• Thi đua - Khen thưởng

Hạnh phúc là cho đi

25/04/2019 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 25/04/2019 | 06:01

STO - Sóc Trăng những ngày tháng 3, nắng đổ lửa, oi nồng. Tôi có dịp ngồi cùng anh để chuyện trò về cuộc sống, về công việc, về những tháng ngày công tác cùng nhau, về những dự định, quan điểm và trăn trở đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay, đặc biệt là công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên và công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Thời tiết thì nóng nực nhưng trong lòng tôi rất dễ chịu và ấm áp bởi sự đồng điệu và hơn hết là sự cảm nhận về anh – một tấm lòng nhân hậu của người thủ lĩnh thanh niên, thuần khiết và mát dịu như làn gió sớm mai, như làn nước mát trong giữa tháng Thanh niên – tháng của những chuyến đi miệt mài và sung sức của tuổi trẻ trên hành trình tình nguyện.

Anh Nguyễn Ngọc Nghiệp - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng (người mặc áo xanh).

Anh chính là Nguyễn Ngọc Nghiệp - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, người bạn đồng hành của sinh viên, của thanh niên và của biết bao mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Anh sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em tại xã Kế An, huyện Kế Sách, mảnh đất thân thương và hiền hòa bên dòng sông Hậu. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với anh đó là một người rất đỗi thân thiện, vui vẻ, hòa đồng, rất chân tình nhưng cũng khá cá tính. Anh đảm nhận tương đối nhiều việc, nhưng tôi chưa bao giờ nghe anh than vãn mỏi mệt.

Xác định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên là nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường, với vai trò Bí thư Đoàn trường, hàng tháng, anh đều tham mưu những nội dung, chuyên đề gắn với sinh hoạt dưới cờ, kịp thời đánh giá những ưu điểm, hạn chế mọi mặt trong tháng của sinh viên. Những trường hợp vi phạm, anh đều có sự theo dõi, nắm bắt cặn kẽ, những giải pháp của anh được sinh viên “vui vẻ chấp nhận” và chấn chỉnh ngay. Với những trường hợp cá biệt, anh thường gặp gỡ riêng và tìm hiểu gia cảnh, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên. Vừa nghiêm khắc nhưng cũng hết sức tình cảm, dần dần anh đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sinh viên với nhà trường, với Đoàn.

Nhiều lần anh tâm sự cùng tôi, vấn đề mà anh trăn trở nhất bên cạnh kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của các em sinh viên đó chính là vấn đề đạo đức, lối sống của các em: “Làm sao để các em sống tốt, có bản lĩnh vững vàng, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, biết khắc phục khó khăn. Hồi xưa tui còn khổ hơn tụi nhỏ nhiều...”. Ở mỗi hoạt động, anh đều chú trọng tính sáng tạo, hiệu quả và chất lượng. Hình ảnh anh làm việc ngoài giờ đã không còn xa lạ với đồng nghiệp trong trường. Mỗi buổi sau giờ làm việc, anh đều tranh thủ rảo khắp kí túc xá; thăm hỏi tình hình ăn, ở, sinh hoạt của các em sinh viên.

Có thể nói, một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên được anh chọn lựa và tìm cho mình hướng đi, đó chính là công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Lớn lên từ cuộc sống cơ cực, thiếu thốn và vất vả, nên hơn ai hết, anh Nghiệp là người thấu hiểu, chia sẻ và luôn nặng lòng với những cảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, nghèo khó. Từ lúc tôi còn công tác chung, tôi luôn thấy anh nhiệt tình, xông xáo và hết mình với công tác tình nguyện.

Có lần, anh đề xuất với tôi thành lập mô hình “Hũ gạo sinh viên”, phát động vận động quyên góp trong toàn thể cán bộ, giáo viên, giảng viên và sinh viên trường để hỗ trợ cho những sinh viên có hoàn cảnh thực sự khó khăn, gia cảnh ngặt nghèo. Tôi thấy ánh mắt thăm thẳm nhưng chứa chan hạnh phúc của anh những khi trao quà cho sinh viên. Hàng tháng, có từ 10 – 15 sinh viên được nhận gạo, có lúc hỗ trợ thêm các suất học bổng đột xuất. Từ mô hình này, anh lại chủ trương đề xuất cải tạo quỹ đất trống của trường để xây dựng mô hình “Vườn rau sạch”, huy động sinh viên các khóa thực hiện phần việc sinh viên, gây quỹ chi đoàn, Đoàn trường. Đây cũng là mô hình giáo dục trải nghiệm, giáo dục ý thức và tinh thần lao động rất tốt cho sinh viên. Anh còn duy trì tốt công trình “Ao cá thanh niên” trong trường. Hàng năm, lợi nhuận thu được từ ao cá trên 40 triệu đồng, được sử dụng làm kinh phí hoạt động của Đoàn trường và gây quỹ học bổng cho sinh viên.

Mỗi dịp tết đến, sinh viên chuẩn bị nghỉ tết thì anh lại cùng các tình nguyện viên nhộn nhịp thực hiện mô hình “Chuyến xe đoàn viên”, vận động tiền, quà, vé xe buýt từ các mạnh thường quân, bán vé số gây quỹ... để hỗ trợ cho sinh viên về quê ăn tết. Hàng năm, có trên 100 sinh viên được hỗ trợ vé xe khứ hồi mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Mô hình “Ngôi nhà 5 ngàn” cũng là một mô hình hiệu quả, độc đáo được anh và Đoàn trường thực hiện từ năm học 2017 – 2018. Anh đã vận động giảng viên, sinh viên của trường mỗi người cùng nhau đóng góp 5.000 đồng/tháng. Từ nguồn quỹ đóng góp đã hỗ trợ và bàn giao “Ngôi nhà 5 ngàn” cho sinh viên Hồng Thị Thúy Nhiên ở TX. Vĩnh Châu. Dự kiến mỗi năm học, anh sẽ tiếp tục vận động để hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa ít nhất một căn nhà cho sinh viên trường từ nguồn quỹ này.

Trong tất cả các mô hình mà anh là người khởi xướng, phụ trách, có thể nói thành công nhất và tạo được sự lan tỏa nhất chính là mô hình “Quầy quần áo 0 đồng”, giờ được đổi trên thành “Câu lạc bộ 0 đồng” mà chính anh là chủ nhiệm. Anh chia sẻ: việc quyên góp áo quần cũ và những phần quà cho người nghèo và trẻ em đã được anh và nhóm thực hiện từ lâu, bằng cách chuyển qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc các chùa trên địa bàn TP. Sóc Trăng. Sau chiến dịch Mùa hè xanh đến các địa phương, chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã bàn với một số đồng nghiệp, bạn bè quyết định xây dựng mô hình “Quầy quần áo 0 đồng” để giúp đỡ bà con nghèo vơi bớt lo toan trong cuộc sống. Khởi xướng ban đầu từ 7 – 8 thành viên, đến nay nhóm đã phát triển số lượng lên gần 100 thành viên. Mỗi ngày tiếp nhận bình quân trên 500 bộ quần áo từ khắp nơi gửi về.

Từ hiệu quả của mô hình, nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ thêm sách giáo khoa, cặp, tập, gạo, mì gói... Thứ 7, chủ nhật hàng tuần, nhóm đều tổ chức các chuyến trao quà đến các địa phương. Tính đến nay, nhóm đã trao quà được trên 40/109 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Anh còn chủ trương đề xuất với nhóm nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 2 em nhỏ khuyết tật và 5 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng tất cả cái tâm với nghề và tình yêu thương thực sự với sinh viên, các bạn sinh viên rất tôn trọng và quý mến anh. Cũng nhờ thế mà tình hình đạo đức, lối sống của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng khá tốt. Đa số các em sinh viên có tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc, có lý tưởng, đạo đức cách mạng, có ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh; biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và cùng tham gia tích cực các hoạt động công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Hành trình tình nguyện của anh Nghiệp cứ thế mà nối dài những cánh tay, những tấm lòng đến những con đường, những vùng quê... Hạnh phúc của anh là cho đi...

Triệu Thị Ngọc Diễm

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: