• Thi đua - Khen thưởng

Cái "tâm" của người tài xế lái xe cấp cứu

07/08/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 07/08/2018 | 06:00

STO - Mỗi lần đưa bệnh nhân đến bệnh viện an toàn, kịp thời, anh Trương Minh Dũng, tài xế lái xe Bệnh viện Quân – Dân y Sóc Trăng lại thấy hạnh phúc vỡ òa, bao nhiêu mệt mỏi tan biến. 31 năm với nghề, anh không nhớ đã chở được bao nhiêu lượt bệnh nhân và cũng không kể xiết được những chuyện vui buồn với nghề, cái nghề mà ít ai chọn vì nhiều nguy hiểm, áp lực.

Ôm tay lái - phía trước là hiểm nguy, phía sau là sinh mạng con người

Đang ăn vội bữa cơm trưa, bỗng điện thoại reo lên, anh Dũng gói lại phần cơm còn lại, lật đật lấy xe để đi chuyển bệnh. Có lúc vừa chợp mắt sau một ngày làm việc mệt nhọc, điện thoại lại reo, anh tiếp tục đồng hành với chiếc vô lăng. Công việc của anh có lúc vui lúc buồn, với anh mỗi chuyến xe là hành trình khác nhau. Anh ví von: “Do nghề chọn mình, nhưng khi đã làm rồi thì nếu được chọn lựa lại thì lại chọn làm tài xế lái xe cấp cứu mà thôi. Công việc này người tài xế phải gồng gánh hai bên. Phía trước tay lái là hiểm nguy vì phải “phóng nhanh như tên bay” trên đường có đông phương tiện lưu thông; còn phía sau tay lái là người bệnh đang chiến đấu với tử thần, rất cần mình đưa đến bệnh viện kịp thời, chỉ cần chậm trong tích tắc, đã làm ảnh hưởng đến việc cứu chữa bệnh nhân”.

Với anh Trương Minh Dũng, tài xế lái xe Bệnh viện Quân – Dân y Sóc Trăng, mỗi khi đưa được bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.

Thời gian làm việc của anh không cố định, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng, dù ngoài giờ trực. Giọng anh nghiêm nghị: “Lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng chứ, không có suy nghĩ không trực thì lơ là công việc”. Từng học chuyên ngành y tá nên anh cũng biết cách sơ cứu bệnh nhân. Nhắc đến chuyện sơ cứu, anh ngẫm nghĩ một lúc, rồi kể: “Nhớ lần chuyển bệnh nhân lên Cần Thơ. Khi đến Trà Quýt (Châu Thành), bệnh nhân bắt đầu co giật. Cho xe ngừng lại, tôi cùng anh điều dưỡng làm hết khả năng, cả hai toát mồ hôi hột, một lúc sau bệnh nhân tỉnh lại, tụi tôi mới nhẹ cả người và tiếp tục cho xe chạy tiếp”.

Khi xe lăn bánh, tuy có còi ưu tiên, nhưng không vì thế mà cho phép lơ là, “Làm nghề này, không phải lên xe là đạp hết ga cho nhanh vì có còi ưu tiên. Mà phải có lúc nhanh lúc chậm, chạy xe phải đảm bảo an toàn, không phóng nhanh, vượt ẩu, gây dằn xóc, ảnh hưởng đến bệnh nhân. Khi đang điều khiển xe, phải tập trung cao độ quan sát phía trước để đoán tình huống mà có sự phòng tránh kịp thời”, anh Dũng bộc bạch.

Khi hỏi về những trở ngại, khó khăn của nghề cầm vô lăng xe cấp cứu, anh nhẹ giọng than thở: “Hiện nay ý thức nhường đường cho xe cấp cứu của một bộ phận người dân rất kém. Nhiều khi xe mình hú còi rất to nhưng vẫn không được xe phía trước nhường đường. Lái xe vào ban đêm tôi sợ nhất là người đi bộ và người say xỉn. Đến chỗ đèn đỏ thì xe đậu bít hết lối đi. Sợ nhất là rơi vào đoạn đường bị kẹt xe. Khi đó lái xe phải thông thuộc đường để đi đường tắt hay vào giờ cao điểm chọn con đường khác tránh kẹt xe”.

Công việc không dành cho người kém chịu đựng

Công việc của anh không dành cho người chịu đựng kém. Vì hằng ngày anh phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, với máu, xác người, chất bẩn do người bệnh nôn ói… Anh chia sẻ, có lần anh chở bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ tự tử, mùi thuốc diệt cỏ nồng nặc xông vào mũi, tuy khó chịu nhưng anh vẫn tập trung lái xe đưa bệnh nhân nhập viện. Có khi anh phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ người thân người bệnh với bao nhiêu buồn bã, bực bội cứ xả hết vào anh…

Anh còn nhớ trường hợp ca bệnh được bác sĩ Bệnh viện Quân - Dân y Sóc Trăng chỉ định chuyển bệnh đến Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng. Lúc đó người nhà không ai lên tiếng yêu cầu chuyển bệnh viện khác, khi xe gần đến Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng (địa chỉ cũ) thì người nhà bệnh nhân phản ứng rất mạnh, đòi được chuyển lên Cần Thơ, bắt ngừng xe lại. Anh Dũng kể: “Khi tôi mở cửa cho người nhà xuống, giải thích nhưng họ không chịu nghe. Giờ biết làm sao đây. Thấy đang ở gần Công an Phường 8, tôi nhờ họ ra giải quyết. Công an phường mới mời hết người nhà vô và kêu tôi chở bệnh đến bệnh viện với một người nhà. Sau đó, công an mới dẫn mấy người nhà vô sau. Lúc đó, tôi vừa giận vừa buồn, vì mình cố gắng hết sức chạy cho lẹ để bệnh nhân được nhập viện sớm, bác sĩ có thể cứu chữa kịp thời”.

Có ngày anh phải ngồi suốt trên ghế lái. Cũng có lúc anh vỗ giấc không thành, trằn trọc thức tới sáng vì mênh mang nỗi buồn khi chứng kiến người bệnh qua đời, hay đau đáu vì những hoàn cảnh khó khăn mà anh không thể tiếp giúp được nhiều… Anh bồi hồi: “Có lần tôi chở ca bệnh tim. Người nhà đi theo chỉ là hai đứa trẻ. Khi đến nơi, nghe hai đứa trẻ vừa khóc, vừa kêu đói, tôi vội mua bánh mì, nước cho hai đứa. Lúc về mình cứ thấy xót xa”. 

Do tính chất công việc, nên chuyện chăm sóc con, vợ anh gánh phần nhiều. Nhiều khi đang chở vợ con đi chơi, hay đưa con đi học, khi có điện thoại gọi đến anh phải bỏ vợ, con tự tìm xe về nhà. Nhờ vợ, con hiểu được tính chất công việc của anh nên không có giận hờn. Nhắc đến anh, bác sĩ Lâm Văn Sen - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân - Dân y Sóc Trăng khen ngợi: “Anh Dũng là người rất có trách nhiệm trong công việc. Thấy hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn, anh đã đề xuất lãnh đạo bệnh viện miễn chi phí chuyển viện. Nhiều lúc, anh bỏ tiền túi mua nước, thức ăn cho người thân người bệnh. Công tác lâu năm, ngoài biết lái xe, anh Dũng còn biết về phần mềm vi tính, xử lý số liệu, tiếp giúp điều dưỡng bệnh viện sơ cứu bệnh nhân trên đường đi cấp cứu...”.

Từ ngày làm công việc này, anh đã quen rồi những giấc ngủ không được trọn vẹn. Anh Dũng chia sẻ: “Nhiều khi người nhà bệnh nhân bồi dưỡng nhưng tôi từ chối và bảo họ cứ giữ lấy mà lo cho người nhà. Mình nghĩ mình làm công việc này đã được trả lương, còn người nhà người bệnh khổ hơn”. Những điều anh chia sẻ tuy mộc mạc, giản dị nhưng đó là sự chân thành, là cái tâm của người làm việc trong ngành y và anh cứ âm thầm với công việc của mình, góp sức giành lấy sự sống cho bệnh nhân.

Thế Bằng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: