• Giáo dục

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm - trẻ chủ động, sáng tạo, tư duy tốt hơn

06/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 06/10/2018 | 06:00

STO - Thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, từ năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018, giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo của bậc học giáo dục mầm non và mang lại hứng thú cho trẻ khi đến trường.

Đến Trường Mẫu giáo Thạnh Trị (Thạnh Trị), chúng tôi nhận thấy môi trường giáo dục tại đây có nhiều đổi thay so với những năm trước. Trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai nội dung, hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả chuyên đề. Trong đó, việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là một trong những nội dung được nhà trường ưu tiên chú trọng với mục tiêu tạo môi trường để trẻ được thỏa sức trải nghiệm và sáng tạo. Trường có khuôn viên khá rộng rãi, với diện tích 4.241m2. Qua quan sát, các phòng đảm bảo theo quy định, sắp xếp, trang trí không gian hợp lý, thẩm mỹ, thân thiện. Từ khi thực hiện chuyên đề, trường cũng bố trí các góc cho trẻ hoạt động, đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ.

Trẻ học tại Trường Mẫu giáo Thạnh Trị thích thú với hoạt động vẽ tranh.

Theo đó, các góc hoạt động, đồ dùng, đồ chơi được nhà trường xây dựng dựa trên sự phát triển của trẻ và phù hợp với từng lứa tuổi. Đặc biệt, nhà trường còn xây dựng góc chơi để hoạt động ngoài trời an toàn, sạch, đẹp giúp trẻ chủ động khám phá, tìm tòi, trải nghiệm và sáng tạo, như: khu vận động để chơi đu quay, cầu trượt và một số trò chơi dân gian, khu yên tĩnh để xem truyện, sách, khu vẽ tranh…

Cô Trần Ngọc Phong - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thực sự cần thiết, đặc biệt là trong công tác tổ chức hoạt động cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ, thông qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển một cách toàn diện. Theo đó, nhà trường còn chú trọng việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện giữa giáo viên với trẻ, giáo viên với phụ huynh để tạo nên sự đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non”.

Với chuyên đề này, toàn tỉnh có 11/11 đơn vị phòng giáo dục tham gia với 52 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là điểm thực hiện chuyên đề cấp huyện và có 5 trường được lựa chọn xây dựng mô hình điểm chuyên đề cấp tỉnh. Bà Triệu Duy Trần Đông Thảo - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chuyên đề đã góp phần làm thay đổi rõ rệt hiện trạng cảnh quan, diện mạo của trường mầm non, mẫu giáo; tạo cơ hội cho giáo viên được trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết kế, xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục. Từ đó trẻ được hưởng lợi trong đổi mới phương pháp giáo dục. Trong thực hiện chuyên đề có 100% cán bộ quản lý được trang bị tài liệu, được tập huấn chuyên đề; 100% trường được trang bị bộ video hỗ trợ nâng cao năng lực thực hành làm tư liệu để học tập, nghiên cứu và mỗi giáo viên đều có 1 bộ tiêu chí thực hành, áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non để làm cẩm nang trong thực hiện”.

Bên cạnh đó, từ chuyên đề này, các địa phương còn tham gia tích cực và tổ chức thành một cuộc thi xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non. Kết quả có 34 sản phẩm dự thi, trong đó có 6 sản phẩm được trao giải cấp tỉnh và 3 sản phẩm xuất sắc nhất được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen thuộc các trường: Trường Mẫu giáo Thạnh Trị (Thạnh Trị), Trường Mẫu giáo Long Đức (Long Phú) và Trường Mầm non Họa Mi (Kế Sách).

Trong 2 năm thực hiện chuyên đề (năm học 2016 - 2017 và 2017 - 2018), phòng giáo dục các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo cơ sở làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương cũng như phối hợp tốt với các ngành, tổ chức, cá nhân nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ đầu tư mua sắm và làm thêm nhiều đồ chơi, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, học tập của trẻ. Từ đó công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng chuyên đề và tạo nên sự gắn kết giữa các đoàn thể xã hội, nhà trường và phụ huynh học sinh.

Thực hiện chuyên đề, Trường Mẫu giáo Long Đức cải tạo khuôn viên trường gần gũi với thiên nhiên để trẻ vui chơi, khám phá.

Kết quả qua 2 năm thực hiện chuyên đề, nhìn chung môi trường trong lớp học tại các trường mầm non có nhiều đồ dùng, đồ chơi hơn và môi trường ngoài lớp học cũng phong phú hơn để trẻ thỏa sức khám phá, trải nghiệm; giáo viên được chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch giáo dục, lựa chọn các nội dung giáo dục trên cơ sở phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, khả năng của trẻ. Chuyên đề này còn tạo cho trẻ chủ động lựa chọn hoạt động để vui chơi, tìm tòi, khám phá, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo, hợp tác với bạn bè, trò chuyện và chia sẻ ý kiến, trẻ được thể hiện ý tưởng mà không bị gò bó bằng việc chơi mà học, học mà chơi một cách hiệu quả.

Có thể thấy, với những tiêu chí tích cực, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã và đang góp phần thay đổi diện mạo giáo dục mầm non trong tỉnh. Trẻ được chủ động, sáng tạo và tư duy tích cực hơn trong các hoạt động, góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng theo chuẩn chương trình giáo dục mầm non.

H.Như

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: