• Thi đua - Khen thưởng

Chắp cánh ước mơ những tấm gương hiếu học

05/05/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 05/05/2020 | 06:00

STO - Khuyến học, khuyến tài là một đạo lý được dân tộc ta luôn đề cao, truyền bá và phát huy. Xuất phát từ quan điểm đó, trong những năm qua, Hội Khuyến học Sóc Trăng phối hợp chặt chẽ các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển, góp phần tích cực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xây dựng nguồn quỹ khuyến học, khuyến tài

Với vai trò là cầu nối các tổ chức, cá nhân chung tay cùng thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, liên kết hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp… tham gia đóng góp quỹ khuyến học rất đa dạng với các loại hình học bổng như: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Sóc Trăng tài trợ học bổng “Lương Định Của” và chương trình “Tiếp bước cho em đến trường” của Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và gia đình nhà cách mạng Dương Kỳ Hiệp tài trợ học bổng “Dương Kỳ Hiệp”; Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng tài trợ học bổng Lawrence S.ting; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tài trợ học bổng “Vì em hiếu học”; Công ty Viễn thông Mobifone tài trợ học bổng chương trình “Thêm một cuộc gọi, thêm một trang vở”; năm 2019, Hội đồng hương Sóc Trăng tại TP. Hồ Chí Minh tài trợ 550 chiếc xe đạp và 100 bộ máy vi tính…

Sự hỗ trợ kịp thời tạo động lực cho các em học sinh vượt khó học tốt. Ảnh: Minh Huy

Các cấp hội khuyến học còn linh hoạt, đa dạng hóa hình thức vận động gây quỹ học bổng như: mạnh thường quân, cán bộ lãnh đạo nhận nuôi dưỡng học sinh, sinh viên nghèo hiếu học bằng hình thức cấp học bổng trực tiếp cho mỗi học kỳ; vận động cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đóng góp, tài trợ quỹ khuyến học hoặc tặng dụng cụ học tập như: xe đạp, cặp, quần áo, tập viết… 

Với sự “tiếp sức” từ hội khuyến học đã “mở rộng” con đường đến trường của các em có hoàn cảnh khó khăn. Gia cảnh khó khăn, cha mất sớm, mẹ làm thuê kiếm sống, nhưng cô học trò Võ Thị Thúy Hòa, học sinh Trường THPT Thiều Văn Chỏi (Kế Sách) vẫn nuôi ước mơ cùng con chữ và nhiều năm liền em đều là học sinh giỏi. Hay trường hợp em Đặng Thanh Thảo, học sinh Trường THPT Kế Sách (Kế Sách), mẹ bị bệnh qua đời, cha bỏ đi, em được ông bà ngoại cưu mang. Nhưng nhà ông bà ngoại thuộc diện hộ nghèo của địa phương, ông ngoại lại bị bệnh tai biến liệt nửa người, nên chi phí học tập của em cũng là vấn đề đáng quan tâm…

Với những trường hợp trên, cán bộ hội khuyến học đã đến tận nhà thăm hỏi và kịp thời hỗ trợ các em vượt qua khó khăn đến trường. Từ nguồn học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/suất đã giúp gia đình các em trang trải khó khăn trong cuộc sống và kinh phí cho các em đến trường.

Ươm mầm những ước mơ

Việc tìm, vận động nguồn tài trợ học bổng được hội khuyến học các cấp thực hiện không hề dễ dàng và việc trao đúng chỗ, đúng đối tượng cũng là điều mà người làm công tác hội trăn trở. Bởi đó không phải đơn thuần giữa trao và nhận mà người cán bộ hội phải tìm hiểu, gặp gỡ từng trường hợp để nắm chắc hoàn cảnh từng em và làm công tác tư tưởng, động viên, khích lệ tinh thần các em để các em nhận nguồn tài trợ, phần học bổng sẽ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn, chiến thắng hoàn cảnh, không lùi bước dù phải đối mặt với nhiều thử thách hơn nữa. Và hội khuyến học các cấp luôn quan tâm đồng hành với những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Luôn quan tâm đồng hành với những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Minh Huy

Qua cuộc trao đổi tâm tình với cán bộ Hội Khuyến học tỉnh, tôi càng hiểu thêm về tính chất công việc của hội và những người không quản ngại đường xa, vất vả đến từng nhà các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn để lắng nghe những suy tư, trăn trở của các em mà tìm hướng giúp đỡ. Con đường đến nhà các em cũng khó khăn như “con đường học tập” của các em, cán bộ hội phải băng qua cánh đồng xa, qua cầu khỉ, con đường lầy lội, té sông, mắc mưa... là chuyện bình thường. Và tôi được nghe những câu chuyện xúc động về trường hợp đang bên bờ vực dở dang ước mơ đến trường do cha mẹ qua đời, em không còn động lực cũng như gia đình không còn khả năng để lo cho em đi học. Nhưng được hội khuyến học “tiếp sức”, không chỉ hoàn thành chương trình phổ thông mà em còn thi đậu, tiến bước vào giảng đường đại học. Hay câu chuyện của cậu học trò nghèo học xong lớp 12, xếp lại tập sách mưu sinh bằng công việc thợ hồ. Được sự đồng hành, giúp đỡ, động viên của hội khuyến học, em vừa làm vừa ôn luyện để thi vào đại học chuyên ngành mình yêu thích.

Sự chung sức của hội khuyến học, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là sự động viên lớn lao để các em tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa và gặt hái những thành tích cao trong học tập. Có học tập, có tri thức, đó là chìa khóa mở ra con đường mới để các em bước vào đời thực hiện nhiều ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Cùng hòa vào đội ngũ trí thức trẻ chung sức xây dựng quê hương phát triển. 

Minh Huy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: