như Tiểu ban Giáo dục tiến hành thành công lớp học nội trú đầu tiên, một mô hình kiểu mới thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh Sóc Trăng. Từ sự thành công của lớp học đầu tiên, Trường Lê Văn Tám đã mở rộng và phát triển trường lớp học ở nhiều nơi trong vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Sóc Trăng xưa (nay là hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu).

Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trường Lê Văn Tám được sang trang mới trong niềm vui chiến tranh đã chấm dứt. Từ địa điểm Xóm Bà Ky và Số 2, xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành (nay là huyện Mỹ Tú), trường được dời về TX. Sóc Trăng, địa điểm đặt tại trại Diên Hồng (vừa tiếp quản) đường Phan Thanh Giản (cũ) nay là Trường PTTH Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, đường Lê Hồng Phong, TP. Sóc Trăng.

Cô vẫn dạy và trò vẫn học trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Ảnh: Tư liệu truyền thống kháng chiến tỉnh Sóc Trăng

Suốt 15 năm ra đời và phát triển, Trường Lê Văn Tám mở được 45 lớp, từ lớp 1 đến lớp 6, hệ 10 năm, có hơn 1.500 học sinh theo học. Nhìn lại truyền thống của trường, là cựu học sinh Trường Lê Văn Tám, chúng tôi rất tự hào về sự sáng suốt và táo bạo trong công tác đào tạo cán bộ nguồn của Tỉnh ủy, Ban Tuyên Văn Giáo (tuyên huấn) cùng Tiểu ban Giáo dục của tỉnh Sóc Trăng ngay trong vùng căn cứ kháng chiến và vùng giải phóng mới vừa mở rộng.

Được biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chiêu sinh xuống các huyện, thị, cơ quan, ban ngành tỉnh để chọn con em thuộc gia đình liệt sĩ, con em cán bộ, chiến sĩ, gia đình chí cốt với cách mạng. Trong lúc đó, những điều kiện tối thiểu cho việc ăn ở, học hành, tài liệu, sách giáo khoa, trường lớp, bàn ghế, thầy, cô giáo hầu như chưa có gì. Về chế độ phụ cấp, tỉnh chỉ giải quyết cho mỗi thầy, cô và học sinh mỗi tháng 1 táo gạo/người. Còn lại các sinh hoạt khác của cuộc sống – học tập như: trường lớp, bàn ghế, nơi ăn, chốn ở, đào hầm trú ẩn... đều tự túc, đều dựa vào dân.

Những lúc khó khăn đó tưởng chừng không vượt qua nổi! Nhưng với quyết tâm cao, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và Tiểu ban Giáo dục tỉnh đã tập trung chăm lo, bồi dưỡng, động viên đội ngũ thầy, cô giáo, chỉ đạo sâu sát, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nơi xây dựng trường, mở lớp. Vấn đề đặc biệt ở đây là phải biết dựa vào dân, tin ở dân, nhờ nhân dân che chở, giúp đỡ từ việc dựng trường, che chòi, đào hầm, ăn, ở, đau yếu, thương tật... khi địch đánh phá, càn quét.

Việc nuôi chứa cán bộ, học sinh theo học trường, lớp của cách mạng lúc bấy giờ đồng nghĩa với sự chấp nhận hy sinh, có thể bị bắt bớ, tù đày, bắn giết khi địch phát hiện. Nhưng với truyền thống yêu nước, niềm tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng thắng lợi của cách mạng, nhân dân ở các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú, Ninh Thạnh Lợi, Phước Long, Ninh Quới (huyện Hồng Dân), Mỹ Quới, Châu Thới, Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị), xã Mỹ Phước (huyện Châu Thành cũ, nay là huyện Mỹ Tú) đã đùm bọc thầy, trò Trường Lê Văn Tám suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những năm tháng thầy, trò Trường Lê Văn Tám sống ở trong lòng dân là những năm tháng các thế hệ học sinh của trường có nhiều kỷ niệm đẹp nhất. “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, các em đã trở thành con cháu của gia đình, vui buồn cùng gia đình, đồng cam cộng khổ những năm tháng khó khăn, vất vả đầy nguy nan ấy.

Một buổi học trong kháng chiến. Ảnh: Tư liệu truyền thống kháng chiến tỉnh Sóc Trăng

Song những nỗi buồn, xa vắng gia đình của tuổi thơ đã được phần nào bù đắp bằng sự yêu thương chăm sóc của nhân dân. Cô, bác thực sự như cha mẹ các em, góp phần dạy dỗ, nuôi nấng cho các em trưởng thành. Gia đình nuôi chứa trở thành môi trường giáo dục đạo đức tuyệt vời của nhà trường. Các em thấu hiểu được sự lo toan, nhọc nhằn, gian khổ, hy sinh của người dân, càng thương dân hơn để khi ra trường sống chiến đấu, công tác thể hiện đầy đủ trách nhiệm với nhân dân. Qua thầy và trò, dân càng tin vào Đảng, tin vào sự thắng lợi của cách mạng. Công lao to lớn của những gia đình nuôi chứa mãi mãi là sự biết ơn vô hạn của thầy, trò Trường Lê Văn Tám nói riêng, của cách mạng nói chung.

Các thế hệ học sinh Trường Lê Văn Tám là niềm tự hào của Trường, mỗi em học sinh là một chiến sĩ cách mạng. Sẵn trong người dòng máu cách mạng, các em học sinh đã tận mắt chứng kiến cảnh Mỹ - ngụy đốt nhà cướp của, giết người trong xóm làng mình. Hàng đêm các em không thể yên giấc vì bom pháo giặc. Còn nhỏ, khi thoát ly gia đình lúc mới 12 - 13 tuổi nhưng lòng đã nặng trĩu oán thù quân Mỹ - ngụy. Các em muốn mình mau lớn, sớm được ra cầm súng cứu nước, cứu nhà. Mỗi khi đơn vị bộ đội ghé qua trường, có số em lớn năn nỉ các anh chỉ huy được theo đơn vị chiến đấu.

Có những hôm trên lớp học, các em đang nghe thầy cô giáo giảng bài thì được tin ba một em học sinh trong lớp vừa hy sinh. Nước mắt thầy cô và các em giàn giụa, lòng quặn đau nghẹn lời. Khi cả lớp đứng lên mặc niệm người chiến sĩ cách mạng vừa hy sinh, không khí lớp lặng đi, tất cả lòng căm thù giặc như sắp nổ tung lên. Cứ thế, cứ thế đau thương trùm lên những tháng năm của tuổi trẻ. Tất cả những bi hùng đó đã hun đúc thêm lòng quả cảm, chí kiên cường, đức hy sinh trong từng em học sinh. Động cơ học tập của các em đã xác định rõ ràng: Học để làm cách mạng, để giải phóng quê hương đất nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể cán bộ, giáo viên Trường Lê Văn Tám (trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước) năm 2015. Ảnh: Quốc Kiên

Từ cái nôi Trường Lê Văn Tám này, đã thôi thúc các em rèn luyện, học tập không ngừng để hôm nay chúng ta tự hào có rất nhiều học sinh Trường Lê Văn Tám sau khi ra trường đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, hàng trăm em còn lại sau chiến tranh đang giữ các chức vụ quan trọng, chủ chốt thuộc cơ quan Đảng, chính quyền, hội đồng nhân dân, các ngành, đoàn thể... cấp tỉnh, thành, quận, huyện, một số vị trí quan trọng trong quân đội trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Đặc biệt, có tới 2 ủy viên Trung ương Đảng, một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Trường vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Đây là phần thưởng vô giá, tô đậm thêm những nét son chói ngời lịch sử Trường Lê Văn Tám.

Thầy giáo, cô giáo bao giờ cũng là nhân vật trung tâm trong nhà trường. Riêng đối với Trường Lê Văn Tám lại rất đặc biệt, rất thiêng liêng. Hầu như các thế hệ học sinh ở đây đều mang trong tâm trí mình hình ảnh thầy, cô giáo đã cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu sống chết bên nhau dưới mái trường kháng chiến. Khi mới xa cha mẹ, thầy, cô giáo là chỗ dựa tinh thần thân thương, gần gũi nhất của các em nhỏ. Thầy, cô chăm lo, dạy dỗ các em như người chị, người mẹ hiền, người cha mẫu mực.

Không chỉ vậy, mà mỗi thầy cô giáo là những chiến sĩ cách mạng trong sáng, kiên cường, dũng cảm chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước phụ huynh trong việc chăm sóc, dạy dỗ, bảo vệ các em trong mọi tình huống ác liệt nhất của chiến trường Sóc Trăng.

Sự tận tâm, tính gương mẫu, đức hy sinh và tài năng đức độ của thầy, cô mãi mãi là hình ảnh không bao giờ phai trong tâm của các thế hệ học sinh Trường Lê Văn Tám Sóc Trăng, góp thêm hương sắc rạng rỡ cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà để đào tạo nguồn nhân lực xây dựng quê hương, xứ sở mình ngày càng phồn vinh, vươn tới những tầm cao mới.

/uploads/Video/News/2018/11/17/234220joined-all.mp4 

Trích phim tài liệu Tuyên huấn Sóc Trăng - Tập 2, đoạn nói về Trường Lê Văn Tám.

Lê Minh Giàu (Cựu học sinh Trường Lê Văn Tám)

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: