• Thi đua - Khen thưởng

Hải “ếch” chia sẻ chuyện chăn nuôi

03/03/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 03/03/2020 | 06:00

STO - Hiện nay ở ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới An (Trần Đề) đã có nhiều người biết đến Thạch Võ Hoài Phương với biệt danh Hải “ếch”. Nuôi ếch thịt hiện tại đang là một giải pháp giảm nghèo, tăng thêm thu nhập từ chăn nuôi đối với những hộ gia đình có ít đất sản xuất, ít vốn.

Tính luôn cả căn nhà thì diện tích mảnh đất của Hoài Phương chỉ tròm trèm “một góc tư công đất” - tức vào khoảng 250m2. Vợ là giáo viên và hai vợ chồng đã có 2 con nhỏ, không một miếng ruộng nên để đảm bảo cuộc sống gia đình, Hoài Phương đã từng làm đủ thứ nghề, từ chở hàng bỏ mối, làm xưởng chà gạo rồi cho tới chăn nuôi. Từ vịt gà tới heo, rồi bò thịt - bò sữa… Đủ cả!

Hoài Phương (Hải “ếch”) và khách đến tham quan trại ếch giống.

Hải “ếch” chia sẻ: “Ở ấp Thanh Nhàn này những người nuôi bò đa số đều có đất rộng để trồng cỏ. Còn em thì đất chỉ vừa đủ để làm chuồng. Nuôi bò tưởng dễ ăn hơn heo nhưng chỉ tính riêng công cắt cỏ 1 ngày đủ cho bò ăn cũng đã 2 ghe tầm 200kg – 300kg cỏ. Mà có phải chỉ một mình mình cắt đâu? Bắp, dây khoai lang sau thu hoạch thì người trồng cũng bán sinh khối cho những trại nuôi bò lớn. Tính ra chỉ riêng công lao động và chi phí mình đã phải bỏ vô mỗi ngày 400.000 đồng chứ đâu có ít!? Trong lúc tính đường khác để làm ăn thì Hoài Phương nhớ một lần đi chở hàng cho khách thấy vuông nuôi ếch nên anh bỏ thời gian tìm hiểu về con ếch và cách nuôi. Sẵn dãy chuồng heo bỏ không anh cải tạo lại và đến nay đã “chết danh Hải “ếch””.

Để có được những kinh nghiệm và kiến thức với nghề, anh đã nuôi ếch thịt trước để có những thực tế từ chính đàn ếch của mình. Hơn 1 năm nuôi ếch thịt với 4 lứa xuất bán, anh nhận định: “Chăm sóc ếch khá đơn giản khi mình chỉ cần cho ăn thức ăn đầy đủ vitamin và khoáng thì ếch mau lớn và sinh trưởng tốt. Những chuyện này thì trong thức ăn chế biến sẵn đã sẵn có. Còn muốn bổ sung thì mua rời xay nhuyễn bổ sung thêm trong thức ăn định kỳ 1 tuần 1 lần. Còn theo mùa như mùa lạnh thì giã tỏi trộn chung trong thức ăn để ngừa bệnh. Còn bệnh thì chỉ có nhiễm khuẩn gây ghẻ thân thì mua thuốc tím cộng thêm muối ăn để xử lý nước là hết ngay. Đa số mỗi khi trời trở lạnh, sương xuống nhiều thì ếch dễ bệnh về tiêu hóa… Quan sát bên ngoài nếu thấy một vài con sưng một bên bụng - giống như bị chướng hơi là mình bổ sung tỏi vào thức ăn là tốt. Mà con ếch nó ngộ lắm, khi có bệnh là nó không ăn nên tốt nhất mình phải ngừa trước”.

Môi trường nuôi quyết định sự thành bại của việc nuôi ếch nên việc xử lý để giữ nước luôn sạch trong bể nuôi cũng phải được chú ý. Nước sông sau khi bơm lên được anh xử lý bằng thuốc tím và muối thẳng trong bể nuôi. Hải “ếch” thả chung trong bể ếch cá trê và cá rô để cá rút tỉa, ăn lớp da ếch lột. Anh ví von “coi như mình mướn công nhân vệ sinh cho con ếch mà không mất tiền vậy”?! Với phương pháp này, trước đây 2 ngày phải thay nước 1 lần thì bây giờ 1 tuần anh thay nước chỉ 2 lần nhưng nước vẫn sạch, không mùi hôi! Bắt đầu từ đây, anh tự tin mở điểm cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch cho người dân trong vùng. Không ít người ở Vĩnh Châu, Mỹ Tú, Kế Sách, Cù Lao Dung đã tin tưởng và trở thành “mối ruột” của Hải “ếch”.

Anh Hải thông tin, 1.000 ếch giống sau 2 tháng nuôi thì trung bình có 200kg ếch thương phẩm. Giá chợ hiện tại khi cân cho bạn hàng là 35.000 đồng/kg. Chi phí thức ăn và công lao động từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Người nuôi có lợi nhuận cao hơn nuôi heo nhiều và quan trọng nhất là chỉ sau 2 tháng, người nuôi đã “xoay vòng được nguồn vốn”!

Cũng như không ít nhà nông trẻ khác, Hải “ếch” luôn sẵn sàng hướng dẫn người nuôi thông qua những ứng dụng mạng xã hội. Anh chọn Zalo là kênh để liên lạc - chăm sóc khách hàng gần xa vì sự nhanh chóng và tiện lợi. Anh tâm niệm: “Quan hệ giữa mình và khách hàng là quan hệ hợp tác vì khách hàng nuôi càng thành công thì lượng con giống mình tiêu thụ càng nhiều! Cả hai cùng có lợi là vậy”!

Nuôi ếch có thời gian nuôi ngắn, chi phí thức ăn và đầu tư vuông nuôi rất nhỏ, nhu cầu về nguồn nước cũng không lớn, thị trường tiêu thụ hiện tại giá cả cũng đã ổn định. Phải chăng đây là một trong những giải pháp sản xuất phù hợp trong tình hình thời tiết đang có chiều hướng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nơi đây trong mùa hạn - mặn.

Phương Quang

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: