• Thi đua - Khen thưởng

Khi nông dân học nghề để áp dụng vào sản xuất

29/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 29/11/2018 | 06:00

STO - Để thay đổi tập quán sản xuất theo lối truyền thống đòi hỏi người nông dân trong thời đại mới phải biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính nhờ “tư duy” này mà nhiều nông dân luôn tranh thủ thời gian để tham gia các lớp đào tạo tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức. Tại lớp học, ngoài các kiến thức học được từ các giảng viên truyền đạt, nông dân còn có thêm kinh nghiệm thực tiễn thông qua việc sản xuất của các học viên khác.

Một trong hàng trăm nông dân đã qua lớp đào tạo nghề do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DN-HTND) Sóc Trăng đào tạo mà chúng tôi có dịp gặp gỡ là ông Lê Thành Phương, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung). Ông Phương đã để lại trong lòng chúng tôi ấn tượng sâu sắc, bởi ông có tư duy rất hay là “muốn canh tác loại cây trồng hay giống vật nuôi trước tiên phải có thị trường đầu ra tốt mới triển khai”.

Gặp chúng tôi khi ông vừa trở về sau giờ lên lớp tập huấn về cây ăn trái do Trung tâm DN-HTND mở, tâm trạng ông Phương khá hồ hởi bởi vì ông mới tiếp thu được thêm kiến thức về cách nhận biết cây bị bệnh do một số côn trùng gây ra mà trước đây cứ ngỡ đó là các bệnh thông thường, ít ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái.

Sau khi mời khách những múi bưởi mọng nước, ngọt thanh, ông Phương mới hỏi chúng tôi: “Bưởi xứ cù lao có khác gì so với các bưởi vùng khác không?”. Ai nấy đều không thể phân biệt được khác chỗ nào vì nó cũng chung giống bưởi năm roi. Thế là ông Phương cầm múi bưởi lên chỉ sự khác biệt mà theo các thương lái thu mua đánh giá. Bưởi cù lao màu thịt bưởi vàng nhẹ, vị ngọt thanh, độ bóng sáng hơn một số nơi khác và ông cho rằng sự khác nhau đó chính bởi vùng đất cù lao có lượng phù sa dồi dào, mực nước ngầm tốt nên khi trồng các loại cây có múi (đặc biệt là bưởi) có chất lượng rất ngon.

Ông Lê Thành Phương, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung) khoe vườn bưởi da xanh trĩu cành.

“Tính đến nay, tôi trồng bưởi năm roi, da xanh hơn 15 năm, giống cây tôi trồng được Nhà nước hỗ trợ, số lượng 200 cây. Ban đầu cũng muốn trồng thử nghiệm nhưng sau 3 năm canh tác bưởi cho thu hoạch sản lượng trái tốt và thị trường rất ưa chuộng nên tôi quyết định nhân rộng diện tích cây bưởi lên 15 công trồng xen canh cùng cây dừa, nhãn. Dù xen canh nhưng chất lượng bưởi và năng suất vẫn giữ ở mức ổn định không có sự thay đổi” - ông Phương vui vẻ cho biết.

Hồi tưởng lại việc trước khi chuyển sang trồng bưởi, ông Phương tâm tình: “Tôi đã gắn bó nhiều năm với cây mía và cây nhãn da bò. Cây mía trồng với thời gian 1 năm trời mới thu hoạch nhưng giá thấp, thiếu nhân công thuê mướn, canh tác không mấy lợi nhuận… nên tôi chuyển đổi ngay sang cây nhãn da bò. Những năm đầu, cây nhãn phát triển tốt, giá bán cao, thị trường ưa chuộng, ngặt nỗi nhãn bị bệnh chổi rồng nên tốn nhiều chi phí thuốc trị cho cây mà vẫn không khỏi nên tôi chuyển hướng sang trồng cây dừa. Để các cây trồng tạo sự cộng hưởng “thu tiền về liên tục” tôi xen canh chung cây bưởi. Trước khi canh tác bưởi, tôi đã học hỏi các cán bộ kỹ thuật cũng như tìm hiểu thêm các tài liệu khoa học về cách trồng, cách chăm sóc cây, bởi thời tôi canh tác bưởi ở vùng đất này bà con hầu hết đều canh tác mía nên mọi người cũng hơi ngạc nhiên khi tôi “đột phá” sang trồng cây ăn trái. Khi bưởi đã bén rễ, tôi tiếp tục mở rộng chăn nuôi dê và nuôi ong lấy mật”.

Cũng theo ông Phương, thời điểm ông nuôi dê, xuất bán 1 con dê thịt mua đủ một chiếc xe Wave, cứ thế ông nhân đàn dê thịt lên và duy trì trong chuồng tầm 20 con vừa dê sinh sản, dê thịt và dê con để bán. Riêng đàn ong mật với hơn 100 thùng, 1 năm thu về hơn 1 tấn mật, thu về số tiền hơn 100 triệu đồng.

Trở lại chuyện cây bưởi, ông Phương tiếp lời: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn đào tạo nghề nên tôi biết cách dùng phân chuồng để bón cho cây, hạn chế phân bón hóa học, giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, phân chuồng bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn cho cây, giúp cây lớn khỏe, chất lượng trái ngon, đặc biệt tạo độ tơi xốp đất quanh gốc cây. Với cây bưởi thu hoạch ước 4 - 5 tấn/vụ/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Dự định tới, tôi học xong lớp kỹ thuật cây có múi sẽ rủ anh em thành lập tổ hợp tác để sản xuất bưởi theo quy trình VietGAP để trái bưởi tăng giá trị, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của hộ. Đồng thời, tôi sẽ chuyên canh luôn 15 công bưởi da xanh, chứ không xen canh như hiện tại”.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cù Lao Dung Ngô Văn Hải chia sẻ: “Nói về các mô hình khởi phát tại địa phương, ông Phương được xem là một trong những hộ nông dân đi đầu trong việc triển khai thực hiện, chẳng hạn như cây bưởi da xanh, ông là người trồng đầu tiên và con ong mật, ở huyện này ông cũng là người nuôi đầu tiên. Thông qua mô hình của ông, nhiều hội viên nông dân học hỏi làm theo vì đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực tại hộ”.

Phó Giám đốc Trung tâm DN-HTND Sóc Trăng Lâm Quốc Cường cho biết: “Đào tạo nghề, bà con nông dân là mục tiêu chính của đơn vị. Chính vì vậy, trong nhiều năm hoạt động, đơn vị đã mở hàng trăm lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi hay tổ chức các buổi tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nông dân mình có nhiều kiến thức trong sản xuất, thay đổi thói quen canh tác truyền thống đã không còn phù hợp trong thời đại công nghệ 4.0. Trong các lớp tập huấn ở Cù Lao Dung, tôi thấy ông Phương là một nông dân khá cần cù trong lao động, sản xuất và ông làm các mô hình tại hộ rất tốt, nhất là cách ông chăm sóc vườn bưởi rất khoa học theo đúng quy trình kỹ thuật do chúng tôi hướng dẫn”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: