• Giáo dục

Thực trạng công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

07/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 07/04/2018 | 06:00

STO - Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và ngành giáo dục, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết.

Phân luồng học sinh sau THCS được xác định là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học trung học phổ thông và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên trung học phổ thông, sau đó thi vào đại học hoặc cao đẳng. Từ đó, tỷ lệ học sinh sau THCS sang học các hệ nghề nghiệp còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, điều này gây áp lực rất lớn cho các trường đại học, cao đẳng và ngược lại, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề tuyển sinh gặp khó khăn.

Kết quả phân luồng học sinh sau THCS trong 5 năm (2013 - 2017) trên địa bàn tỉnh, cụ thể: năm học 2013 - 2014 có 10.434 học sinh tốt nghiệp lớp 9, thì chỉ có 728 học sinh vào cao đẳng nghề, trung cấp; năm học 2014 - 2015 có 12.210 học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó có 670 học sinh vào cao đẳng nghề, trung cấp; năm 2015 - 2016 có 14.380 học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó học sinh học cao đẳng nghề, trung cấp là 880; năm học 2016 - 2017 có 13.057 học sinh tốt nghiệp lớp 9, có 660 em học cao đẳng nghề, trung cấp và đến năm học 2017 - 2018 có 12.822 học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó có 1.077 em theo học cao đẳng nghề, trung cấp.

Tuyên truyền cho học sinh về công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Qua kết quả trên, có thể thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS lên học trung học phổ thông còn cao, nguyên nhân phần lớn là do phân luồng sau tốt nghiệp THCS khi các em còn tuổi vị thành niên; một phần yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý phải tốt nghiệp trung học phổ thông mới được coi là đủ trình độ văn hóa, thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh dẫn đến một thực trạng xã hội ngày càng tràn lan các trường đại học, cao đẳng làm cho xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng. Bên cạnh đó, học sinh, phụ huynh cũng chưa tha thiết với phân luồng sau THCS bởi thực tế các trường nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, chương trình đào tạo chưa phù hợp… hệ lụy là cơ cấu nhân lực trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, dẫn đến những người có trình độ cử nhân thì thất nghiệp hoặc không làm đúng chuyên môn, trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật lại thiếu, do đó không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Qua 5 năm triển khai thực hiện công tác phân luồng, với kết quả đạt được và đánh giá những thuận lợi, khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo đề ra nhiều giải pháp, định hướng trong giai đoạn 2018 - 2020, nhằm đạt được những kết quả cao hơn theo mục tiêu Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn” đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Châu Tuấn Hồng cho biết: “Ngành giáo dục rất quan tâm đến việc phân luồng học sinh sau THCS, thứ nhất là để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; thứ hai là để cho những học sinh điều kiện kinh tế khó khăn có thêm hướng đi, từ đó làm giảm được số học sinh bỏ học. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các địa phương còn chưa tốt, không chỉ là tư vấn hướng nghiệp, mà cần phải có những biện pháp tuyên truyền, định hướng cho các em”.

Để công tác phân luồng thực sự đạt hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình, sách giáo khoa dạy nghề, hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn; đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo giáo viên hướng nghiệp trong trường học đáp ứng việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh đạt hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cho các trường nghề, nâng cấp trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố để thu hút học sinh vào học, theo đó, UBND các cấp quan tâm sắp xếp và hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo nghề đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Thiết nghĩ, trước thực trạng công tác phân luồng học sinh sau THCS hiện nay, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp cần nhấn mạnh cho các em học sinh hiểu việc phân luồng sau THCS để giúp mỗi cá nhân học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội mà không nhất thiết phải theo đuổi việc được học đại học. Đồng thời, cần tổ chức hướng nghiệp cho học sinh từ năm lớp 6 chứ không đợi đến lớp 9; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn; cần quan tâm phát triển đầy đủ và tăng cường đầu tư cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.

H.Như

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: